“Mỗi lần tiếng loa phóng thanh trên chiến hạm rít lên, mọi người lại đặt tay vào cò súng, mắt dán chặt vào tàu đối phương. Trong cận chiến của hải quân, loạt đạn đầu tiên có ý nghĩa sinh tử”.
Các pháo thủ trên HQ-4 Trần Khánh Dư trước giờ khai hỏa - Ảnh tư liệu
Trung úy Phạm Ngọc Roa, phụ tá sĩ quan hải hành trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư (Việt Nam cộng hòa), vẫn nhớ mãi những phút căng thẳng trước lệnh khai hỏa.
Khai hỏa
“Tùy nghi khai hỏa...”. Từ trung tâm hành quân tại Đà Nẵng, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại lệnh qua điện đàm với đại tá Hà Văn Ngạc.
“Khai hỏa”, đại tá Ngạc phát lệnh vào lúc 10g24 sáng 19-1-1974. Ngay lập tức, bốn chiến hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, HQ-5 Trần Bình Trọng, HQ-16 Lý Thường Kiệt, HQ-10 Nhật Tảo bắt đầu tác xạ mãnh liệt vào các tàu chiến đối phương.
Tình hình tại chiến trường diễn ra hết sức ác liệt. Soái hạm HQ-5 bắn dữ dội vào các chiếc Kronstadt 274 ở hướng tây đảo Quang Hòa. Chiến hạm Trung Quốc này trúng đạn ngay loạt đầu tiên, di chuyển rất chậm chạp và phản pháo nhưng không gây thiệt hại cho HQ-5.
Cùng có mặt trên đài chỉ huy HQ-4 trong khoảnh khắc tử chiến đó, trung úy Roa kể chính nhờ hạm trưởng San cho tàu vận chuyển linh hoạt nên tránh được một trái pháo của tàu đối phương bắn vào đài chỉ huy, tuy nhiên nó lại bay vào ống khói. Mảnh đạn văng vào đài chỉ huy trúng ngay chân trung úy Roa. Các mảnh đạn khác cũng phá sụp chân màn hình radar làm nó không hoạt động. Tuy nhiên, trung úy Roa vẫn trụ vững ở vị trí theo dõi tàu địch. Dây liên lạc sĩ quan hải pháo với các khẩu đội đã bị mảnh đạn cắt đứt, không liên lạc được. Phía tàu chiến Trung Quốc cũng bị thiệt hại nặng nề. Trong làn đạn 76,2 li của HQ-4 Trần Khánh Dư, chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn bốc cháy dữ dội.
Tình hình trên tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt cũng rất ác liệt sau những loạt đạn bắn chuẩn xác vào chiến hạm TQ. Trong bài viết Sự thật về hải chiến Hoàng Sa, hạm trưởng Lê Văn Thự kể: “Tôi quay ngang tàu
HQ-16 đưa phía hữu mạn của tàu hướng về ba tàu Trung Quốc. Mục đích của tôi là tận dụng tất cả súng từ mũi ra sau lái. Nếu hướng mũi tàu về phía tàu Trung Quốc thì chỉ sử dụng được hỏa lực phía trước mũi thôi. Với lợi thế là sử dụng được tối đa hỏa lực nhưng cũng có bất lợi là hứng đạn nhiều hơn”.
Trung tá Thự kể tiếp chính mắt ông nhìn thấy một tàu Trung Quốc bốc khói, một tàu bị trúng hệ thống lái nên tàu cứ xoay quanh... Sau đó chiến sự diễn biến ác liệt hơn. Đối phương phản pháo, tàu Lý Thường Kiệt bị trúng đạn ở hầm đạn 127 li phía trước mũi nên nước biển tràn vào mỗi khi tàu chúc xuống. Hỏa lực chính hết tác xạ được. Ở lườn tàu dưới mặt nước, một lỗ pháo lớn làm nước biển tràn vào. Tàu bị nghiêng dần sang một bên.
