Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Sáng 13.6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2020).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng dự hội nghị.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư chúc mừng gửi tới hội nghị.
Hội nghị nhằm tuyên dương, khen thưởng 187 người làm báo tiêu biểu đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước. Đây là những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí; là những người làm báo có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, bảo vệ công lý và lẽ phải; có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí; có uy tín, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao…
Hội nghị cũng là dịp để những người làm báo cả nước giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.
Bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật-nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.
Phát huy truyền thống đã đạt được, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; tích cực tuyên truyền về Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào.
Báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm pháp luật và các thói hư, tật xấu trong xã hội.
Báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo, tạo được hiệu quả xã hội cao, sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo; thông tin tuyên truyền về đối ngoại; thông tin về những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với các nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều cơ quan báo chí còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về việc chống dịch hiệu quả. Các nhà báo đã ở tuyến đầu chống dịch, thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác giúp người dân nâng cao nhận thức, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ thực hiện các giải pháp “chống dịch như chống giặc," góp phần tạo nên thành tích ngoạn mục, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là quốc gia mà truyền thông được người dân tin cậy trên thế giới.
Lan tỏa tình yêu nghề
Tham luận tại hội nghị, một số nhà báo tiêu biểu đã chia sẻ những câu chuyện nghề cũng như cố gắng nỗ lực trong quá trình tác nghiệp.
Biên tập viên Phan Ý Linh công tác tại Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục, Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ trong bốn năm làm việc tại đài truyền hình, cô cùng cộng sự đã sản xuất được 24 bộ phim tài liệu, trong đó có năm bộ phim tài liệu dành cho VTV đặc biệt. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời, chính xác, kiến thức về dịch bệnh giúp người dân biết tự bảo vệ mình, đồng thời nâng cao sức khỏe về tinh thần cũng như sự đoàn kết của dân tộc trong thời gian chống dịch.
Với vai trò là người làm phim tài liệu, biên tập viên Phan Ý Linh và các cộng sự đã thực hiện bộ phim tài liệu về ''COVID-Cuộc chiến tại Việt Nam.'' Đây là một dữ liệu lịch sử quan trọng cho quốc gia và thế hệ sau này, cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi người dân Việt Nam; những nỗ lực, ý tưởng, phát minh, sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam trong việc chung tay với thế giới đẩy lùi dịch bệnh.
Biên tập viên Phan Ý Linh tin rằng những gì có động lực từ tình yêu sẽ luôn khiến mình không phải hối tiếc. Nó được lan tỏa, được cộng hưởng và tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ để chúng ta thăng hoa trong công việc mà chưa bao giờ cần dừng lại để hỏi bản thân rằng “Mình có đang dấn thân hay không?”
Các nhà báo tiêu biểu nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Là một nhà báo thuộc thế hệ 8x, nhà báo Vi Thúy Hường, Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn, báo Lạng Sơn, dân tộc Tày, bày tỏ vinh dự và tự hào khi được làm việc tại cơ quan báo Đảng, tiếp nối truyền thống của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam, đóng góp một phần đưa báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Không ngại khó khăn, vất vả, ngay từ khi còn là phóng viên trẻ, mới vào nghề, Vi Thúy Hường luôn hăng hái, tích cực đi cơ sở để nắm bắt, phản ánh những vấn đề thời sự, dư luận quan tâm, từ đó, có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, nhận được phản hồi tích cực của độc giả.
Đến nay, với vai trò là Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn kiêm phụ trách Phòng Báo điện tử, thời gian qua, nhà báo Vi Thúy Hường tích cực tham mưu cho Ban Biên tập trong đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên báo in.
Tại hội nghị, các nhà báo lão thành đã giao lưu với 187 người làm báo tiêu biểu được tuyên dương; chia sẻ những bài học, kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp; cách vượt qua những khó khăn, vất vả cũng như cám dỗ vật chất của đặc thù nghề nghiệp.
Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng đóng góp quan trọng của những người làm báo, gửi lời biểu dương và chúc mừng giới báo chí cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường; những tác động chưa từng có do đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, chứa đựng những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến Việt Nam. Những thành tựu của khoa học-công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự “cạnh tranh” giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội…
Bối cảnh trên đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới.
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí, đặc biệt là mỗi nhà báo hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng."
Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân." Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.
Bên cạnh đó, báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên Internet, mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam…
Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ: “Các nhà báo cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội. Khoa học-công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo."
Chỉ rõ các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội, cơ sở đào tạo báo chí cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị cần cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo báo chí theo hướng hiện đại, gắn đào tạo với thực hành; quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.
Bày tỏ tin tưởng đội ngũ nhà báo, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng mong các nhà báo lão thành hãy tiếp tục cống hiến, trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề báo cho đội ngũ làm báo hôm nay.
Theo TTXVN