Từ sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của người dân, nhiều hạng mục, công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng làm thay đổi bộ mặt nông thôn...
Người dân thôn Tự Trung, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) tự đầu tư trên 2 tỷ đồng để đưa điện ra đồng
Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của người dân, nhiều hạng mục, công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng đã đáp ứng yêu cầu bức thiết, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.
Tạo thuận lợi cho sản xuấtVụ đông năm nay, việc trồng cà rốt của nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã bớt khó khăn, vất vả. Các tuyến đường từ làng ra vùng sản xuất đều được đổ bê tông phẳng phiu, đường điện được đầu tư đến tận bãi ngoài ven sông Thái Bình. Ông Nguyễn Văn Ngoan ở thôn Tự Trung cho biết: "Ngày trước, chúng tôi phải tưới nước bằng biện pháp thủ công, nếu không thì phải kéo đường điện dã chiến nhưng bây giờ đã có vòi tưới tự động. Diện tích đất ngoài bãi không còn lo bị ngập úng. Đến mùa thu hoạch, xe tải xuống tận đầu ruộng mang cà rốt đi, người dân không còn phải gánh lên trên đê. Điện, đường được đầu tư hiện đại, vì thế nhiều hộ đã chủ động mở rộng quy mô trồng trọt, không còn canh tác manh mún, nhỏ lẻ như trước kia". Để thuận tiện trong sản xuất nông nghiệp, xã Đức Chính đã kiên cố hóa (KCK) hơn 6 km đường nội đồng. Riêng thôn Tự Trung, người dân tự bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường điện phục vụ tưới tiêu.
Kinh Môn là một trong những huyện sản xuất nông nghiệp đặc thù của tỉnh với địa hình bán sơn địa. Mặc dù vậy, nông nghiệp cũng là thế mạnh của huyện với những nông sản được nhiều người biết đến như nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là bài toán khó với huyện, đặc biệt là vấn đề KCH kênh mương. Địa hình "trên núi, dưới sông", với độ chênh lớn gây khó khăn cho thiết kế, thi công. Hơn nữa còn phải xây thêm hệ thống kênh để tiêu nước và điều phối nước hợp lý bởi có chỗ rất thừa nhưng có chỗ lại thiếu". Khắc phục thực trạng đó, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể, rồi những đề án cụ thể để từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong đó phân cấp rõ hệ thống kênh mương cho từng bộ phận quản lý, chỉ đạo các xã, thị trấn dựa trên điều kiện thực tế để nắm bắt nhu cầu, chỗ nào cần làm mới, chỗ nào có thể tận dụng, huy động sức dân nhưng không làm bằng mọi giá. Vì vậy, ở nhiều địa phương như Thượng Quận, Bạch Đằng, Hiệp Hòa... kênh mương được KCH, phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc làm đường nội đồng cũng được thực hiện song song với dồn điền, đổi thửa. Hiện tại, Kinh Môn đã KCH 97 km trong tổng số 195 km kênh mương. Đường ra đồng cũng được trải bê tông với tổng chiều dài 260,75 km, đường nội đồng là 176,16 km.
Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, bằng việc huy động nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã xây dựng, kiên cố hóa hàng nghìn cây số đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh tưới. Đặc biệt, đề án “Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015” với phương thức hỗ trợ cho các địa phương bằng xi măng thay thế cơ chế hỗ trợ bằng tiền đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong 5 năm 2010-2014, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp 2.674 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Vẫn còn khó khănMặc dù hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả hơn. Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh hầu hết được xây dựng đã lâu, xuống cấp, hiệu suất thấp, kinh phí đầu tư cho cải tạo, xây dựng còn hạn chế. Khu vực ngoài bãi sông (gần 8.000 ha) hầu như chưa có công trình chủ động tưới tiêu, khả năng tưới còn hạn chế. Hệ thống kênh tưới trên địa bàn tỉnh (kênh chính đến kênh cấp III) dài 5.304 km nhưng mới chỉ có 1.084 km được KCH, chiếm 20,4%. Tỉnh ta đang thực hiện đề án KCH hệ thống kênh tưới giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu KCH từ 850-1.000 km kênh tưới. Qua đó mở rộng diện tích tưới chủ động bằng động lực từ 9.500-11.200 ha, xóa bỏ từ 125-148 điểm bơm, trạm bơm dã chiến kém hiệu quả. Tuy nhiên với tổng kinh phí rất lớn lên đến trên 2.778 tỷ đồng thì để thực hiện được là rất khó khăn.
Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Để bảo đảm phát triển bền vững hệ thống thuỷ lợi cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, gắn với xây dựng đường nội đồng, dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, phục vụ sản xuất theo quy mô lớn. Đầu tư cải tạo nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi thích ứng với sự suy giảm, cạn kiệt nguồn nước như hạ thấp đáy bể hút, sàn động cơ của các trạm bơm tưới, cao trình đáy cống lấy nước, kênh lấy nước... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dân cư cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo sự thống nhất đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, phá vỡ quy hoạch của từng ngành. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị quan trắc, công nghệ để nâng cao năng lực dự báo úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn nhằm tăng cường năng lực điều hành hệ thống thủy lợi.
Tháng 9 - 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học" (Qseap), sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tại tỉnh ta, dự án gồm 2 nội dung chính là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ cho nông sản an toàn và xây dựng các hầm bioga. Từ năm 2010 đến nay, dự án đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 9 vùng sản xuất rau, quả an toàn với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương, một số hạng mục của công trình vẫn chưa được sử dụng hiệu quả như mục tiêu của dự án. Nhiều nhà sơ chế vốn là một trong những hạng mục quan trọng và có vốn đầu tư lớn của dự án nhưng lại chưa được nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả. Ông Phạm Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Kinh phí mà dự án Qseap đầu tư cho các vùng rau an toàn chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu thực tế. Để phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng đã có, chính quyền địa phương cần huy động mọi nguồn lực, nhất là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản tham gia đầu tư, quản lý, khai thác các công trình. Người dân ở các vùng dự án cũng cần chủ động đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình phụ trợ để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng là khâu then chốt, một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thực tiễn cho thấy chỉ khi nào xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại thì khi đó mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Để làm được điều đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần có nhiều giải pháp, quan tâm bố trí vốn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch để cơ sở hạ tầng đi trước một bước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