Đồng Lạc năm 2010 về trước chỉ bình quân 11-12 triệu/người, nhưng 2 năm xây dựng NTM thì: 2011 là 14 triệu/người, 2012 lên 17 triệu/người...
Cơ sở may công nghiệp Tân Ngọc của ông Nguyễn Huy Xệ ở xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ)
thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động địa phương
với thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/thángXã Đồng Lạc (Nam Sách) có 10 thôn. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi thôn đã hình thành một vùng sản xuất tập trung với diện tích từ 5 ha trở lên, cấy toàn giống lúa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, năng suất lúa vụ vừa qua bình quân đạt 68-69 tạ/ha. Nét nổi bật nữa không thể không nói tới, là việc nhiều gia đình nông dân, như anh Kỳ ở thôn Miễu Lãng, anh Sản ở thôn Trúc Khê, ông Miên ở thôn Tháp Phan, đã mạnh dạn vay vốn Nhà nước mua sắm máy nông nghiệp. Chỉ riêng máy gặt đập liên hợp bình quân mỗi thôn hiện nay đã có 3 - 4 máy bánh hơi, còn máy cày thì nhiều, có thôn tới 10 máy. Công nghiệp hóa nông thôn đã và đang đi vào từng gia đình, ngõ xóm.
Cũng về quy vùng sản xuất, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ Trần Văn Biếc cho biết, xã đã xây dựng 17 vùng sản xuất, nhỏ là 5 ha, lớn là 20 ha, làm hai vụ lúa, một vụ màu, với năng suất lúa cả năm 15 tấn/ha, giá trị sản xuất từ 120-150 triệu đồng/ha trồng rau màu, chủ yếu là trồng su-lơ, hành tây. Để nông dân yên tâm sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp còn chủ động tìm đầu ra cho người trồng rau, bằng cách ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty rau quả trên TP Hải Dương, đến kỳ thu hoạch họ về tận nơi thu mua. Vì thế có gia đình một vụ trồng tới 15 nghìn cây su-lơ, thu nhập 50 – 70 triệu đồng, còn hộ có mức vài ba chục triệu đồng từ trồng su-lơ, hành tây một vụ thì nhiều. Đáng chú ý là nhiều hộ nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để có hiệu quả kinh tế cao. Xã có 72 ha đầm lầy ruộng trũng, trước sản xuất bấp bênh, nay nông dân chuyển sang xây dựng mô hình VAC mang lại hiệu quả rõ. Trong số này có ba trang trại của gia đình ông Dương, anh Tiền, anh Tuân ở thôn Ngọc Lâm mỗi năm thu hoạch tới trên tỷ đồng/ha.
Cũng về phát triển sản xuất nhưng ở một khía cạnh khác, đồng chí Nguyễn Thị Diệu Huyền, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Cộng Hòa (Kim Thành) lại đi vào vấn đề cơ cấu lại lao động để phát triển ngành nghề dịch vụ. Đồng chí Huyền cho biết: Ở xã Cộng Hòa đang phát triển mạnh loại hình dịch vụ sơ chế nông sản, chủ yếu là hành, tỏi củ. Đây là loại rau củ đang chiếm vị trí đáng kể trong vụ đông, nhưng cũng là loại rất khó bảo quản. Nhiều gia đình ở Cộng Hòa đã xây lò sấy tại nhà, mỗi khi vào mùa thu hoạch lại đi thu mua hành, tỏi các nơi về sấy khô, rồi mới bán hoặc đóng bao để bán dần. Hiện nay xã có tới 600 hộ sơ chế hành, tỏi. Xóm Khu Phố ở thôn Thanh Liên có hẳn bãi tập kết ô-tô mua bán hành, tỏi và có khoảng 30 hộ làm dịch vụ hành, tỏi lớn, với thu nhập mỗi hộ 300 triệu đồng/năm. Đồng chí Huyền cho biết thêm, xã Cộng Hòa có 3 thôn, thì trừ thôn Tường Vu, còn cả 2 thôn Thanh Liên và Lai Khê đều phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tại chỗ hoặc đi ra ngoài thôn xã để làm.
