Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi quan trọng trong các cuộc kháng chiến.
>> Bài 1: Mốc son chói lọi
Trận địa pháo của bộ đội cao xạ bảo vệ bầu trời Hải Dương năm 1971
Bảo vệ thành quả cách mạngChính quyền cách mạng ở Hải Dương vừa ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ khó khăn. Đó là hậu quả của chính sách cai trị thực dân để lại, hàng nghìn quân Tưởng Giới Thạch, hàng trăm quân viễn chinh Pháp, hàng chục đảng phái, tổ chức phản động núp dưới nhiều hình thức cùng âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, chỉ trong vòng 16 tháng (từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946), Đảng bộ tỉnh đã dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt, quyết tâm bảo vệ và giữ vững chính quyền. Giặc đói được chặn lại, giặc dốt được đẩy lùi, đánh bại giặc ngoại xâm cùng âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Ngày 6-1-1946, trên 98% số cử tri trong tỉnh nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; ngày 26-4-1946, kỳ bầu cử HĐND tỉnh và xã khóa đầu tiên ở Hải Dương thắng lợi, càng khẳng định không kẻ thù nào có thể lật đổ chính quyền cách mạng, chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đêm 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hải Dương đã đồng loạt nổ súng tiến công quân địch ở thị xã Hải Dương và một số nơi trên đường số 5.
Quân và dân tỉnh ta đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tinh thần sẵn sàng kháng chiến, "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của nhân dân tỉnh ta thể hiện rõ và được ghi lại trong Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh: "... chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 12-1946, nhân dân trong toàn tỉnh đã làm được khối lượng công việc chưa từng có. Hàng vạn đồng bào suốt ngày đêm làm nhiệm vụ phá đường nhằm ngăn bước tiến của quân địch. Hàng chục km đường sắt bị tháo ốc, lật ray, bóc tà vẹt, phá nền các con đường rồi dựng chướng ngại vật ở khắp nơi. Có nơi, nhân dân còn lấy bùn trộn với rơm, rạ rải ra đường để ngăn xe địch...".
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với nhiều hình thức và quy mô, quân dân trong tỉnh càng đánh càng thắng, lập những chiến công vang dội trên đường số 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Với trên 13.000 trận đánh, chúng ta đã tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng 27.805 tên, thu hàng nghìn khẩu súng, phá hủy gần 2.000 đầu tàu, toa xe, xe cơ giới, ca-nô, tàu chiến; thu hồi hàng tấn quân trang, quân dụng, làm nên “Tiếng sấm đường 5” anh hùng; đồng thời, cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm và tiễn đưa hàng vạn thanh niên ra mặt trận. Cán bộ, đảng viên và quân dân Hải Dương đã góp phần to lớn cùng quân dân cả nước đi tới Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bình.
Góp phần đánh bại chiến tranh phá hoạiNgày 30-10-1954, Hải Dương hoàn toàn giải phóng, nhân dân phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới với nhiều khó khăn, thử thách. Tại hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 11-1954 đã kiểm điểm công tác tiếp thu vùng mới giải phóng và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: ổn định vùng nông thôn mới giải phóng; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hóa xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ gìn an ninh; củng cố hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng.
Trong vòng 10 năm (1955-1965), Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế; tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp cùng với củng cố, phát triển tổ đổi công được đẩy mạnh, kết quả sản xuất nông nghiệp vượt xa trước chiến tranh; công nghiệp bước đầu phát huy được vai trò trong nền kinh tế địa phương; các ngành tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và đã phát huy được thế mạnh; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển mới... Tỉnh hoàn thành thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật; xây dựng nhiều công trình thủy lợi; sự nghiệp giáo dục, y tế có bước phát triển mạnh.
Với những thành tích tiêu biểu đó, tỉnh ta vinh dự được đón Bác Hồ về thăm nhiều lần trong giai đoạn này.
Đầu năm 1968, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Sau khi củng cố bộ máy tổ chức của tỉnh mới hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Với hàng trăm trận lớn nhỏ, quân và dân trong tỉnh đã bắn rơi 85 máy bay Mỹ. Với khẩu hiệu “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, sản xuất vẫn được duy trì và phát triển ở các địa phương, đơn vị. Nhiều điển hình 5 tấn, 6 tấn thóc/ha xuất hiện; phát triển chăn nuôi và cây trồng, đẩy lùi một bước độc canh cây lúa; hàng chục điểm cơ khí nhỏ với nhiều máy móc, một mạng lưới thuỷ lợi rộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp và nông thôn. Thực hiện khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong những năm chống Mỹ, cứu nước, Hải Dương đã chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến trường nước bạn Lào và Campuchia hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng vạn nam nữ thanh niên tham gia quân đội, thanh niên xung phong...
Đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đã được Tổ quốc ghi nhận, quân dân tỉnh Hải Dương và tất cả 12 huyện, thành phố, 41 xã, phường, thị trấn được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng, 32 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
HẠNH DUYÊN