Thời gian qua, việc ký hợp đồng lao động, chi trả chế độ cho giáo viên hợp đồng (GVHĐ) ở tỉnh ta còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) để làm rõ vấn đề này.
- Xin đồng chí cho biết hiện nay việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?- Nhiều năm nay, ngành GDĐT của tỉnh thiếu rất nhiều giáo viên giảng dạy. Nguyên nhân do tỉnh giao định mức số giáo viên/lớp còn thấp so với quy định của Trung ương. Cụ thể năm 2017, bậc mầm non, hệ nhà trẻ thấp hơn 0,7 giáo viên/lớp, hệ mẫu giáo thấp hơn 0,4giáo viên/lớp; bậc tiểu học thấp hơn 0,07 giáo viên/lớp; bậc THCS thấp hơn 0,05giáo viên/lớp; chỉ có bậc THPT được giao đủ. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục còn phải thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế. Đồng thời, số lượng học sinh mấy năm gần đây tăng mạnh. Từ đó dẫn đến nguồn nhân lực của ngành không đáp ứng yêu cầu. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh thiếu 2.469 giáo viên. Trong đó, mầm non thiếu nhiều nhất với 1.914người, tiểu học 345 người, THCS 140 người và THPT thiếu 70 người.
Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ việc dạy học thì phải sử dụng GVHĐ. GVHĐ do chính quyền các cấp hoặc cơ sở giáo dục ký hợp đồng lao động. Trong đó, phần lớn là do các nhà trường thực hiện. GVHĐ hầu hết chỉ được ký ngắn hạn mang tính thời vụ, 3 tháng, 6tháng hoặc 1năm. Nhiều giáo viên chỉ được ký hợp đồng lao động trong 9 tháng học chính còn 3 tháng nghỉ hè thì ngừng.
- Chế độ đối với GVHĐ được thực hiện ra sao?- Thời gian qua, GVHĐ thường được chi trả theo hệ số lương bậc 1 của chuyên ngành được đào tạo, có nơi không trả đúng; nhiều nơi căn cứ vào nguồn kinh phí thực tế để chi. Do quy định của một số ngành chức năng, nhất là Kho bạc Nhà nước tỉnh, ngành gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền công cho GVHĐ từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì đối tượng này vượt quá định mức tỉnh giao. Do đó, nhiều trường không dám sử dụng GVHĐ.
- Ngành có kiến nghị, đề xuất gì để bảo đảm nguồn nhân lực?- Việc thiếu giáo viên khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng thiếu lực lượng, nhiều giáo viên biên chế phải dạy liên trường, dạy vượt giờ. Kinh phí chi trả dạy vượt giờ có khi còn tốn hơn so với GVHĐ (tiền vượt giờ được trả bằng 150% số tiền dạy trong định mức). GVHĐ thường thiếu ổn định nên ảnh hưởng đến việc bố trí lực lượng, tổ chức dạy học của các cơ sở giáo dục. GVHĐ thường không yên tâm công tác, giảm tâm huyết với nghề.
Thời gian tới, để bảo đảm điều kiện dạy học cho các cơ sở giáo dục và chế độ, quyền lợi cho GVHĐ, Sở GDĐT đề nghị UBND tỉnh cho phép trong năm học 2017 - 2018 các trường mầm non, phổ thông được hợp đồng lao động đối với giáo viên để thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc, ở mỗi đơn vị, số lượng người làm việc (bao gồm cả lao động hợp đồng) không vượt quá định mức quy định của Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán tiền công cho lao động hợp đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với những đơn vị không có nguồn thu sự nghiệp hoặc số dư từ tài khoản tiền gửi của đơn vị không đủ khả năng thanh toán. Từ năm học 2018 - 2019 trở đi, đề nghị UBND tỉnh giao đủ số lượng người lao động theo định mức quy định của Trung ương. Chỉ tiêu được giao trên cơ sở kết hợp thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DANH TRUNG (thực hiện)