Xoay quanh việc tổ chức các loại hình dịch vụ, hay rộng ra là cơ cấu lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn, Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Biếc sôi nổi nói:
- Hiện nay ở Tân Kỳ cơ cấu lao động nông nghiệp chỉ còn 27%, dịch vụ và ngành nghề đã chiếm tới 73% lao động nông thôn. Chỉ kể lao động thêu ren đã có tới 1.000 người, còn xây dựng thì toàn xã hiện có 24 đội, thu hút hàng mấy trăm lao động, chưa kể các ngành nghề khác. Trong nông nghiệp hiện nay, trừ một số khâu gieo trồng, chăm sóc còn phần nhiều đã được cơ giới hóa. Chẳng hạn làm đất, gặt đập cơ giới hóa tới trên 90%.
Nghe đồng chí Biếc nói tới cơ giới hóa, tôi lại nhớ hôm trước ở bên Đồng Lạc cũng nghe đồng chí chủ tịch xã bảo, máy làm đất và máy gặt đập liên hợp thì hiện nay ở xã có cả trăm chiếc. Đồng Lạc có 10 thôn, chỉ kể máy làm đất có thôn đã có tới 10 máy, chưa kể 4-5 máy gặt đập liên hợp nữa. Diện tích làm đất bằng máy hiện nay đã lên tới 100%. Đây thực sự là tin vui, bởi chúng ta đều biết, không phải bây giờ mà từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, từng bước giải phóng sức lao động cho nông dân, thậm chí có thời còn thành lập ở mỗi huyện một Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp, nhưng thực ra diện tích làm đất bằng máy cũng không được là bao, chưa kể máy gặt đập liên hợp vẫn còn là trong mơ. Nhưng hôm nay, nói như các đồng chí và bà con ở Cộng Hòa, Đồng Lạc, Tân Kỳ thì trâu bây giờ hiếm lắm, cả xã đâu chỉ còn vài con, vì cày cấy, thậm chí gặt đập cũng được làm bằng máy cả rồi.
Bản thân sự thay đổi ấy có lẽ đã nói nên rất nhiều về thu nhập và mức sống của nông dân ta hiện nay. Nhìn chung những xã chúng tôi đến, thu nhập bình quân đầu người đều tăng khá nhanh. Chẳng hạn xã Đồng Lạc năm 2010 về trước chỉ bình quân 11-12 triệu/người, nhưng 2 năm xây dựng NTM thì: 2011 là 14 triệu/người, 2012 lên 17 triệu/người. Còn xã Nam Chính (Nam Sách) trong 2 năm xây dựng NTM đều có thu nhập bình quân 17-18 triệu/người/năm. Cộng Hòa có lẽ là xã có mức thu nhập cao nhất trong những xã mà chúng tôi đến, thu nhập bình quân năm 2012 là 18,5 triệu đồng/người. Cũng ở Cộng Hòa, tỷ lệ hộ nghèo có lẽ vào loại giảm nhanh nhất: năm 2011 còn tới 11% so với tổng số 1.764 hộ dân trong xã, thì năm 2012 chỉ còn 4%; trong khi đó, tỷ lệ hộ giàu đã lên tới 35% (hơn 600 hộ), triển vọng còn có nhiều hộ giàu nữa, bởi Cộng Hòa có lợi thế, như người xưa nói “nhất cận lộ”, bên quốc lộ số 5, rất thuận lợi cho phát triển dịch vụ, các ngành nghề mang lại kinh tế cao.
Và một khi sản xuất phát triển, thu nhập tăng thì đời sống văn hóa, tinh thần trong nông thôn cũng có những đổi thay to lớn.
CAO NĂM