Người dân có đất bị thu hồi chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương, chiến lược, mục tiêu phát triển của tỉnh khi quyền và lợi ích hợp pháp lâu dài của họ được bảo đảm.
Hải Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai gần. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã, đang và sẽ thu hồi hàng nghìn ha đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp trọng điểm nhằm thu hút đầu tư.
Cuối năm 2021, tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi 4.508,48 ha đất để thực hiện 696 dự án, công trình; cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.453,59 ha đất trồng lúa và 18,63 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 665 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai.
Cần khẳng định việc thu hồi đất là phù hợp quy hoạch sử dụng đất và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Muốn trở thành tỉnh công nghiệp, lẽ tất yếu phải thu hồi đất để thu hút đầu tư. Chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là khi tư liệu sản xuất của họ không còn. Cần làm gì để nhân dân đồng tình khi tỉnh thu hồi đất là vấn đề không mới nhưng phải có những giải pháp mới, sáng tạo, phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
Tuyên truyền được coi là "vũ khí" quan trọng bậc nhất. Công tác tuyên truyền muốn hiệu quả cần thực hiện từ sớm, từ xa. Có nghĩa là khi bắt đầu có chủ trương dự án thì đã phải làm ngay. Tuyên truyền phải đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để làm sao mọi người đều thông tường về đường lối phát triển của tỉnh, về quy mô, mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc thu hồi đất. Cùng với hình thức tuyên truyền phổ thông, các địa phương có thể thành lập các đội tuyên truyền lưu động theo từng thôn, xóm với người "chỉ huy" là cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong nhân dân đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động, thuyết phục. Trong tuyên truyền cần kiên trì, bền bỉ, mềm dẻo để người dân thấy được việc triển khai dự án sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, quê hương, gia đình và con cháu họ sau này.
Chúng tôi được đền bù bao nhiêu tiền? Sắp tới chúng tôi phải làm gì để ổn định cuộc sống?... là những câu hỏi mà người dân thường đặt ra khi bị thu hồi đất. Trước đây, tại một số dự án, việc xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ, việc tổ chức thực hiện chưa tốt, thiếu công khai, minh bạch khiến người dân bất hợp tác, thậm chí trở thành điểm nóng. Vì vậy các ngành liên quan cần chủ động xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ người dân từ sớm, lấy ý kiến rộng rãi để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ra quyết định, bảo đảm lợi ích và hợp lòng dân nhất.
Cũng cần thay đổi tư duy trong tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Không nên giữ quan niệm đã là nông dân thì sẽ tiếp tục làm nông nghiệp. Cần rà soát, tính toán số lượng, trình độ, lứa tuổi của người dân bị thu hồi, lên phương án tạo việc làm khả thi nhất cho họ nhưng phải bảo đảm thu nhập thỏa đáng. Chúng ta tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhưng cần có điều khoản để yêu cầu doanh nghiệp phải ưu tiên tuyển dụng lao động bị thu hồi đất, tạo cho họ một công việc phù hợp. Khuyến khích người dân bị thu hồi đất "ly nông bất ly hương", giúp đỡ họ mở mang các dịch vụ "vệ tinh" xung quanh doanh nghiệp như xây nhà trọ công nhân, mở hàng quán ăn uống, dịch vụ phục vụ cho công nhân của doanh nghiệp...
BÌNH MINH