Bảo đảm công bằng cho những người tự ứng cử

01/04/2016 09:09

Bảo đảm công bằng cho những người tự ứng cử là vấn đề được Ủy ban Bầu cử các cấp trong huyện quan tâm thực hiện.



Đoàn kiểm tra Ủy ban Bầu cử tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Hồng Thái (Ninh Giang)

Ninh Giang là huyện có nhiều người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhất tỉnh với 27 người. Bảo đảm công bằng cho những người tự ứng cử là vấn đề được Ủy ban Bầu cử các cấp trong huyện quan tâm thực hiện.

Phát huy dân chủ

Đợt này, xã An Đức được bầu 25 đại biểu HĐND xã. Qua hai lần hiệp thương, xã thống nhất danh sách sơ bộ 50 ứng cử viên, trong đó có 6 người tự ứng cử, cao nhất huyện. Ông Nguyễn Ngọc Duyên, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: Trong số 6 người tự ứng cử, có 5 nữ. Người có trình độ cao nhất là đại học. Qua rà soát cho thấy hồ sơ của cả 6 người tự ứng cử đều bảo đảm theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi nhận hồ sơ của các ứng cử viên này, Ủy ban Bầu cử (UBBC) xã đã tìm hiểu kỹ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn cảnh gia đình, đạo đức, lối sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ và nhận thấy nếu được bầu, cả 6 người này đều có thể đáp ứng được yêu cầu mà cử tri đặt ra.

Xã Hồng Phúc cũng có 4 người tự ứng cử đại biểu HĐND xã, nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó có 1 nữ.

Việc có nhiều người dân tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã cho thấy dân chủ trong bầu cử ở Ninh Giang được phát huy. Việc tự ứng cử nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cả người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện. Ông Nguyễn Đình Trang ở thôn An Cầu (xã An Đức) cho biết: "Đây là một việc tốt, thể hiện trách nhiệm với công việc chung của địa phương, của xã hội. Điều quan trọng là những người tự ứng cử phải thể hiện được năng lực, đáp ứng các yêu cầu mà cử tri đặt ra đối với một người đại biểu nhân dân".

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, thành viên UBBC huyện Ninh Giang, việc có nhiều người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã thể hiện quyền cũng như trách nhiệm của công dân đối với công việc chung của địa phương đã được nâng cao. Người tự ứng cử trẻ hay già, nghề nghiệp thế nào đều đáng trân trọng.

Bảo đảm công bằng

Ông Nguyễn Thế Dư, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, thành viên UBBC xã Hồng Phúc cho biết: Ngay sau khi nhận hồ sơ tự ứng cử, UBBC xã đã kiểm tra hồ sơ có hợp lệ không. Với các hồ sơ hợp lệ, UBBC xã chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã để đưa vào danh sách hiệp thương, không có sự phân biệt người tự ứng cử hay người được giới thiệu. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2, cả 4 người tự ứng cử đều được nhất trí đưa vào danh sách sơ bộ.

Ông Nguyễn Thành Long cho biết thêm để phát huy được dân chủ trong bầu cử, thời gian qua, UBBC các cấp trong huyện, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền. Trong đó, chú trọng vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ý nghĩa, mục đích của cuộc bầu cử, quyền và trách nhiệm của công dân đối với cuộc bầu cử… Huyện đã thành lập 7 đoàn kiểm tra tất cả các xã, thị trấn để nắm bắt những vấn đề phát sinh và có biện pháp giải quyết kịp thời. Đáng chú ý trong số 27 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, có 8 đảng viên, trong đó có cả cấp ủy viên. Khi biết đảng viên, cấp ủy viên có nguyện vọng tự ứng cử, các chi bộ, cấp ủy đều tổ chức họp, thảo luận về vấn đề này. Sau khi được cấp ủy, chi bộ nhất trí, đảng viên, cấp ủy viên mới làm đơn tự ứng cử.

 Đồng thời, UBBC các cấp trong huyện hướng dẫn rất kỹ cách thức khai hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND. Tuyên truyền, yêu cầu các ứng cử viên khai hồ sơ trung thực, khai đúng, khai đủ, chính xác các thông tin theo đúng hướng dẫn. Do đó, các hồ sơ của những người được giới thiệu và những người tự ứng cử đều bảo đảm các quy định của pháp luật.

Dù là ứng cử viên tự ứng cử hay được giới thiệu, thì điều quan trọng nhất là sự tín nhiệm của cử tri đối với các ứng cử viên. Do đó, UBBC các cấp trong huyện triển khai chặt chẽ, thực chất việc lấy ý kiến cử tri đối với các ứng cử viên. Tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri, UBBC huyện yêu cầu các xã, thị trấn không được nêu đâu là ứng cử viên được giới thiệu, đâu là ứng cử viên tự ứng cử bởi điều này trái với quy định của pháp luật. Các xã, thị trấn phải tuyên truyền về ứng cử viên một cách công bằng và tạo đủ điều kiện để cử tri tiếp cận được đầy đủ thông tin của từng ứng cử viên. Trong các bước tiếp theo, đặc biệt khi thực hiện vận động bầu cử, việc bảo đảm công bằng cho các ứng cử viên sẽ tiếp tục là vấn đề được huyện quan tâm chỉ đạo.

Qua hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn trong huyện đã thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ 1.306 ứng cử viên để bầu 712 đại biểu HĐND cấp xã. Với cách làm phát huy dân chủ cao độ, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tin rằng cuộc bầu cử ở huyện Ninh Giang sẽ thành công tốt đẹp.

PV

(0) Bình luận
Bảo đảm công bằng cho những người tự ứng cử