Báo chí cách mạng trước năm 1945

21/06/2011 14:46

Tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta là tờ Thanh niên - cơ quan củaThanh niên cách mạng đồng chí hội, do Bác Hồ sáng lập, xuất bản số đầungày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Tờ Thanh niên - cơ quan của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, do Bác Hồ sáng lập,
xuất bản số đầu ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc


Tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta là tờ Thanh niên - cơ quan của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, do Bác Hồ sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, với sự tham gia của các chiến sĩ cộng sản: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Huy Điềm… Chữ viết trên giấy sáp, in thủ công, thường in 2 trang, có một số số báo được in 4 trang, khổ 13x19 cm. Về thời gian phát hành, có tài liệu ghi phát hành được 208 số, có tài liệu lại ghi 88 số. Báo đình bản trước năm 1929. Đây là tờ báo vô sản đầu tiên, mở đầu cho báo chí cách mạng nước ta.

Sau báo Thanh niên, ngày 29-2-1926, lần đầu tiên một tờ báo xuất bản công khai ở nước ta đăng Tuyên ngôn cộng sản, là tờ La cloche Fêlée, in bằng tiếng Pháp.

Sau khi thống nhất các tổ chức cộng sản, Trung ương lâm thời của Đảng ta chủ trương ra tờ Tạp chí đỏ, khổ 13x19 cm, chữ đánh máy, in rô-nê-ô, mỗi số Tạp chí đỏ ra 100 bản. Số đầu ra mắt độc giả ngày 5-8-1930. Đây là tạp chí đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng thời gian này, ngày 15-8-1930, Trung uơng Đảng lại chủ trương ra tờ Tranh đấu. Đây là tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo in giấy sáp, khổ 22 x 31,5 cm. Sau hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng, tháng 10-1930, Tạp chí đỏ và báo Tranh đấu tạm ngừng xuất bản, thay vào đó là tờ báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Ngày 11-12-1931, tạp chí Cộng sản ra mắt số đầu, với 24 trang, viết trên giấy sáp, khổ 20 x25 cm.

Ở Nam Bộ, tháng 1-1932, Xứ uỷ Nam kỳ chủ trương ra tờ Cờ đỏ. Sau đó, báo này nhiều lần đổi tên, khi là Cờ lãnh đạo, khi là Giải phóng, tồn tại đến mãi thời kỳ vận động dân chủ. Riêng báo Giải phóng, ra số đầu khoảng tháng 3-1934, in thạch bản, 4 trang, khổ 21x30 cm,  báo có ảnh hưởng sâu rộng trong công nông. Báo đình bản năm 1936.

Tờ Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ, ra số đầu ngày 2-4-1938, do đồng chí Trường Chinh, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ trực tiếp chỉ đạo, đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút. Báo Tin tức tạo được uy tín trong công chúng. Báo kiên cường chiến đấu vì dân sinh, dân trí và cũng là tờ báo có công lớn trong cuộc vận động truyền bá chữ quốc ngữ. Ra được 43 số, đến gày 15-10-1938, báo đình bản.

Năm 1938 là năm báo chí cách mạng hoạt động khá sôi nổi. Cùng với tờ Tin tức, ngày 6-7-1938, ở Trung kỳ tờ Dân cũng xuất bản số đầu. Báo do Nguyễn Đan Quế quản lý, nhưng thực chất nội dung do Xứ uỷ Trung kỳ lãnh đạo, mà trực tiếp chỉ đạo là đồng chí Phan Đăng Lưu. Cùng thời gian này, tại Sài Gòn, tờ Dân chúng của Trung ương Đảng ta ra số đầu, ngày 22-7-1938, báo do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sáng lập. Báo ra từ số 1 đến số 12 là nửa hợp pháp, từ số 13 trở đi là hợp pháp, nhưng không định kỳ, khổ báo cũng không cố định, thường là 30x45 cm, hoặc 37x54 cm. Báo ra được 80 số thì ngày 30-8-1939 tự đình bản, chuyển vào hoạt động bí mật.

Sau Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng ta, hội nghị đầu tiên ở trong nước do Bác Hồ triệu tập và chủ trì, ngày 1-8-1941, báo Việt Nam độc lập, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh xuất bản số đầu. Đây là tờ báo đầu tiên Bác Hồ sáng lập ở trong nước, Người cũng trực tiếp viết và biên tập bài vở, trình bày, in và đóng gói báo gửi đi các nơi. Báo viết tay, in thạch bản. Để giữ bí mật, từ số 1 báo đã đánh số 100. Báo Việt Nam độc lập có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong trào cách mạng ở khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng. Báo xuất bản được 126 số thì dừng.

Tiếp sau tờ Việt Nam độc lập, ngày 25-1-1942, báo Cứu quốc “cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh”, do Xứ uỷ Bắc kỳ, mà trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo chỉ đạo, xuất bản số đầu. Báo ra liên tục và từ năm 1944 trở đi do đồng chí Xuân Thuỷ phụ trách. Sau Cách mạng Tháng Tám, về Hà Nội, báo in bằng kỹ thuật in li tô.

Cũng năm 1942, ngày 10-10, báo Cờ giải phóng của Trung ương Đảng ta, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách, xuất bản số đầu. Những số đầu báo in li tô trên giấy xanh, sau in ty pô trên giấy trắng. Đến khi Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, thì tờ Sự thật, thay cho tờ Cờ giải phóng, ra số đầu vào ngày 5-12-1945, với dòng chữ dẫn “Cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”.

Báo chí cách mạng ở nước ta thời kỳ trước khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 khá sôi nổi và có nhiều đóng góp vào quá trình vận động cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

DIỆU THU

(0) Bình luận
Báo chí cách mạng trước năm 1945