Quy hoạch chủ yếu mang tính tự phát, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu sự hỗ trợ của địa phương, chính sách cụ thể đối với sự phát triển chưa có... Đây chính là khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư vào các CCN.
>>
Do chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn nên CCN Đoàn Tùng (Thanh Miện) vẫn là ruộng lúa
Năm 2005, Công ty CP Tấn Hưng quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bao bì ở huyện Tứ Kỳ. Công ty này đã chọn địa điểm sát đường 391, thuộc xã Ngọc Sơn để xây dựng nhà máy, diện tích gần 10 ha. Anh Phạm Quốc Thịnh, Giám đốc công ty cho biết: “Khi nhận được giấy phép đầu tư, công ty phải tự thoả thuận đền bù với người dân, tự san lấp mặt bằng, kéo đường điện, xây dựng đường giao thông, điện, nước... với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, chiếm 10% tổng đầu tư xây dựng nhà máy. Tất cả những công việc đó kéo dài trong gần một năm. Từ khi tiến hành san lấp mặt bằng đến khi đi vào hoạt động, công ty không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào của chính quyền địa phương. Khi cụm công nghiệp (CCN) Ngọc Sơn được thành lập, chúng tôi “tự nhiên” được kéo vào CCN. Tuy nhiên, từ khi nằm trong CCN, chúng tôi cũng chưa nhận thấy sự khác biệt nào so với trước đây khi nằm ngoài CCN”.
Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: “Nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư trong các CCN của huyện, nhưng do thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ khiến các nhà đầu tư e ngại. Huyện rất muốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho các CCN, sau đó mới mời gọi đầu tư, nhưng với nguồn kinh phí khá lớn, ngân sách của huyện không thể kham nổi. Vì vậy, chủ trương của huyện là khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Thực tế cho thấy, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong CCN sẽ nảy sinh phức tạp, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hạ tầng không đồng bộ. Hầu hết các CCN trong tỉnh đều được phê duyệt quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong 31 CCN đã hoạt động, mới chỉ có duy nhất CCN Ba Hàng (TP Hải Dương) có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng do một số hộ dân không chấp nhận giá bồi thường cũ, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng. Ở các CCN khác, vì chính sách đầu tư chưa rõ ràng, không có các quy định cụ thể nên các doanh nghiệp đều e ngại khi đầu tư vào các CCN. Các địa phương đều tuyên bố có chính sách ưu đãi, nhưng ưu đãi ra sao, chế độ cụ thể như thế nào thì hầu hết các doanh nghiệp không nắm được. Vì thế, các doanh nghiệp phải tự thực hiện từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng đến san lấp, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước... Trước khó khăn đó, các doanh nghiệp đều chọn địa điểm gần đường giao thông để đầu tư xây dựng, nhằm giảm tối đa chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Những địa điểm nằm sâu bên trong các CCN, không thuận lợi về giao thông rất khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào các CCN gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp thường phải tự đàm phán, thoả thuận giá đền bù với người dân, nên nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí không thể triển khai xây dựng.
Tỉnh ta hiện vẫn chưa có quy hoạch chung phát triển CCN mang tính định hướng về bố trí không gian trên cơ sở xác định phát triển các ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả tỉnh và của từng địa phương. Hầu hết các CCN ra đời đều mang tính tự phát. Một số CCN hình thành bằng cách gom các doanh nghiệp đang hoạt động trong một khu vực rồi “đặt cho một cái tên”. Chính vì chưa có quy hoạch chung, nên những chính sách cụ thể đối với sự phát triển của các CCN chưa có. Tuỳ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương có những chính sách thu hút, ưu đãi riêng. Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ hấp dẫn để kéo các doanh nghiệp vào CCN. Thậm chí, nhiều địa phương còn nảy sinh tâm lý ỷ lại cấp trên, chưa tích cực vận động đầu tư, chưa tìm ra hướng đi hợp lý để phát triển các CCN.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