HQ-16 Lý Thường Kiệt càng lúc càng nghiêng thêm theo lượng nước vào ồ ạt. Góc bị thủng không có chỗ để chống xà chặn tấm bố để bít lỗ thủng. Hạm trưởng phải cho đóng nắp hầm máy này lại để nước không tràn ra khoang khác. Từ lúc này, HQ-16 chỉ khiển dụng được một máy, sức mạnh yếu hẳn. Đặc biệt, hệ thống vô tuyến cũng tê liệt vì máy phát điện hư. Nhận thấy HQ-16 mất khả năng chiến đấu, hạm trưởng cho tàu tạm lùi khỏi lòng chảo Hoàng Sa.
Trận chiến của HQ-10 Nhật Tảo
Sau lệnh khai hỏa, các khẩu đội pháo trên chiếc HQ-10 Nhật Tảo rền lên trực xạ. Ở gần đó, các khẩu pháo của HQ-16 Lý Thường Kiệt do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đang tác xạ dữ dội. Những loạt đạn này đã bắn trúng trục lôi hạm 389 của đối phương làm nó phát nổ, bốc khói lửa rừng rực. Chiếc 396 ở gần đó cũng trúng đạn từ hai chiến hạm của Việt Nam. Hệ thống lái của tàu đối phương này bị phá hỏng làm nó loạng choạng trên biển. Cùng lúc đó, chiếc 389 còn bị trúng đạn vào hầm máy. Các báo cáo của hải quân Trung Quốc sau đó cũng thừa nhận hai chiến hạm 389 và 396 của mình đã trúng đạn ngay từ phút đầu: “Trong lúc chiếc hộ tống hạm HQ-10 bị trọng thương, trục lôi hạm 389 cũng bị chiến hạm Việt Nam bắn hư hại nặng. Đài chỉ huy hoàn toàn bị tiêu hủy. Thủy thủ đoàn nhiều người chết, bị thương. Hầm chứa đạn bị bắn thủng một lỗ lớn... Hầm máy cũng bị bắn trúng nên cháy dữ dội khiến tàu vô nước, bị nghiêng, không còn dưỡng khí khiến cơ khí phó và năm cơ khí viên tử thương tại chỗ”.
Tuy nhiên, ngay tình thế đang áp đảo, khẩu đội pháo chính phía trước chiến hạm Nhật Tảo lại trở ngại tác xạ. Máy tàu cũng yếu không kịp giúp con tàu xoay chuyển linh hoạt để phát huy pháo phía sau. Trong nhật ký trận Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách khẩu 20 li và cối 81 li phía sau tàu, kể đang lúc ác liệt thì đến khẩu 20 li đôi cũng kẹt đạn. Ông phải cho bắn chỉ một nòng. Cả hai trục lôi hạm 389 và 396 của Trung Quốc tận dụng cơ hội này để trả đũa.
Chuẩn úy Tất Ngưu kể ông và đồng đội đang cố gắng tác xạ phía sau thì bất ngờ nghe tiếng rầm. HQ-10 Nhật Tảo và chiếc 389 đụng nhau. Từ đài chỉ huy, đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí dùng súng M16 bắn xối xả sang tàu đối phương. Có người cho rằng vì cả hai máy tàu lúc này đều bị bắn hư nên chúng đã trôi va vào nhau...”.
Tài liệu báo cáo chiến trận từ phía hải quân Trung Quốc mặc dù nặng tuyên truyền tinh thần chiến đấu và chiến tích, nhưng cũng có nhiều nội dung thừa nhận phải trả giá nặng nề”.
Trận chiến chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Hai bên đều thiệt hại nặng.
Quân Trung Quốc tăng viện mạnh. Các chiến hạm VNCH được lệnh rút lui khỏi vòng chiến sự. Một kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa của VNCH với các chiến hạm tăng viện và 100 chiến đấu cơ F-5 đã được vạch ra nhưng bất thành.
Ngày 2-7-1976, Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thành lập và hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 12-5-1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng. Đoạn 5 của tuyên bố viết: các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở điều 1 đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3 và 4 của tuyên bố này. |
QUỐC VIỆT (Tuổi trẻ)