Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân

18/08/2016 07:50

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái yêu cầu trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của người dân.


* Chủ động ứng phó với bão số 3
* Bão số 3 sẽ gây gió giật cấp 8-10, mưa từ 150-200mm ở Hải Dương

Chiều 18-8, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các huyện: Thanh Hà, Nam Sách và thị xã Chí Linh.

Tại huyện Thanh Hà, sau khi kiểm tra trạm bơm Thanh Thuỷ B, Cấp Tứ và cống sông Hương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các trạm bơm, chủ động mở cống, bơm gạn tháo nước đệm trên các sông trục, sông nội đồng, sẵn sàng hoạt động hết công suất khi có mưa lớn. Lưu ý cán bộ, nhân viên trạm bơm Cấp Tứ sẵn sàng ứng trực, vận hành hệ thống máy bơm, không để úng ngập gây thiệt hại cho diện tích cây ăn quả của người dân ở các xã: Thanh Xuân, Liên Mạc và Thanh Lang. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương nhanh chóng khắc phục các sự cố, bằng mọi cách cung cấp điện ổn định phục vụ bơm tiêu thoát úng.

Tại thị xã Chí Linh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống hồ, đập trên địa bàn, chủ động xả bớt nước, kiểm tra các cửa, cánh cống sẵn sàng điều tiết nước khi có lũ lớn, không để vỡ, tràn đập, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu của thị xã.




Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra công tác phòng
chống mưa bão tại thị xã Chí Linh


Tại huyện Nam Sách, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương khuyến cáo người dân neo, giữ chặt các lồng cá trên sông đề phòng lũ lớn. Không ở trên bè trong thời điểm mưa bão, đưa lên bờ tài sản có giá trị, tránh thiệt hại do mưa lũ.



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại huyện Nam Sách

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề  nghị trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.


* Trước đó, sáng 18-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 với 28 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh.  Đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại Hải Dương.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp để ứng phó với bão số 3. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ban, ngành và các địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện các biện pháp để ứng phó với bão số 3, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến của bão để đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời. Cơ quan thông tin, tuyền thông thường xuyên cập nhật tình hình để phản ánh chính xác, kịp thời về mức độ ảnh hưởng của bão. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đê sông, đê biển, hồ đập để có giải pháp bảo đảm an toàn các điểm xung yếu; chủ động bơm tháo gạn nước đệm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực ban theo các cấp báo động; tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, nhất là những tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, yêu cầu di chuyển tàu thuyền vào vị trí an toàn. Bộ Công thương xây dựng phương án phù hợp để vận hành hệ thống hồ đập thủy điện và hệ thống lưới điện an toàn trong thời điểm mưa bão; cần lưu ý tới các hầm, mỏ khai thác khoáng sản và chủ động chuẩn bị hàng hóa thiết yếu cho những vùng có thể xảy ra thiệt hại lớn. Bộ Xây dựng tập trung bảo vệ các công trình trọng yếu của đất nước. Bộ Công an bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại những tuyến đường trọng yếu.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần bám sát diễn biến của thời tiết, đánh giá cụ thể ảnh hưởng của bão để không bị động, bất ngờ trước những tình huống nguy hiểm, bất lợi. Chủ động phương án tiêu thoát nước cho khu vực đô thị và tiêu úng cho lúa và hoa màu. Những điểm dân cư ở những khu vực có khả năng xảy ra nguy hiểm phải di dời người dân đến vị trí an toàn; tùy thuộc vào tình hình mưa bão xem xét cho học sinh nghỉ học.



Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng chủ trì điểm cầu tại  Hải Dương


Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng đề nghị các địa phương trong tỉnh kiểm tra, xử lý các điểm đê, kè, hồ đập xung yếu. Cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về mưa, bão để người dân nắm tình hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh gạn tháo nước đệm phù hợp. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khẩn trương sửa chữa hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định phục vụ công tác phòng chống úng. Các thành viên của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải bám sát cơ sở để nhanh chóng xử lý các sự cố do mưa bão gây ra.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và bão số 3 nên trong những ngày qua, toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 16-8 đến 7 giờ sáng 18-8 phổ biến từ 50-100 mm, trung bình cả tỉnh là 59,6 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn là Nam Sách 86 mm, Bình Giang 70 mm, TP Hải Dương 69,4 mm, Ninh Giang 68 mm, Gia Lộc 67,1 mm. Mưa lớn cục bộ đã gây ngập úng nhiều tuyến phố ở TP Hải Dương như Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Phan Bội Châu, Quán Thánh... Trận mưa to trên diện rộng kèm theo sấm sét đêm 17-8 đã gây một số sự cố mất điện sinh hoạt, điện phục vụ bơm tiêu úng ở Kinh Môn, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Hà. Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy xuất hiện 2 cung sạt ở xã Thanh Quang, 1 cung sạt ở xã Cộng Hoà.


Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, bão số 3 sẽ gây mưa lớn tại Hải Dương, lượng mưa phổ biến từ 150-200 mm, có nơi cao hơn. Từ sáng sớm 19-8, trong tỉnh sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6 sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão này.

* Chiều 18-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hải Dương có công điện khẩn gửi các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành, cơ quan liên quan chủ động ứng phó với bão số 3.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa, bão, lũ để thông báo cho nhân dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, tránh tư tưởng chủ quan. Triển khai các phương án đối phó với mưa, bão, lũ theo kế hoạch. Chằng chống nhà cửa, bảo vệ các kho tàng, trường học, kho thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở hạ tầng đang xây dựng; di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão vào đất liền, chú trọng các đối tượng chính sách, neo đơn, hộ nghèo... Bơm, gạn, tháo chống úng cho diện tích lúa mùa, cây rau màu vụ hè thu và cây ăn quả, các khu vực nuôi trồng thủy sản; phương án chống bão, lũ cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông; phương án đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải thủy, các bến đò dọc, đò ngang. Kiểm tra các công trình đê, kè, cống, hồ đập đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống đê Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi nội đồng, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập, khu vực mỏ khai thác mỏ trên địa bàn. Thông báo, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nhà xưởng hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án chống úng, ưu tiên diện tích trồng lúa, rau màu ở các vùng trũng và các khu nuôi thủy sản tập trung. TP Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khẩn trương khắc phục các sự cố về điện đã xảy ra, đặc biệt chú ý khắc phục nhanh các sự cố sau bão để cung cấp điện phục vụ công tác chống úng, sản xuất. Sau khi bão tan, yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất; thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ, khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đoạn bãi tuyến đê tả sông Kinh Thầy thuộc xã Nhân Huệ (Chí Linh) có 2 điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở thứ nhất dài 6m, lấn vào bãi từ 0,7-2m, cung sạt tụt thẳng đứng cách chân đê ngoài bãi sông 30m. Điểm sạt lở thứ hai dài 38m, lấn sâu vào bãi từ 1,5-2,5m. Khoảng cách gần nhất từ cung sạt đến chân đê còn 16,8m. Điểm sâu nhất gần bờ có cao độ 7,5 m, cung sạt tụt 2,5 m tạo vách đất thẳng đứng. Trên mặt bãi xuất hiện nhiều vết nứt và tiếp tục sạt lở mạnh lấn sâu vào hàng tre chắn sóng, sát chân đê. Sự cố này đe dọa nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ đê. Đây cũng là khu vực đã từng xảy ra đùn sủi và phải xử lý khẩn cấp vào năm 1992.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do bãi sông nằm ở vị trí bờ lõm, địa chất xấu, chủ yếu là đất cát, mái dốc đứng và chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường.



Lực lượng chức năng tiến hành đo đạc và cắm tiêu để theo dõi diễn biến của điểm sạt lở

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Chí Linh kiểm tra, đánh giá và lập phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ". Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng xử lý sự cố bảo đảm an toàn công trình đê điều. Hạt Quản lý đê và chính quyền địa phương có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo để xây dựng phương án bảo vệ chính xác và hiệu quả nhất.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo nông dân giữ nước nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh để bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Chú ý tiêu thoát úng cho 3.000 ha lúa mùa muộn mới cấy và diện tích lúa cấy lại sau bão số 1. Đối với diện tích rau màu, thực hiện các biện pháp che chắn, khơi thông, nạo vét rãnh để tiêu thoát nước nhanh. Sau khi mưa bão kết thúc hướng dẫn nông dân xới xáo, phá váng. Với cây ăn quả, cần áp dụng kỹ thuật để hạn chế bị gãy đổ, ngập úng. Ngăn, chắn ở các ao nuôi thủy sản, không để cá thoát ra ngoài. Khi nguy cơ có lũ lớn phải tổ chức thu gom, chuyển cá từ các ao, hồ ngoài đê vào nội đồng. Các hộ nuôi cá lồng neo giữ, cố định các lồng nuôi, tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.

