Bị cong vẹo cột sống, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, nhưng Nguyễn Thị Ánh Ngọc luôn học giỏi để "không phải cầu xin sự hỗ trợ và tự tìm kiếm cơ hội cho mình".
Mẹ Ngọc có mặt trên sân khấu trong phần thi ứng xử của con gái. Ảnh: Hoàng Hà |
Trong đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết, bài thuyết trình xúc động về mẹ của Ngọc khiến khán giả nghẹn ngào. Tiếp đó câu trả lời ứng xử về ngọn nến cong, ngọn nến thẳng của nữ sinh năm 3 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo và khán giả. Cô nhận mình là ngọn nến cong hai lần vì bị vẹo cột sống và bị liệt, nhưng vẫn tự tin trưởng thành và cháy sáng.
Khi 9 tháng tuổi, một lần tắm cho Ngọc, chị Trần Thị Giầu phát hiện vai con gái nhấp nhô. Mãi tới năm 4 tuổi, Ngọc mới được đưa con đi "nẹp lưng". Từ đó, tuổi thơ của cô bé gắn liền với chiếc áo nẹp bằng nhựa mà các bạn cùng lớp gọi là "áo giáp". Trong mắt bạn bè, Ngọc là lớp trưởng học giỏi, đầy quyền uy lại có chiếc áo giáp giống trong phim.
Áo nhựa có thể cởi ra, mặc vào, tuy nhiên phần nhựa cứng liên tục cọ sát vào nách và hông khiến Ngọc bị trầy xước rồi mưng mủ đau đớn. Nhìn con quằn quại trong chiếc "áo giáp", bố mẹ cố gắng gom góp để làm phẫu thuật cho Ngọc. Năm lớp 8, Ngọc và 7 người bị cong vẹo cột sống được chọn mổ. Không may Ngọc là trường hợp duy nhất bị thất bại. Người mẹ như chết lặng khi bác sĩ thông báo con gái từ nay sẽ vĩnh viễn ngồi xe lăn.
Bị liệt từ ngực xuống đến hai chân, không tự chủ được vệ sinh nên mẹ thường phải đóng bỉm cho Ngọc đi học. Đường từ nhà đến trường gập ghềnh khiến phần mông của Ngọc bị hoại tử. Những lúc như vậy, Ngọc thường phải nằm sấp trên giường để học bài. Bệnh tật nhưng suốt thời phổ thông, Ngọc luôn giữ vai trò lớp trưởng và giành nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, Hóa của huyện, tỉnh Hải Dương.
Ngọc luôn tự tin mình là cây nến 'cong 2 lần' nhưng vẫn trưởng thành và cháy sáng |
Không tự ti như nhiều người khuyết tật khác, Ngọc mạnh mẽ, tự tin đối diện với nỗi đau. Cô cho rằng mình may mắn có xuất phát điểm thuận lợi. Chức lớp trưởng và lực học giỏi giúp cô tự tin cũng như không bị các bạn trêu đùa. Thay vì mang khuyết điểm vẹo cột sống và ngồi xe lăn của cô ra đùa cợt, bạn bè lại luôn tôn trọng, ngưỡng mộ Ngọc.
Trong tâm trí của nữ sinh ấy, lần đầu tiên được đặt vào xe lăn mới thực sự khiến cô bật khóc bởi lúc ấy mới cảm nhận được "thế giới đã thay đổi". Bị cong vẹo cột sống hay nghe bác sĩ thông báo bị liệt khi đang nằm trên giường bệnh, cô vẫn chưa tin hoàn toàn. Chỉ đến khi bố mang về chiếc xe lăn và bảo tập di chuyển, Ngọc mới vỡ òa.
Cô gái có khuôn mặt tròn xinh xắn, giọng nói nhanh nhảu, chia sẻ chưa từng nghĩ sẽ bỏ học hoặc đi học nghề hay làm công nhân may. Việc đầu tiên và duy nhất có trong đầu cô sau ca phẫu thuật là học bởi chỉ như vậy mới giúp cô bước ra thế giới và không bị người khác điều khiển. "Em là người khuyết tật, không phải lúc nào cũng tự làm được mọi việc mà phải cần sự trợ giúp. Nếu không có một vị trí thì em chỉ là người đi cầu xin giúp đỡ. Em không chờ đợi mà tự đi tìm kiếm cơ hội cho mình", Ngọc nói.
Hoa hậu Vầng trăng khuyết kể, ngày nhỏ cô từng mơ ước làm bác sĩ để chữa lành vết thương cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương cho mình. Sau đó, do trường Y không tuyển người khuyết tật nên Ngọc chuyển hướng sang ngành Công nghệ Thông tin và Tâm lý. Cuối cùng, Ngọc chọn học Tâm lý để "tìm hiểu thế giới nội tâm của con người, từ đó hiểu hơn về bản thân".
Trước lúc làm hồ sơ thi trên Hà Nội, bố Ngọc một mực phản đối vì sợ con khổ. Ông muốn con thi và học một trường ở Hải Dương gần nhà.
Trong mắt bạn bè, Ngọc (đeo kính đỏ) là cô bạn học giỏi và mạnh mẽ |
Con đỗ vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, mẹ Ngọc vẫn một mực khuyên nên về nhà để tiện chăm sóc. Nhìn khu nhà trọ tồi tàn, điều kiện vệ sinh, điện, nước kém, người mẹ lo con gái sẽ không thể xoay sở được. Thấy con có bạn ở cùng, chị Giầu mới dám về quê.
Tham gia vào một dự án hỗ trợ cho người khuyết tật của Nhật, Ngọc tìm được người trợ giúp là bạn học cùng trường. Từ đó đến nay, người bạn sống cùng nhà với Ngọc và giúp cô mọi việc. Hằng ngày, bạn lo cơm nước, chợ búa... và đẩy xe cho Ngọc đến trường. Phần việc còn lại, Ngọc tự lo liệu.
Thời gian đầu đi học, Ngọc thường phải nhờ các bạn cõng, bế hoặc khênh cả người và xe lên lớp ở tầng cao. Hiện giờ, lớp Ngọc đã xin nhà trường cho học ở tầng 1 để tiện cho nữ sinh này đi lại. Năm đầu tiên do phải di chuyển nhiều, gót chân của Ngọc bị va đập và hoại tử. Suốt một tháng nằm viện, Ngọc nhấp nhổm bài vở trên lớp. Cô một mực viết đơn xin bác sĩ ra viện để theo kịp chương trình học.
Ngọc đã phấn đấu thi vào lớp Tâm lý lâm sàng do Pháp tài trợ để có học bổng đỡ bố mẹ phần nào. Lớp có 22 bạn nhưng hiện chỉ còn 14 sinh viên "trụ" được. Ngọc tự hào khoe có hai kỳ đạt giỏi, còn lại là khá. Ngoài việc học, Ngọc còn tham gia nhiều hoạt động xã hội hỗ trợ cho người khuyết tật.
Người đẹp Vầng trăng khuyết chia sẻ đang ấp ủ dự án xây trung tâm cho người khuyết tật. Ngoài ra, cô cũng đang tích cực học ngoại ngữ để tìm kiếm cơ hội làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về người khuyết tật.
Nhắc tới Ngọc, bạn bè trong lớp đại học tỏ ra tự hào. Nguyễn Xuân Phong, lớp trưởng lớp Tâm lý lâm sàng cho hay, Ngọc khiến các bạn không còn cảm giác cô là người khuyết tật. "Bạn ấy luôn nằm trong top 5 của lớp và kỳ nào cũng giành được học bổng", Phong cho biết.
Bình Minh (VnExpress)