Văn hóa giao thông chính là yếu tố hàng đầu và lâu dài để bảo đảm an toàn giao thông. Khi văn hóa giao thông đã trở thành nếp sống thì tai nạn giao thông sẽ bị đẩy lùi.
Biểu hiện của người có văn hóa có nhiều mặt, nhưng trước nhất là phải sống, làm việc theo pháp luật. Tiếp đến, là phải có phong cách ứng xử đúng đắn, đẹp đẽ, thể hiện trong lời nói, cử chỉ, trong quan hệ giao tiếp cụ thể, như biết xin lỗi khi lỡ va chạm vào người khác, biết cảm ơn khi ai đó giúp mình một việc dù nhỏ. Sau cùng, biểu hiện văn hóa còn ở những việc làm có ích cho đồng loại, những việc này nếu không làm, có thể luật pháp chưa hoặc không bắt tội nhưng lương tâm và công luận sẽ phán xét (như nhặt được của rơi nộp cho công an để trả cho người mất, cứu giúp người bị tai nạn...).
Mỗi lĩnh vực hoạt động của con người đều có văn hóa của nó. Giao thông là một hoạt động quan trọng trong đời sống của cộng đồng, lại là một hoạt động tương đối phức tạp, có quan hệ lưu chuyển đồng thời nhiều đối tượng người và phương tiện vật chất trong một không gian nhất định, nhiều khi rất hẹp. Nếu không đề cao văn hóa trong lĩnh vực này thì không thể bảo đảm được sự an toàn, thậm chí có thể gây ra sự rối loạn và tổn thương trong đời sống con người cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tiêu chí văn hóa giao thông theo yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là thực hiện "3 có, 4 không". "3 có" gồm có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. "4 không" là không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện chưa đầy đủ giấy tờ; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với người cùng tham gia giao thông và không để xảy ra tai nạn giao thông.
Trong các tiêu chí trên, theo tôi ý thức khi tham gia giao thông chiếm vị trí hàng đầu. Đó là ý thức và sự tôn trọng, bảo vệ mình và tôn trọng, bảo vệ người khác. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng nằm trong ý thức tham gia giao thông và kèm theo đó là sự hiểu biết về luật lệ giao thông. Còn ứng xử với người cùng tham gia giao thông cũng là biểu hiện của đạo đức và trình độ văn hóa của người tham gia giao thông. Ý thức và kỹ năng ứng xử này không chỉ tạo ra sự đoàn kết thân ái, một khía cạnh của hạnh phúc tinh thần của con người mà còn góp phần làm giảm tai nạn giao thông, vì nhiều khi chỉ vì không nhường nhịn nhau, không chờ đợi nhau trong khi tham gia giao thông mà sinh ra tranh đường, chen lấn, dễ để xảy ra tai nạn, cái sảy nảy cái ung.
Văn hóa giao thông chính là yếu tố hàng đầu và lâu dài để bảo đảm an toàn giao thông. Khi văn hóa giao thông đã trở thành nếp sống thì tai nạn giao thông sẽ bị đẩy lùi.
ĐẶNG HIỂN (Hà Nội)