Bài học khát vọng

12/12/2019 16:32

Có lẽ thành công của bóng đá Việt đã gợi ra những bài học để biến khát vọng thành hiện thực.

Huy chương vàng SEA Games 30 là thành quả của bao khát vọng tiếp nối cho thấy một chân lý: có khát vọng, ắt sẽ thành công. Điều này gợi nhớ đến khát vọng Việt Nam tự cường và thịnh vượng 2045 mà Thủ tướng đã nêu tại Quốc hội gần đây. 

Thứ nhất, phải có khát vọng và sự quyết tâm lớn lao: Cũng như khát khao trong bóng đá, dân tộc Việt Nam còn có khát vọng lớn hơn, đó là sự tự cường và thịnh vượng. Nếu mỗi người dân chúng ta có thể biến khát vọng thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh, dân tộc chúng ta hoàn toàn có thể giành được những thắng lợi lớn trên mặt trận kinh tế.

Thứ hai, phải có đội ngũ lãnh đạo có tâm và có tầm: Ông Park hiểu được khát khao của bóng đá Việt, hiểu được người Việt Nam mong muốn gì, ông thương yêu các cầu thủ như con cháu. Cũng như bóng đá, đất nước Việt Nam cũng cần có những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm, vừa có năng lực lãnh đạo, vừa có khả năng thấu hiểu được khát vọng dân tộc, biết được tâm tư, kỳ vọng của người dân để đưa ra những quyết sách đúng.

Thứ ba, phải có chiến lược và chiến thuật để hiện thực hóa khát vọng: Ông Park làm rất tốt việc này qua mỗi trận đấu. Bài học này vô cùng ý nghĩa. Người Việt Nam vốn có khát vọng, có tầm nhìn, nhưng còn cần phải có chiến lược đúng đắn để hiện thực hóa. Đồng thời xây dựng chiến thuật hợp lý, giúp kinh tế đạt được sự phát triển vững bền hướng đến mục tiêu thịnh vượng 2045.

Thứ tư, phải trao quyền và đặt mục tiêu, trách nhiệm giải trình: Giả sử ông Park không được trao quyền lựa chọn cầu thủ và xây dựng đấu pháp, chúng ta khó có thành tích như hôm nay. Bài học ở đây khá phù hợp với vấn đề quy hoạch, sử dụng cán bộ. Các lãnh đạo nên được trao quyền độc lập trong việc dụng người, một thể chế giám sát cần được tăng cường ở trách nhiệm giải trình gắn với mục tiêu cụ thể dành cho các nhà lãnh đạo.

Thứ năm, cầu thủ phải có chất lượng và được trọng dụng: Có huấn luyện viên giỏi chưa hẳn đã có thành tích tốt, nếu không có cầu thủ giỏi. Để đất nước thịnh vượng, cần phải đầu tư cải thiện chất lượng công dân. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia chính là cạnh tranh về chất lượng lao động hay chất lượng công dân các nước với nhau. Chúng ta có những lãnh đạo giỏi, nhưng chất lượng công dân thấp cũng khó để đưa nền kinh tế bứt phá lên được.

Thứ sáu, lựa chọn bố trí cầu thủ và phát huy sức mạnh tập thể: Bài học dụng người trong bóng đá đã mang lại nhiều bài học, đặc biệt là chất keo kết dính giữa các tuyển thủ. Cũng như giấc mơ vàng SEA Games, khát vọng dân tộc và sự thịnh vượng quốc gia là chất keo kết dính, đoàn kết hàng triệu người dân thành một đội, cùng chiến đấu vì sự cường thịnh của đất nước.

Thứ bảy, phải đầu tư cho thế hệ trẻ: Thế hệ vàng cầu thủ hiện nay là kết quả của quá trình đầu tư cho thế hệ trẻ với tầm nhìn 5 năm, 10 năm. Với dân số hơn 97 triệu người, chúng ta phải đầu tư thật tốt cho con người, để đến năm 2045, tức 1/4 thế kỷ nữa, chúng ta sẽ có một thế hệ công dân tốt có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Thứ tám, cần được sự cổ vũ của người dân: Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi lớn nhưng cũng không ít thách thức trên con đường vươn đến sự phát triển thịnh vượng cho đất nước, vì thế rất cần được sự ủng hộ của người dân trong mọi hoàn cảnh để sớm hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng thịnh vượng năm 2045 - thời điểm cả nước kỷ niệm 100 năm Quốc khánh.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học khát vọng