Bài 1: Rút ruột lòng sông

23/06/2012 07:01

"Cát tặc" lộng hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ đê, làm hàng chục ha đất canh tác của người dân bị trôi theo dòng nước...



Khai thác cát trái phép trên sông Luộc làm sạt lở nhiều đoạn đê bối của xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)


Hiện nay, nhiều đoạn sông thường xuyên xuất hiện các phương tiện có tải trọng lớn khai thác cát trái phép như khu vực ngã ba Kèo trên sông Kinh Thầy, thuộc địa phận xã Đồng Lạc (Chí Linh); sông Thái Bình, thuộc các xã Đức Chính (Cẩm Giàng), Minh Tân (Nam Sách), Thanh Hải (Thanh Hà), Đại Đồng (Tứ Kỳ); sông Luộc, thuộc địa phận xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), thị trấn Ninh Giang, Tiền Phong (Thanh Miện)... Hoạt động khai thác diễn ra ngày càng gần các bãi sông và các công trình đê điều gây sạt lở nghiêm trọng diện tích đất canh tác của người dân, ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình đê điều, cống dưới đê, kè chỉnh trị trên sông, gây tâm lý bất bình trong nhân dân. Đến nay đã có khoảng 15 ha đất bãi sông của các xã Hưng Đạo, Đồng Lạc (Chí Linh), Đại Đồng, Hà Thanh (Tứ Kỳ), Đức Chính (Cẩm Giàng), Thanh Hải (Thanh Hà)... trôi theo dòng nước.

Chúng tôi có mặt tại "điểm nóng" về cát tặc trên sông Luộc, thuộc địa bàn thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong (Thanh Miện). Trên một đoạn sông ngắn gần 1 cây số có tới 7 tàu cát đang thi nhau hút cát. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch ngô, trên bãi người dân đang thu hoạch, còn dưới sông tàu cát vẫn cứ ngang nhiên “rúc vòi” vào bãi bồi để hút cát. Ông Nguyễn Văn Sứ, một người dân trong thôn bức xúc: “Nhìn ruộng đồng của mình trôi xuống sông từng ngày thế này chúng tôi rất bức xúc, xót xa. Nhiều lần dân làng tổ chức ném gạch, đá xua đuổi nhưng ném mãi cũng chán. Cát tặc còn lên bãi chặt phá ngô để thị uy, đe dọa người dân chúng tôi”. Những người dân ở đây cũng cho biết cát tặc hoạt động rất ngang nhiên. Chúng không hoạt động lén lút vào ban đêm mà thường từ 3 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng công an xã Tiền Phong cho biết, hiện nay trong xã có 12 thuyền hút cát trọng tải từ 70-200 khối không có đăng ký, đăng kiểm và gần chục bãi, điểm tập kết cát không được cấp giấy phép. Theo phép tính đơn giản của ông Sơn thì mỗi ngày những tàu này thường khai thác 3 lượt, trung bình mỗi tàu 150 khối cát, tính ra mỗi ngày sẽ có  khoảng 5.000 m3 cát bị đánh cắp, đó là chưa kể các tàu ở địa phương khác cũng đến đây khai thác.


"Hạm đội" cát tặc quần đảo trên sông Luộc, đoạn qua xã Tiền Phong (Thanh Miện)


Tại sông Kinh Thầy, đoạn qua thôn An Điền, xã Cộng Hòa (Nam Sách), tình trạng khai thác cát trái phép cũng đang diễn ra ngang nhiên. Những người dân ở đây cho biết, hằng ngày có từ 5-7 tàu cát hoạt động thường xuyên. Mặc dù người dân cũng tổ chức xua đuổi nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại..."đâu đóng đấy". Năm nay đã 80 tuổi, ông Nguyễn Đình Vuông vẫn cùng nhân dân “chiến đấu” với cát tặc. Ông Vuông cho biết: “Tôi trồng được hơn trăm cây chuối ở ngoài bãi đã bị cát tặc đánh sập hết rồi chú ạ! Có lần bức xúc quá, tôi bơi ra thuyền thì chúng mới bỏ đi”.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, cát thường tập trung ở các bãi bồi ngoài đê, các dải cát, cồn cát giữa lòng sông, dưới lòng sông ngập nước. Phần lớn các mỏ cát tập trung tại các lòng sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách, sông Luộc, sông Kinh Môn... Hiện tại, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ nhu cầu xây trát và san lấp. Khối lượng cát xây dựng được khai thác thời gian qua tăng liên tục từ 2,6 triệu m3 (năm 2000) lên 6,5 triệu m3 (năm 2011). Theo tính toán, từ nay đến năm 2015, nhu cầu cát xây dựng phục vụ san lấp các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghiệp... khoảng 6 - 7 triệu m3/năm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép khai thác tận thu có thời hạn ngắn cho một số doanh nghiệp trên địa bàn nên không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, dẫn tới tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan. Cùng với đó, việc quản lý bến bãi tập kết, kinh doanh cát vẫn đang bị buông lỏng. Trong tổng số 267 bến, bãi trên địa bàn tỉnh thì có tới 191 bến, bãi không có giấy phép hoạt động, 35 bến bãi có giấy phép đã hết hạn. Tình trạng trên khiến việc tiêu thụ cát khai thác trái phép trở nên dễ dàng.

Năm nay, UBND tỉnh đã có lệnh cấm mọi hoạt động khai thác cát, đất trên sông từ ngày 15-5. Tuy nhiên, trong khi việc quản lý của chính quyền và các ngành chức năng còn hạn chế, trên nhiều tuyến sông, người nông dân vẫn ngày đêm bất lực nhìn "bờ xôi, ruộng mật" của mình trôi xuống sông vì cát tặc.

Nhóm phóng viên kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Rút ruột lòng sông