Cái ngõ tôi ở có chừng hơn hai chục nóc nhà nằm quay mặt vào nhau. Ngõ dài sáu bảy chục mét, quanh co.
Ngõ cụt. Ngày thường vắng lặng là thế, thi thoảng mới có người qua lại, ấy vậy mà những ngày giáp Tết đông như làng vào hội. Mọi người từ khắp nơi đổ về ăn Tết. Cả từ nước ngoài nữa. Có nhà cửa đóng suốt năm, ngày này mới mở. Trông lôi thôi lếch thếch đến buồn cười. Nào có ai bắt họ phải về đâu. Mệt mỏi và tốn kém. Sau câu chào, ông chủ nhà cười hể hả: "Không về là coi như không ăn Tết. Về để được thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, cúng ông bà, cha mẹ. Về để thăm họ hàng làng mạc sau một năm cày cuốc xứ người. Mà phải về đúng ngày Tết mới sướng". Có thể ông ta nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng. Khối người vì lý do nào đó không về được, cứ đến chiều 30 Tết thấy lòng dạ cồn cào, da diết. Như người mắc lỗi cùng trăm thương ngàn nhớ. Đâu chỉ nhớ đào nhớ mai mà nhớ cả cái giá buốt, mưa phùn thấm vào da thịt. Nhớ con đường lầy lội. Nhớ cành cây khô nghèo nhựa. Hóa ra dù ở đâu, gần hay xa, thành đạt hay thất bại, quê hương luôn là tay vịn cho mọi người đứng vững. Những ngày này bao nhiêu phiền toái, giận hờn, bao nhiêu lo âu lộn xộn trong năm đều quẳng đi hết. Người ta tay bắt mặt mừng, nói cười hỉ hả.
Qua ngày ông Táo chầu giời, thời khắc trôi nhanh không kịp níu giữ. Nhiều khi cuống lên chẳng biết nên làm việc gì trước, việc gì sau. Đành rằng thời tiết tháng chạp giúp người ta khỏe hơn những tháng khác trong năm. Nhưng tôi không hiểu điều gì đã giúp những người vợ công lên việc xuống nhiều như thế, tất bật như thế mà vẫn tươi cười. Tài thật. Tự nhiên thấy các bà vợ đẹp trội lên, nhanh nhẹn lên. Đôi mắt sáng hơn. Đôi má cũng hồng hơn. Tại thương chồng thương con? Ờ mà có khi thế thật. Vợ tôi bảo: "Cả năm vất vả, ngày Tết chẳng nên úi xùi". Nhìn ra xung quanh, nhà nào cũng vội vã sửa sang dọn dẹp, mua bán. Đồ đồng, đồ gỗ, nền nhà được lau rửa rất kỹ. Trong nhà đã có chậu đào, chậu quất. Nhà khá giả còn thêm chậu mai. Dường như ngày Tết mà không trang hoàng sắm sửa mỗi thứ một ít thì lòng dạ không yên. Những buồn vui đơn sơ bình dị ấy tưởng rất riêng mà hóa ra lại rất chung.
Tôi yêu buổi chiều 30 Tết không để đâu cho hết. Thời tiết đong đưa, lòng người cũng đong đưa. Tiếng nói, lời chào sao duyên dáng ngọt ngào đến thế. Những lời thăm hỏi chất chứa bao nhiêu là nghĩa là tình. Mọi người rủ nhau đi thăm viếng mộ phần gia tiên. Mời gia tiên về ăn Tết cùng cháu con. Nhiều nơi cũng làm như thế. Người nông dân mong được tổ tiên phù hộ thuận gió hòa mưa, khoai lúa đầy bồ. Người thành phố mong kinh doanh phát đạt, giàu có hơn. Xin đừng nói họ duy tâm. Chả biết phương Tây đúng hay phương Đông đúng. Không sao hết. Tôi vẫn yêu những câu chuyện về sự tích thờ ông Công, ông Táo, về ngày cúng tất niên. Tôi yêu, yêu hết. Yêu ngọn gió bấc buốt giá chiều 30 Tết, đến đám mây lãng đãng trôi ngang. Yêu tiếng chim gáy gù, đến tiếng chim chích chòe gọi bạn, mà nghe như Tết đến xuân về.
Tôi đi trên những con đường mới mở, tự nhiên thấy lòng man mác bâng khuâng. Những gương mặt của xóm làng, của phố phường, của con người, phơi phới đầy ắp nét xuân. Cái khoảnh khắc mơ hồ ấy có thật mà như không có thật. Mộng và mơ đan xen ngay cửa ngõ thành phố. Như hương thơm. Như gió thoảng. Mùa xuân ơi! Tất cả đang mở cửa đón chào Người.
NGUYỄN SỸ