Tôi và nó khao khát có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với cả cha lẫn mẹ, nhưng điều ước giản dị ấy chẳng thể nào xảy ra. Bố mẹ tôi ly dị từ khi tôi học lớp 3 còn nó không biết bố mình là ai. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi chân ướt chân ráo vào ngôi trường cấp ba, tôi và nó dễ dàng trở thành bạn thân.
Khi còn là một đứa trẻ lớp ba, tôi chưa hiểu được tầm quan trọng của người cha trong cuộc sống gia đình bởi mẹ không để tôi thua thiệt điều gì so với chúng bạn. Thậm chí mẹ còn cho tôi mặc đẹp hơn, ăn ngon hơn, đi du lịch nhiều hơn so với bạn bè trong lớp. Nhưng càng lớn thì sự mong muốn có cha trong cuộc sống đã trở thành nỗi ám ảnh nơi tâm trí tôi. Tôi bắt đầu tỏ thái độ trách mẹ. Tôi muốn biết cặn kẽ nguyên nhân nào dẫn đến chuyện mẹ và bố chia tay nhau. Mỗi lần tôi cất lời hỏi mẹ là y như rằng mẹ bực bội, gắt gỏng: “Con là con của mẹ hay là quan tòa vậy? Mẹ đã bảo chuyện gì đã qua là cho qua cơ mà”. Có lần tôi gặng hỏi mãi, mẹ không kiềm chế được, buột miệng: “Vì bố con là một người vô trách nhiệm?”. Tôi lặng im như hóa đá. Tôi biết mẹ đau lắm. Tôi đã vô tình khơi dậy vết thương trong lòng mẹ. Từ đó tôi càng yêu thương mẹ hơn và đương nhiên là tôi ghét bố. Mà đã ghét thì tôi không bao giờ nhắc đến bố nữa.
Nó thì khác vì nó chưa bao giờ biết gì về tung tích của bố. Xưa kia mẹ nó là một cô gái yếu ớt và có phần xấu xí nên quá lứa lỡ thì. “Kiếm” được nó là một niềm hạnh phúc vô bờ đối với mẹ nó. Thi thoảng nó cũng bị mấy người ác mồm ác miệng gọi là “con hoang” nhưng bù lại nó học rất giỏi. Vì thế lúc nào nó cũng hãnh diện ngẩng cao đầu tự tin chứ không mặc cảm như tôi.
Giờ kiểm tra môn ngữ văn hôm ấy, cô giáo ra đề thật hóc búa với tôi và nó: “Hãy viết một bài văn tự sự kể về người cha của mình, trong đó có dùng yếu tố miêu tả và biểu cảm”. Lớp tôi tròn 40 thành viên nhưng chỉ có tôi và nó có hoàn cảnh éo le. Cô giáo dạy ngữ văn lại không chủ nhiệm lớp nên cô làm sao biết được hoàn cảnh của từng học sinh. Tôi cắn bút, nhăn nhó: “Biết làm sao đây?”. Trong ký ức của tôi, bố là một người xa lạ. Tôi định đề nghị cô đổi đề khác cho tôi và nó nhưng lại sợ cả lớp cười ồ trên nỗi đau của mình nên đành lặng im, cầm bút nguệch ngoạc vào tờ giấy nháp vờ như đang làm bài để cô không phát hiện ra. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy nó bình thản làm bài, nắn nót trên bài kiểm tra. Tôi không thể tưởng tượng được nó có thể viết say sưa về “người cha của mình” như thế. Cuối giờ, nó buông bút, nhìn tôi ngạc nhiên: “Sao lại bỏ giấy trắng? Muốn được không điểm à?”. Tôi buông một tiếng cộc lốc: “Ừ!”.
Hôm trả bài, nó được điểm 10, được cô tuyên dương trước cả lớp vì bài văn rất hay và xúc động. Cô bảo đây là điểm mười đầu tiên mà cô chấm từ khi cô bước vào nghề dạy học. Cô hỏi ý kiến nó xem có đồng ý để cô đọc bài văn của nó trước cả lớp không. Nó vui vẻ bằng lòng, lại còn xung phong đọc cho cả lớp nghe. Ai nấy đều rưng rưng nước mắt. Thì ra nó viết về mẹ vì với nó, mẹ cũng chính là cha. Tôi cúi gằm mặt xấu hổ, tự trách mình thế mà không nghĩ ra. Bao năm nay mẹ đã thay bố chăm sóc, dạy dỗ, nuôi nấng tôi ngày một lớn khôn mà nhiều khi tôi vẫn vô tâm.
Cuối buổi học hôm ấy, cô giáo dạy ngữ văn gặp riêng tôi, nhẹ nhàng bảo: “Nếu lần sau em bỏ giấy trắng thế này thì cô sẽ cho điểm không đấy”. Tôi đỏ bừng mặt, lí nhí: “Em xin lỗi cô, cô cho phép em viết lại”. Có lẽ cô đã biết hoàn cảnh của tôi nên cô an ủi: “Phải biết lấp đầy khoảng trống em ạ, bạn làm được thì mình cũng làm được phải không em?”. Bất chợt, tôi nghĩ đến nó và thấy mình có thêm động lực để tự tin hơn trong cuộc sống.
NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)