Bài hát nổi tiếng "Hạt gạo làng ta" của nhạc sĩ Trần Viết Bính (phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa) từ lâu đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người yêu nhạc. Hoàn cảnh ra đời của bài hát có chi tiết rất thú vị, đó là những giai điệu của ca khúc này được hình thành trong một lần nhạc sĩ đạp xe xuống cơ sở.
Đó là vào một buổi sáng của năm 1970, nhạc sĩ đến nhà một anh bạn để rủ anh cùng đi xuống huyện Nghĩa Hưng công tác (lúc bấy giờ Nghĩa Hưng đang xây dựng trại giống lúa trung tâm của tỉnh Nam Định). Trong khi đợi anh bạn sắp xếp ba lô, ngồi trước bàn học của cháu nhỏ con trai anh, nhạc sĩ rút ở giá sách của cháu ra một tập thơ. Tác giả của tập thơ này hồi đó là một thiếu nhi. Có một bài thơ trong tập thơ cuốn hút ông ngay - bài thơ "Hạt gạo làng ta".
Rồi trên quãng đường khoảng ba mươi cây số, đường nhiều "ổ gà" từ TP Nam Định đi xuống xã, lời của bài thơ cứ luẩn quẩn ở trong đầu nhạc sĩ không dứt ra được. Chân đạp xe mà miệng cứ ngâm nga những âm thanh, gắn giai điệu cho những đoạn thơ vừa đọc.
Đến xã, trút ba lô ra khỏi vai, nhạc sĩ Trần Viết Bính ghi lại ngay những âm thanh vừa được nghĩ ra trên đường đi. Và như thế bài hát "Hạt gạo làng ta" ra đời... "Hạt gạo làng ta" là bài thơ của Trần Đăng Khoa được in trong tập thơ "Từ góc sân nhà em". Đó là những câu thơ diễn tả nỗi vất vả, cực nhọc, một nắng hai sương của người nông dân Việt Nam đã được Trần Đăng Khoa khắc họa khá rõ nét.
Nói về bài thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có dịp nhắc đến công lao của nhạc sĩ Trần Viết Bính: "Tôi nghĩ bài thơ này cũng như những bài thơ khác của tôi thôi. Nhưng có lẽ được phổ cập và nhiều người biết đến, tôi nghĩ có được sự phổ cập ấy phải nhờ đến âm nhạc. Đây là một bài thơ rất may mắn được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ thành bài hát".
Là đồng tác giả của ca khúc được nhiều người yêu thích nhưng nhạc sĩ Trần Viết Bính và nhà thơ Trần Đăng Khoa phải đợi 30 năm sau mới có dịp gặp nhau. Nhạc sĩ Trần Viết Bính trước đây công tác ở Nhà Văn hoá TP Nam Định. Năm 1985, nhà thơ Trần Đăng Khoa mới có dịp về Nam Định nhưng nhạc sĩ đã chuyển vào tỉnh Đồng Nai sinh sống. Năm 1989, nhạc sĩ qua Mát-xcơ-va, đội mưa tuyết tìm đến Trường M. Goóc-ki thăm nhà thơ (lúc này Trần Đăng Khoa đang học ở Học viện Văn học M. Goóc-ki), nhưng dịp đó, nhà thơ lại đi thực tế. Năm 2000, Đài Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục "Những bài hát còn xanh", giới thiệu bài hát "Hạt gạo làng ta". Nhờ thế nhạc sĩ Trần Viết Bính và nhà thơ Trần Đăng Khoa mới có dịp "gặp nhau" ở trên... truyền hình.
TRẦN VĂN LỢI