* Để bảo đảm công tác chống úng, 8 giờ 30 ngày 18-8, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã đóng cống Xuân Quan và âu Cầu Cất và mở thông các cống Bá Thủy, Neo, Tranh, Báo Đáp, Kênh Cầu, Đồng Than, Lạc Cầu và Âu Lực Điền. Tranh thủ thời điểm thủy triều xuống, công ty tiến hành gạn tháo ở cống Cầu Xe, An Thổ. Hiện nay, mực nước ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đạt mức 1-1,78 m so với mực nước thiết kế.

* Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3. Kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình, máy móc, bảo đảm 100% công suất. Tổ chức gạn tháo nước theo đúng quy trình để chủ đống đối phó với mưa lớn xảy ra. Xí Nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh chủ động kiểm tra hệ thống hồ đập, thực hiện nghiêm quy trình vận hành. Thực hiện chế độ thường trực, trực ban và báo cáo theo đúng quy định.
Công ty yêu cầu các địa phương dễ xảy ra ngập úng như Thanh Hà, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Nam Sách và thị xã Chí Linh bơm gạn tháo nước đệm; tranh thủ thời điểm thủy triều xuống để tháo nước bằng biện pháp tự chảy. Ở những vùng trồng rau màu tập trung, nông dân tháo cạn nước ở rãnh luống. Với diện tích rau màu mới trồng, sử dụng rễ bèo che phủ gốc cây để bảo vệ rễ, giúp thân cây không bị gẫy, dập.

* Sáng 18-8, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Chí Linh đã kiểm tra vị trí trên đê sông Kinh Thầy từng bị sạt lở thuộc xã Nhân Huệ và các tuyến đê trọng yếu trên địa bàn. Tại mỗi vị trí, thị xã đã chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Thị xã cũng đã kiểm tra hệ thống hồ đập, có phương án đối phó kịp thời nếu xảy ra lũ quét. Với các hồ đập đã đủ lượng nước dự trữ tiến hành xả tràn để bảo đảm an toàn. Với các hồ đập thiếu nước triển khai phương án ứng phó. Các xã, phường chủ động bơm, tháo nước đệm trong nội đồng. Thị xã cũng hướng dẫn các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy neo buộc các bè cá để tránh rủi ro.

* Cũng trong sáng 18-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng đối phó với cơn bão số 3. Đến thời điểm này, 1.500 lồng cá trên sông đã được các hộ dân chằng chéo, neo buộc chắc chắn. Các xã Thái Tân, Nam Tân… do là vùng thấp, hiện tại lúa đang đứng cái, chỉ đạo nông dân chuẩn bị dây, sẵn sàng buộc dựng nếu lúa bị đổ. Trước đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã tháo gạn hết nước tại các vùng đệm, sẵn sàng chống úng cho diện tích lúa mùa, cây rau màu vụ hè thu và cây ăn quả. Hạt Quản lý đê huyện đã kiểm tra các công trình đê, kè, cống trọng điểm chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu của công trình thủy lợi nội đồng…; xây dựng phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.

* Huyện Kim Thành vừa chỉ đạo các địa phương chủ động đối phó với tình hình mưa, bão. Đặc biệt, rút kinh nghiệm của cơn bão số 1 và số 2 gây ngập úng nhiều diện tích rau màu, lúa, hư hại một số công trình công cộng, nhà dân bị tốc mái... Huyện cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các công trình đê điều và các công trình phòng chống thiên tai khác, phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh. Đặc biệt chú ý đến nhân lực, vật tư phòng chống thiên tai... Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Thành đã triển khai các biện pháp bơm gạn nước, tiêu úng, tập trung vào những vùng từng xảy ra ngập úng cục bộ và vùng có diện tích rau màu lớn. Toàn huyện hiện có 8 trạm bơm với 45 máy bơm các loại, tổng công suất 150.000m3/h, trong đó có 6 trạm bơm chuyên tiêu và 2 trạm tưới tiêu kết hợp do xí nghiệp quản lý. 2/3 diện tích tiêu tự chảy chủ yếu qua hệ thống An Kim Hải, hệ thống bờ vùng dài hơn 52km và 38 cống dưới đê.

