Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét 3 đề án

09/08/2016 18:45

Ngày 9-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp thường kỳ tháng 8-2016.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì phiên họp

Cuộc họp cho ý kiến về các đề án: "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn" do Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình; "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021"; "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020" và báo cáo quy hoạch phân khu xây dựng cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang), tỷ lệ 1/2000 do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Tham gia thảo luận vào các đề án, đa số ý kiến đồng tình với bố cục và sự cần thiết phải ban hành từng đề án. Về một số mục tiêu trong dự thảo đề án "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn" như phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% số cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó thực hiện. Giải pháp tách các chi bộ đông đảng viên thành các tổ đảng cũng còn gặp nhiều ý kiến băn khoăn vì tổ đảng không có thẩm quyền ban hành nghị quyết, sẽ khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đa số ý kiến nhất trí với giải pháp bố trí cán bộ cấp xã kiêm nhiệm nhiều chức danh; tách các thôn, khu dân cư có địa bàn rộng, số dân đông...

Góp ý vào đề án "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021", đa số ý kiến tham gia nêu rõ những khó khăn, vướng mắc về bộ máy 1.096 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay; những bất cập tại các đơn vị giáo dục, y tế; ở những đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không hiệu quả...Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì đụng chạm tới con người cụ thể, kinh phí của từng đơn vị, do đó, nhiều ý kiến tham gia việc xây dựng đề án cần thận trọng, chi tiết đến từng vị trí, từng con người sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện...

Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020" cũng nhận được nhiều lượt ý kiến đề nghị cần có đánh giá tổng quát, kỹ lưỡng hơn về thực trạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; nhận định, dự báo xu hướng phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong giai đoạn tiếp theo... Một số ý kiến cho rằng đề án chưa đề cập chính xác đến việc tiêu thụ nông sản, chế biến nông sản trên địa bàn, do đó khó xây dựng được các cơ chế, chính sách trúng, đúng.

Kết luận về đề án "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn", đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh đề án. Đồng chí lưu ý cần đề cập tổng thể, sâu, kỹ hơn về số lượng cán bộ ở cấp cơ sở gồm đầy đủ các đoàn thể, hội đặc thù. Đánh giá cụ thể về hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy cấp xã trong phát triển của địa phương. Việc hoàn chỉnh đề án cần thực hiện theo nguyên tắc rõ, gọn để gắn các mục tiêu cụ thể với việc có thể áp dụng trên thực tế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với quan điểm đến năm 2020, phải có 80% số cán bộ chủ chốt cấp xã gồm: Ban Thường vụ, cấp ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức danh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa đề án "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021" theo hướng nếu đơn vị sự nghiệp, các trung tâm sáp nhập có đủ cơ sở vật chất, điều kiện chuyển đổi mô hình hoạt động khác thì chuyển đổi; những nhiệm vụ tư nhân có thể đảm nhiệm tốt thì không giao cho đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp, tinh giản ở các đơn vị giáo dục, y tế cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để phù hợp thực tiễn. Đồng chí đề nghị cấp huyện thu gọn mô hình hoạt động của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh sẵn sàng đăng ký thí điểm việc thực hiện sáp nhập các đơn vị này để xây dựng mô hình hoạt động gọn, hiệu quả.    

Đối với đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan soạn thảo cần đánh giá tổng thể thêm về thị trường tiêu thụ nông sản trong tỉnh; đánh giá thực chất hiệu quả các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hiện nay. Cần nêu rõ các mục tiêu, cơ chế, chính sách hỗ trợ về việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản, hàng hóa; cơ chế hỗ trợ giống, vốn đúng đối tượng đang cần... Phần tổ chức thực hiện cần nêu rõ cơ chế, vai trò tham gia giám sát thực hiện của MTTQ, các đoàn thể trong thực thi các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu cần tính toán kỹ về số lượng các vùng chuyên canh, vùng sản xuất lớn cho phù hợp với nhu cầu, thực tế các địa phương; mỗi địa phương phải đăng ký ít nhất một mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp gắn với đặc thù của địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thông qua báo cáo quy hoạch phân khu xây dựng cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang) tỷ lệ 1/2000. Quy hoạch phân khu xây dựng do nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất giày Chungjye Việt Nam lập với tổng diện tích hơn 49 ha thuộc địa phận xã Hưng Long (Ninh Giang).

Ngày 10-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục xem xét các báo cáo xin chủ trương đầu tư dự án nhà làm việc Thị ủy Chí Linh; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị mới phía đông mở rộng TP Hải Dương và Đề án "Xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020".

TRUNG THU

(0) Bình luận
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét 3 đề án