Bài 2: "Đốt đuốc" đi tìm đại biểu HĐND chuyên trách

04/03/2016 07:58

Nhiều địa phương đang gặp khó trong việc tìm nguồn cán bộ ứng cử là đại biểu HĐND chuyên trách...





Đại biểu chuyên trách có điều kiện dành nhiều thời gian, sức lực cho hoạt động của HĐND
Ảnh: Thành Chung


Một trong những điểm mới của cuộc bầu cử lần này là việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang gặp khó trong việc tìm nguồn cán bộ ứng cử là đại biểu HĐND chuyên trách.

Sợ thiệt thòi

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, có trường hợp một đồng chí phó phòng chuyên môn huyện, sau khi biết Thường trực HĐND huyện chọn mình để giới thiệu ứng cử là đại biểu HĐND chuyên trách đã nhờ can thiệp xin rút để làm công tác chuyên môn vì là phụ nữ, lại còn trẻ... Cũng có địa phương, việc thảo luận, xác định người được giới thiệu ứng cử vị trí đại biểu chuyên trách phải bí mật, tránh gây xáo trộn tâm lý cho các đồng chí được giới thiệu...

Theo ông Hoàng Văn Bảo, đại biểu HĐND tỉnh, nguyên Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nguyên nhân khiến nhiều cán bộ, đảng viên không muốn được giới thiệu ứng cử vào vị trí đại biểu chuyên trách HĐND chính là từ lợi ích vật chất của vị trí này thường ít hơn hẳn so với những vị trí tương đương trong khối Đảng hoặc khối chính quyền. Mặt khác, hoạt động HĐND là hoạt động theo nhiệm kỳ nên hầu hết người được giới thiệu ứng cử đều có lo ngại chung là sau khi kết thúc nhiệm kỳ là đại biểu chuyên trách sẽ đi đâu, làm gì. Điều này dễ dẫn đến tâm lý so sánh, tính toán của nhiều cán bộ khi được lựa chọn, giới thiệu để bầu là đại biểu HĐND chuyên trách.

Ông Mạc Văn Thi, vốn là Phó Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy được bầu giữ chức Thường trực HĐND

 Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND để bố trí làm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau:

a) Ở cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách;

b) Ở cấp huyện, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp huyện có ít nhất một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách;

c) Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

huyện Nam Sách cho biết, sau khi đảm nhận nhiệm vụ mới, mỗi tháng ông cũng bị "hụt" mất khoảng gần 3 triệu đồng tiền phụ cấp công tác Đảng. Trong khi hoạt động của đại biểu chuyên trách HĐND đa dạng, rộng khắp và đòi hỏi phải chuyên tâm, đáp ứng yêu cầu cao. Vì vậy, trừ việc phải phục tùng sự điều động, phân công của tổ chức, còn lại đa số tâm lý chung của cán bộ đều "ngại" trở thành đại biểu HĐND chuyên trách. Là người trực tiếp gặp gỡ các đồng chí có thể được giới thiệu là đại biểu HĐND chuyên trách huyện, ông Thi cũng đã gặp nhiều cán bộ "xin" cho ở lại làm công tác chuyên môn với nhiều lý do như còn hạn chế về kinh nghiệm nên chưa muốn là đại biểu HĐND chuyên trách...

Việc lựa chọn ứng cử viên cho các vị trí là đại biểu HĐND chuyên trách vì vậy trở thành việc khó của cả HĐND cấp tỉnh và nhiều HĐND cấp huyện. Một số HĐND cấp huyện chọn phương án giới thiệu một số đồng chí có cùng trình độ, cùng trong quy hoạch để khi kết thúc bầu cử, sẽ chỉ định những đồng chí trúng cử làm đại biểu chuyên trách. Có địa phương vận dụng hướng dẫn, chọn lựa, giới thiệu một số đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn tương đương cán bộ cấp phòng, ban đang trong thời gian luân chuyển công tác; hoặc giới thiệu các đồng chí chuyên viên có thời gian công tác từ 5 năm trở lên, nằm trong quy hoạch cấp phòng để ứng cử vào các vị trí đại biểu chuyên trách HĐND cấp huyện...

Cần cơ chế đặc biệt

Nhiệm kỳ này, tiêu chuẩn đại biểu HĐND chuyên trách các cấp có nhiều điểm mới, đòi hỏi cao hơn như phải có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.

Việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách và những tiêu chuẩn cao như vậy đòi hỏi việc rà soát, xác định con người cụ thể cho các vị trí đại biểu HĐND chuyên trách, đặc biệt là ở HĐND cấp huyện trong nhiệm kỳ này càng cấp thiết. Đại biểu HĐND chuyên trách là người triển khai, tổ chức thực hiện và đặc biệt đảm trách việc giám sát thực hiện các Nghị quyết HĐND các cấp. Họ cũng phải là người dành toàn bộ công sức, thời gian cho hoạt động của HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn được một đại biểu chuyên trách có tâm huyết, trình độ, bản lĩnh, hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động chung của HĐND cấp đó. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, thu hút cán bộ tham gia vào công tác dân cử, đặc biệt là với các vị trí đại biểu chuyên trách, ông Bảo cho rằng đã đến lúc phải xây dựng một hệ thống phụ cấp cho các đại biểu chuyên trách như tất cả các nghị viện vẫn làm. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có cơ chế quan tâm phù hợp khi các đại biểu kết thúc khóa hoạt động HĐND chuyên trách, như việc ưu tiên bố trí, sắp xếp công việc, vị trí thế nào cho phù hợp... Kèm với đó là sự hỗ trợ tối đa về phương tiện, tài liệu, những điều kiện nhất định để đại biểu chuyên trách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Phải có những "nút gỡ" như vậy mới mong những cán bộ có tâm huyết, có năng lực thật sự cống hiến cho hoạt động của các cơ quan dân cử.

 Ở cấp tỉnh, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (trong 2 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) giữ chức Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của HĐND nói chung phải giữ chức Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của HĐND nói chung phải giữ chức vụ trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Ở cấp huyện, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là Huyện ủy viên (trong đó có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy), giữ chức trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của HĐND nói chung phải giữ chức phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên và người ứng cử phó trưởng ban của HĐND nói chung phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 5 năm trở lên. Ở cấp xã, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã; đối với những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã.


PV

(0) Bình luận
Bài 2: "Đốt đuốc" đi tìm đại biểu HĐND chuyên trách