Ngay sau khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, cả thị xã Hải Dương rợp bóng cờ hoa, hàng nghìn người tràn ngập các phố phường mừng thắng lợi.
>> Bài 1: Mốc son chói lọi>>Bài 2: Lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền
Trường THPT Hà Bắc (Thanh Hà) là một trong những trường được tập trung xây dựng năm 1979Ngày 30-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bản tin báo tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, cả thị xã Hải Dương rợp bóng cờ hoa, hàng nghìn người tràn ngập các phố phường mừng thắng lợi.
Tổ chức lại sản xuấtTrên đây là những dòng miêu tả không khí tưng bừng, mừng ngày đất nước thống nhất được ghi lại trong cuốn Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương. Những trang lịch sử của tỉnh và nhiều ngành, địa phương cũng ghi lại, cùng với nhân dân cả nước, ngay sau ngày 30-4 lịch sử, nhân dân toàn tỉnh lập tức bắt tay vào công cuộc tái thiết sau chặng đường dài bị chiến tranh tàn phá.
Thời điểm này, cùng với vô vàn khó khăn do thiệt hại về cơ sở vật chất, nghèo nàn, lạc hậu thì nhu cầu về cán bộ cũng bức thiết vì toàn miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam lực lượng lớn cán bộ. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ trước mắt là phải có những chủ trương, giải pháp phù hợp để phát huy những thuận lợi, khắc phục hạn chế, thiết sót, từng bước ổn định đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II (1976) đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 2 năm 1977-1978 là: "Ra sức khai thác mọi khả năng tiềm tàng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiến hành tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý trong các ngành kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa". Từ chủ trương chung, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bước vào một giai đoạn mới với khí thế thi đua sôi nổi.
Thực hiện nghị quyết đại hội, để tổ chức lại sản xuất, toàn tỉnh tập trung cao độ đẩy mạnh sản xuất, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy các mặt công tác khác. Chỉ sau 2 năm phấn đấu thực hiện nghị quyết, năm 1978, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, bảo đảm diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng đã được tăng 4,5% so với năm 1977. Nhiều giống lúa, cây trồng mới được đưa vào để thay đổi cơ cấu mùa vụ. Diện tích cây vụ đông năm 1978 tăng hơn 600 ha so với năm 1977. Nhiều xã, huyện đưa năng suất lúa tăng gấp 2 lần, thâm canh tăng lên 4-5 vụ, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu đói, đưa số hộ đủ ăn lên tới 90%.
Cùng với phát triển sản xuất, việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trong nông nghiệp được quan tâm. Trong 2 năm 1977-1978, nhiều công trình thủy lợi, trạm bơm tưới tiêu quan trọng được tập trung xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cống An Thổ (Tứ Kỳ); công trình cải tạo ngọt hóa đồng ruộng sông Hương (Nam Thanh nay là Nam Sách, Thanh Hà)... Các chiến dịch thủy lợi với hàng triệu ngày công của nhân dân, bộ đội đã tạo sự biến đổi mạnh cho từng vùng sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 1978, toàn tỉnh đã hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu với 280 trạm bơm điện, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 84% đất canh tác trong tỉnh.
Dựng xây cuộc sống mớiTrải qua hơn 5 năm tái thiết đất nước (1975-1980), cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh đã đoàn kết, phát huy truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, tạo ra nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực.
Bước chuyển tiếp này đã góp phần thuận lợi, mở đường cho nền kinh tế sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) và Chỉ thị số 100 -CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Cải tiến và mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp", năm 1981, Tỉnh ủy chủ trương: Các HTX nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất; tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động; phải có quy hoạch và kế hoạch phù hợp; phải nắm được sản phẩm và phát huy quyền tự chủ của HTX và quyền làm chủ tập thể của xã viên.
Chỉ sau 1 năm thực hiện khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100, toàn tỉnh đã có nhiều kết quả mới trong sản xuất nông nghiệp. Bằng phong trào thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, năm 1981, toàn tỉnh đã gieo trồng tăng 6,5% so với diện tích năm 1980. Năng suất lúa cả năm đạt 60,11 tạ/ha, hầu hết các hộ đều vượt khoán từ 15-20%. Tổng sản lượng lương thực cả tỉnh đạt 87,5 vạn tấn, vượt 6,6% kế hoạch, tăng trên 10 vạn tấn so với năm 1980.
Thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp đã kéo theo sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác. Phong trào thi đua xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa mới được phát động trong toàn tỉnh. Ở các xã, phường, thị trấn đã tổ chức phòng đăng ký kết hôn, phòng cưới do Đoàn Thanh niên phụ trách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao được mở rộng làm phong phú đời sống tinh thần cho đông đảo nhân dân. Giáo dục và y tế cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 19 trường chuyên nghiệp, trong 5 năm 1981-1985 đã đào tạo hơn 14.600 lượt cán bộ, công nhân kỹ thuật.
Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng thành tựu và tiến bộ mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được trong 10 năm sau khi nước nhà thống nhất (1975-1985) là rất cơ bản và đánh dấu chặng đường không ngừng cố gắng. Những thành tựu này cũng chính là những yếu tố cơ bản để Đảng bộ và nhân dân Hải Dương hoàn thành những mục tiêu kinh tế-xã hội do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo một tinh thần cách mạng mới để bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
PV