* Trưa 17-8, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tứ Kỳ có công điện số 3 yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn, các ngành liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, sẵn sàng ứng phó kịp thời, chủ động tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Công điện yêu cầu tập trung bảo đảm an toàn cho diện tích lúa mùa, cây rau màu hè thu và diện tích nuôi thủy sản; mở cống qua đê để gạn tháo nước theo quy định; vớt bèo, giải tỏa dòng chảy ở những tuyến kênh, mương còn ách tắc; bảo đảm cung cấp điện liên tục cho các trạm bơm khi có mưa lớn. Những ngày qua trên địa bàn huyện đã có mưa vừa, mưa to nhưng do chủ động các biện pháp chống úng nên không có diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng.

Sáng cùng ngày, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ tiếp tục vận hành 5 trong tổng số 8 trạm bơm tiêu úng trọng điểm để bơm nước từ trong đồng ra sông ngoài, gồm: Đò Neo (xã Đại Đồng), Cầu Dừa (xã Văn Tố), Nguyên Giáp (xã Nguyên Giáp), Cống Gạch (xã Hà Thanh) và Quang Trung (xã Quang Trung). Xí nghiệp huy động lực lượng công nhân kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh trục do xí nghiệp quản lý, kịp thời vớt bèo, vật cản, khơi thông dòng chảy tại những điểm còn ách tắc...

Điện lực Tứ Kỳ đã huy động nhân viên phối hợp với cộng tác viên ở các xã, thị trấn phát quang, cắt tỉa cây cối nằm trong hành lang ann toàn lưới điện; gia cố, chằng chéo các cột điện xung yếu; khẩn trương khắc phục một số sự cố do ảnh hưởng của cơn bão số 1 liên quan đến hệ thống lưới điện trung thế như: vỡ sứ, hỏng thiết bị đóng cắt...; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trong trường hợp hệ thống lưới điện gặp sự cố, Điện lực huyện sẽ triển khai phương án cấp bù, cấp chéo để ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm chống úng trọng điểm.

Trung tâm Viễn thông huyện cũng huy động nhân viên kỹ thuật kiểm tra, rà soát, tổ chức chằng chéo lại một số cột viễn thông ở các xã Văn Tố, Nguyên Giáp... bị nghiêng; chuẩn bị máy phát điện dự phòng tại 19 trạm viễn thông đề phòng mất điện hệ thống làm gián đoạn thông tin liên lạc. Từ tối 18-8, 100% số cán bộ, kỹ thuật ứng trực tại trụ sở trung tâm và các trạm trên địa bàn để sẵn sàng xử lý khi có sự cố.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc nhân dân chằng chéo nhà cửa, khu chuồng trại chăn nuôi tập trung đề phòng mưa bão làm tốc mái. Các xã có diện tích trồng cây rau màu hè thu lớn như Hưng Đạo, Nguyên Giáp, Ngọc Kỳ... chú trọng khơi thông dòng chảy để tiêu úng thuận lợi. Các xã Hà Thanh, Đại Đồng, Nguyên Giáp đã đôn đốc các hộ nuôi cá lồng ở sông Luộc và sông Thái Bình chằng chéo kỹ càng lồng bè đề phòng mưa bão gây thiệt hại.

* Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Gia Lộc đã gạn tháo nước đệm trên các sông nội đồng. Tại trọng điểm phòng chống úng của huyện ở xã Gia Xuyên, xí nghiệp phối hợp với trạm bơm Đò Neo (Tứ Kỳ) bơm gạn tháo đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho diện tích đào và rau màu. Huyện huy động thêm trạm bơm Quán Phấn hỗ trợ bơm tiêu úng cho trọng điểm này. Các xã có nhiều diện tích rau hè thu mới trồng như Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Lê Lợi, Phạm Trấn đã khuyến cáo nông dân chuẩn bị sẵn sàng máy bơm xăng dầu để bơm tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn kéo dài, hướng dẫn nông dân dùng khum che nilon bảo vệ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu xã Trùng Khánh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa úng, kịp thời bảo vệ bờ vùng Bắc Hưng Hải đoạn qua thôn Hưng Long đang có dấu hiệu sạt lở.

