Để có được một vụ đông xuân bội thu, cần đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo trong đó nước vàdinh dưỡng là 2 yếu tố hàng đầu.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Mặc dù lúa đông xuân (ĐX) còn một mối đe dọa khác là hạn và nhiễm mặn vào cuối vụ nhưng việc xuống giống tập trung được sớm, mức độ gây hại chắc không nhiều nên có thể coi đây là “vụ lúa trong mơ”. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra kế hoạch tiêu thụ 3 triệu T gạo lúa ĐX (nếu không có thiên tai thì dự kiến cả năm xuất khoảng 6,9 triệu T) với giá sàn tiên liệu là 4.500 đ/kg và có thể biến động lên 5.500 đ/kg.
Đảm bảo nước
Không biết vì có phải các cơ quan khuyến nông đang đẩy mạnh chương trình 5 phải 1 giảm cải tiến từ chương trình 3 giảm 3 tăng không mà vấn đề quản lý nước lại được nhiều nông dân quan tâm. Theo kinh nghiệm thì trong giai đoạn lúa đẻ nhánh cần giữ nước ở mức độ vừa phải (ngập khoảng 5 cm), có nước kèm theo thúc phân thì cây sẽ đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung và số chồi hữu hiệu cao.
Theo PGS. TS Dương Văn Chín, PVT Viện lúa ĐBSCL thì cây lúa có thể chịu được nước ngập suốt vụ nhưng không có nghĩa là cây lúa lúc nào cũng cần nước ngập trên mặt ruộng. Rút cạn nước rễ lúa vẫn có thể tiếp tục hút lượng nước nằm trong các lỗ hổng, mạch mao dẫn trong đất. Vào lúc 30 ngày sau khi sạ, nên nhanh chóng tháo toàn bộ nước mặt ra khỏi ruộng.
Việc để khô ruộng ở giai đoạn 30 NSS có thể tiết kiệm một đến hai lần bơm nước. Ưu điểm của việc rút nước lúc này là: các chất hữu cơ độc hại hòa tan trong dung dịch đất được di chuyển khỏi vùng rễ lúa, đất được thoáng khí thì chất H2S tích tụ trong quá trình ngập nước sẽ được oxi hoá và dẫn đến giảm ngộ độc. Hệ thống rễ được kích thích tạo ra các rễ mới, rễ mọc xuống đất sâu hơn, giảm đổ ngã cho lúa khi có gió bão. Khi nước cạn, các lá ủ bên dưới sẽ khô nên gốc lúa sạch, tiểu khí hậu tốt, giảm sâu bệnh.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để xem mức độ khô của ruộng bằng cách đóng ống nhựa trong ruộng để biết thời điểm phải bơm nước vào. Ống nhựa có đường kính khoảng 15 cm, dài 30 cm, có khoan nhiều lỗ thủng bên hông, chôn sâu xuống ruộng 20 cm, phần ống còn nhô khỏi mặt đất 10 cm. Móc toàn bộ đất sình trong ống ra. Quan sát khi nào mực nước trong ống hạ xuống cách mặt đất ruộng 15 cm thì bơm nước vào ngập ruộng trở lại. Cây lúa cần rất nhiều nước ở giai đoạn tượng khối sơ khởi lúc 40-45 ngày sau sạ. Đến giai đoạn này mà trong ống mực nước vẫn chưa hạ xuống đến 15 cm, chẳng hạn chỉ đến 10 cm, thì cũng cần bơm nước vào lại, hơn nữa lúc này cần có nước trong ruộng để bón phân đón đòng.
Trước khi thu hoạch cần rút nước cạn ruộng để lúa dễ chín và gặt dễ dàng. Đối với vùng đất thịt hoặc thịt pha cát ven sông, rút nước cạn khoảng một tuần trước khi thu hoạch. Đối với đất sét nặng, nhiều chất hữu cơ, lầy thụt, nên rút cạn toàn bộ ruộng khoảng 15 ngày trước khi thu hoạch.
Chế độ dinh dưỡng
Với lúa sạ thì nên chia làm 3 lần bón, lần 1: 5-7 ngày sau sạ bón 20-30% N, 40-50% P2O5 và 30% K2O; lần 2: 20-25 ngày sau sạ, bón 30-40% N, bón hết lân còn lại và lần 3: 40-45 ngày sau sạ bón nốt số đạm và kali còn lại. Trong 3 lần bón thì lần bón thứ 2 sẽ quyết định năng suất nhất bởi đây là lúc cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây đẻ nhánh. Tuy nhiên tùy từng điều kiện cụ thể mà có thể gia giảm cho phù hợp. Biện pháp tốt nhất là sử dụng bảng so màu lá lúa vì đại đa số các giống sử dụng ở vụ ĐX chính vụ đều có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, có chế độ dinh dưỡng giống nhau. Khi so nếu độ xanh của lá dưới mức số 3 thì nên bón bổ sung 35 kg N/ha (khoảng 70 kg u rê), nếu giữa mức 3 và 4 thì cần bón bổ sung 30 kg N/ha (khoảng 60 kg u rê), nếu xanh đậm hơn mức 4 thì cần bón 15-20 kg N/ha.
(Theo Nông nghiệp)