Hỏi: Tôi cho bạn vay tiền, đã quá hạn mà bạn tôi không trả nợ. Tôi đã khởi kiện ra tòa. Trong thời gian tòa giải quyết, bạn tôi đã làm hợp đồng bán nhà có công chứng cho em trai vì biết tòa sẽ bán đấu giá nhà để trả nợ cho tôi. Hỏi hợp đồng có vi phạm pháp luật không?
NGÔ ĐÌNH THIẾT (Kinh Môn)
Trả lời: Điều 122 Bộ luật Dân sự quy định:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Trong trường hợp của bạn, nếu chỉ dựa vào việc người bạn lập hợp đồng bán nhà cho em trai thì bạn chưa có đầy đủ căn cứ để khẳng định việc bán nhà để nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với bạn. Có nhiều khả năng có thể xảy ra như: người bạn bán nhà để lấy tiền trả nợ cho bạn; hoặc người đó còn có tài sản khác để thực hiện nghĩa vụ đối với bạn...
Tuy nhiên, nếu đúng là việc bán nhà có mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ (giao kết hợp đồng chỉ thực hiện trên giấy tờ, thực tế không có các giao dịch thực sự thể hiện việc chuyển quyền sở hữu nhà ở, như: bàn giao nhà, thực hiện thủ tục đăng ký sang tên, thanh toán tiền mua bán...) thì hợp đồng đó đã vi phạm pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (mục đích giao dịch nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ với người thứ ba) và hai anh em người bạn được xem là đã xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo. Điều 129, Bộ luật Dân sự quy định: Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu. Như vậy, nếu mục đích của người bạn khi giao kết hợp đồng bán nhà là trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với bạn thì giao dịch đó sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu.
Bên cạnh việc tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán nhà nêu trên là vô hiệu thì bạn còn có thể yêu cầu tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong toả tài sản của người có nghĩa vụ theo điều 114, Bộ luật Tố tụng dân sự: “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án”. Việc phong tỏa này sẽ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người bạn đối với bạn.