Bài cuối: Tháo gỡ rào cản trong tích tụ, tập trung ruộng đất

14/06/2017 05:37

Việc tích tụ ruộng đất trong điều kiện hiện nay là nhu cầu của nền sản xuất nông sản hàng hóa lớn, nhưng đang vấp phải những rào cản từ phía nông dân, cần có giải pháp tháo gỡ.






Nhiều doanh nghiệp liên kết thu mua cà rốt tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng) để xuất khẩu


Không muốn sản xuất nhưng không muốn bỏ ruộng

Tình trạng hiện nay, nông dân bỏ ruộng không còn là chuyện hiếm với nhiều hình thức, như cho anh em con cháu sử dụng, cho người khác mượn ruộng không lấy lợi tức, cho người khác thuê với lợi tức rất thấp, thậm chí chỉ để bù đắp các khoản phải nộp, hoặc bỏ ruộng hoang mà chính quyền phải can thiệp không để hoang hóa...

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng bỏ ruộng: một bộ phận nông dân được giao quyền sử dụng đất nhưng tuổi cao không còn khả năng lao động; sản xuất nông nghiệp không có lãi thậm chí lỗ nếu phải thuê lao động; có nhiều việc làm khác thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp...

Đây cũng là việc bình thường và hợp quy luật, phù hợp với việc mà chúng ta đang dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành khác phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc bỏ hẳn ruộng đất để chuyển sang làm việc khác thì nhiều người lại không muốn, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, việc làm phi nông nghiệp luôn bấp bênh, phần lớn nông dân tham gia làm việc phi nông nghiệp là những nghề tự do, không chính thức, do đó việc làm không ổn định, thu nhập không ổn định, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế họ không muốn “bỏ ruộng”.

Thứ hai, tâm lý ăn sâu vào người nông dân là “quyền sở hữu”, phải có cái gì đó gọi là của mình, nên không muốn chuyển nhượng đất canh tác cho người khác. Thậm chí, một số người vẫn còn tâm lý không muốn “người khác hơn mình”.

Thứ ba, kinh tế thị trường với những cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế trong những năm vừa qua đã nhắc nhở nông dân rằng đừng có bỏ ruộng đất, vì nó là nơi “tránh bão” trong những lúc khó khăn. Khi nhu cầu việc làm phi nông nghiệp bị giảm, người lao động lại quay về với mảnh ruộng, chí ít cũng bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không bị đói.

Tình hình đó dẫn đến việc người có nhu cầu, có khả năng tổ chức sản xuất quy mô lớn thì không tích tụ được ruộng đất, trong khi đó người có ruộng mặc dù không muốn sản xuất nhưng lại không muốn bỏ ruộng. Nếu để tích tụ ruộng đất theo kiểu “tự phát” sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cần thực hiện nhiều hình thức tích tụ ruộng đất

Để giải quyết tình trạng trên, cần có nhiều hình thức tích tụ ruộng đất phù hợp, bảo đảm lợi ích cũng như thỏa mãn tâm lý người dân.

Một là, ruộng đất vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân, người nông dân chỉ cho thuê lại quyền sử dụng đất trong một khoảng thời gian theo yêu cầu của người sử dụng, có thể trả lợi tức (hay địa tô chênh lệch) một lần hoặc hằng năm tùy theo sự thỏa thuận.

Hai là, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác (nông dân thường gọi nôm na là bán đất) và nhận tiền một lần.

Ba là, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người có đất nhận cổ tức hằng năm theo kết quả kinh doanh, theo hình thức công ty cổ phần, khi đó người có ruộng có thể tham gia lao động (thì được trả công) hoặc không lao động (thì chỉ hưởng cổ tức).

Bốn là, quyền sử dụng đất vẫn là của từng hộ nông dân, nhưng cùng nhau tổ chức sản xuất chung theo mô hình tổ hợp tác hay HTX để có sự điều hành thống nhất từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cùng hưởng thụ theo kết quả sản xuất, công lao động và diện tích đất đai.

Mỗi tổ chức kinh tế (doanh nghiệp hay HTX) cần phải vận dụng tất cả các hình thức nêu trên thì mới có thể tích tụ được một diện tích đất đủ lớn để tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Chính quyền phải “vào cuộc”

Nếu để doanh nghiệp tự thỏa thuận với hàng nghìn hộ nông dân để có được một diện tích (khoảng 100 ha chẳng hạn) là không thể, vì 100 ha thì phải thỏa thuận với khoảng 600-700 hộ dân. Một mặt, do tâm lý hoài nghi vào việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp, nên rất khó đạt được thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, một số người dân đang sản xuất có hiệu quả hoặc đang đầu tư máy móc làm thuê cho các hộ khác lại không muốn chuyển ruộng cho người khác, dẫn đến việc thỏa thuận càng khó.

Để đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất, giúp cho sản xuất nông sản hàng hóa phát triển trong giai đoạn hiện nay vẫn cần có “bàn tay của Nhà nước”. Nhà nước ở đây muốn nói là chính quyền các cấp cần phải vào cuộc, ngoài việc tháo gỡ về thể chế trong quản lý đất đai mà Quốc hội và Chính phủ đang làm (về chính sách hạn điền), chính quyền các cấp cần thực hiện:

Thứ nhất, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy hình thành mô hình HTX theo đúng nghĩa, thực hiện đầy đủ sự ưu đãi đối với HTX theo quy định pháp luật. Khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất theo mô hình hộ gia đình để mở rộng quy mô sản xuất, các hình thức liên doanh, liên kết trong cả chuỗi hoặc liên kết từng khâu trong sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Thứ hai,
chính quyền đứng ra làm trung gian trong việc vận động tích tụ, tập trung ruộng đất cho các doanh nghiệp. Khi có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có nhu cầu thuê đất, chính quyền có thể thuê (hoặc chuyển nhượng) lại đất của người dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại (chính quyền tỉnh Hà Nam đã làm như vậy). Chí ít là sự cam kết của chính quyền sẽ tạo điều kiện tin tưởng của cả hai phía người dân và doanh nghiệp.

Nói tóm lại, cần có những mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp mới giải quyết được tình trạng “chững lại” của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mô hình nào thì cũng cần có một quy mô diện tích đủ lớn (tùy theo loại hình sản xuất) mới có thể tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, đạt hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Muốn có diện tích đủ lớn phải có sự tích tụ, tập trung ruộng đất và cần có sự can thiệp của chính quyền để thực hiện việc này.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài cuối: Tháo gỡ rào cản trong tích tụ, tập trung ruộng đất