Ngay từ sáng ngày 18-8, nông dân thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã ra đồng đặt khum nilon để che cho cây giống vụ đông sớm và cây rau màu hè thu mới trồng, đồng thời gim, buộc chặt để khum nilon không bị tốc do gió bão. Nông dân ở đây cho biết dùng khum che nilon là biện pháp hiệu quả để phòng chống mưa lớn, tránh cho rau màu không bị dập nát. Tuy nhiên, nếu mưa lớn kéo dài cần phải dùng máy bơm dầu, xăng để bơm tiêu gấp. Do đó, hầu hết những nông dân ở đây đã chuẩn bị sẵn sàng các loại máy bơm để chống úng. 



Nông dân thôn Xuân Nẻo gim buộc khum nilon che cho rau giống vụ đông sớm

Tại vùng trồng đào của xã Gia Xuyên trưa 18-8, mặc dù chưa mưa nhưng các hộ dân đã chủ động bổ lỗ thoát nước tại các ruộng trồng đào. Người dân tỉa bớt cành những cây đào lớn. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Gia Lộc yêu cầu cụm trưởng các trạm bơm kiểm tra, vận hành thử và bơm gạn tháo nếu nước trên sông nội đồng còn lớn; yêu cầu công nhân kiểm tra hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy để không ảnh hưởng đến việc bơm tiêu úng trong những ngày tới.



Nông dân xã Gia Xuyên đã ra đồng dùng tre, dóc chằng chống để cây đào không bị bật gốc do gió bão


* Các phường, xã, đơn vị liên quan trên địa bàn TP Hải Dương đã chủ động các biện pháp phòng chống. Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương vận hành 100% số máy bơm để bơm gạn nước; khơi thông cống rãnh tại các khu vực thường xuyên diễn ra ngập úng như các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ, Ngô Quyền, các khu vực phường Thanh Bình, Tân Bình. Công ty cũng cử cán bộ trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các sự cố. Điện lực TP Hải Dương phát quang cành cây tại những vị trí gần đường điện; kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện; lưu ý các đường cấp điện cho trạm bơm tiêu úng, bảo đảm không để xảy ra mất điện. Các đơn vị chức năng chủ động kiểm tra công trình đê, kè, cống, các trọng điểm chống lụt bão, bãi sông bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống đê Bắc Hưng Hải, các công trình chống úng nội đồng... Gia cố để bảo đảm an toàn các hệ thống đường dây cáp treo, đèn trang trí, hệ thống tiếp địa cột thép, tủ điều khiển, các pha đèn chiếu sáng đô thị.



Các trạm bơm của thành phố tổ chức bơm rút nước đệm, duy trì ở mực nước thấp

* Sáng cùng ngày, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương chằng chống lại các cây xanh đường phố bị ảnh hưởng từ cơn bão số 1, chặt 30 cây bị sâu có nguy cơ gẫy đổ và phát tỉa 400 cây xanh nặng tán. Các bộ phận liên quan trong đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ xe thang, cưa máy, xe vận chuyển rác và nhân lực để chủ động đối phó mưa bão. Xí nghiệp Công viên - Cây xanh tổ chức trực 24/24 giờ để đối phó với mưa bão.



Các cây xanh nặng tán đã được phát tỉa cành


* Sáng 18-8, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Bình Giang yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động đối phó với tình hình mưa bão. Sáng cùng ngày, Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện Bình Giang đã vận hành 3 trạm bơm Cầu Sộp, Thúc Kháng, Thái Dương để bơm gạn nước đệm cho những vùng thường xảy ra ngập úng cục bộ. Đơn vị tổ chức kiểm tra toàn bộ 85 trạm bơm còn lại trên địa bàn để sẵn sàng chống úng khi xảy ra mưa lớn; bố trí toàn bộ quân số trực phòng chống bão 24/24 giờ.



Nông dân xã Bình Minh (Bình Giang) thu hoạch chanh leo "chạy" bão

Để tránh sự cố mất điện diện rộng như cơn bão số 2, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu Điện lực huyện Bình Giang chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm chống úng.

* Sáng 18-8, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Kinh Môn đã đi kiểm tra một số tuyến đê ở xã Tân Dân và Thăng Long. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động tháo gạn nước đệm đề phòng xảy ra mưa lớn. 70 máy bơm trên địa bàn huyện ở trạng thái sẵn sàng bơm tiêu úng khi xảy ra ngập do mưa lớn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân kiểm tra, chằng chống nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, các lồng bè nuôi thủy sản, cây ăn quả mới trồng, nhất là những địa phương có nhiều diện tích trồng chuối như Thượng Quận, Hiến Thành; khơi thông hệ thống tiêu thoát nước ở những nơi trồng nhiều rau màu...

* Ngày 18-8, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Thanh Hà bố trí nhân lực trực 24/24 giờ để đối phó với diễn biến của cơn bão số 3. Trước đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện huy động 100% số máy bơm trên địa bàn huyện bơm, gạn nước để tránh ngập úng xảy ra. Hơn 100 lồng cá của người dân nuôi trên các sông đã được neo chặt. Các xã trồng nhiều chuối như Thanh Khê, Thanh Sơn, Phượng Hoàng, người dân đã chủ động thu hoạch sớm những buồng đạt độ chín, cắt tỉa lá gốc, dùng cọc chống buồng và thân cây.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu Điện lực Thanh Hà kiểm tra, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để tiêu úng; Hạt Quản lý đê chủ động kiểm tra các tuyến đê, kè, cống, khắc phục sự cố nếu xảy ra.

* Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Cẩm Giàng yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị kiểm tra, triển khai phương án phòng chống bão ở các công trình đê điều, bãi sông bị sạt lở, bảo vệ cho 4.200 ha lúa mùa, 550 ha rau màu, khu vực nuôi thủy sản tập trung. Các địa phương cần chủ động bơm gạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng. Huy động lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu. Triển khai phương án khoanh vùng, bảo vệ an toàn cho những diện tích mạ còn lại, mạ dự phòng. Chuẩn bị đủ giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại kịp thời nếu có thiệt hại trên 70% diện tích. Kiểm tra hệ thống lưới điện, có giải pháp khắc phục sự cố, hạn chế tình trạng mất điện trong thời gian chống úng, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.

* Sáng 18-8, Chi cục Dự trữ Nhà nước Tứ Lộc kiểm tra cáp néo gia cố mái kho dự trữ Quán Phấn.



Kho dự trữ này thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng, nằm trên địa bàn xã Gia Xuyên (Gia Lộc) được xây dựng từ năm 1989 nên mái tôn, trần vôi rơm và tường kho đều đã xuống cấp. Hệ thống kho chỉ chịu được gió bão từ cấp 10 trở xuống.

* Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, bảo dưỡng, tăng dây co toàn bộ hơn 2.000 cột phát sóng 2G và 3G; tổ chức các kíp trực 24/24 giờ ở các trạm phát sóng, các huyện, thành phố, thị xã. Các nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vinamobile chuẩn bị máy phát điện dự phòng tại các trạm phát sóng, sẵn sàng cấp điện khi xảy ra mất điện lưới. Các đơn vị đều bố trí lực lượng trực tại chỗ và ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Chi nhánh Viettel Hải Dương bố trí trực 100% quân số, thực hiện mỗi tuyến cáp chính có 3 đường dự phòng sẵn sàng chuyển nguồn nếu sự cố xảy ra...


Bão số 3 tiếp tục mạnh lên




Bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300mm


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 18-8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi vào vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 108,2 độ kinh đông, trên vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12-14.

Do ảnh hưởng của bão, từ tối 18-8, ở vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 10, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14. Đến 16 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Từ sáng 19-8, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Từ chiều 18-8 đến hết 20-8 xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, sông Bằng, sông Hoàng Long ở mức báo động II; sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng ở mức báo động III; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II; sông Cả, sông La lên mức báo động I. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).



PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân