Bài 1: Dạy nghề chưa phù hợp thực tế

14/10/2016 07:36

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn không ít hạn chế, đòi hỏi tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực...



Sau đào tạo nghề, số lượng lao động có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc không nhiều


Phải đào tạo lại

Một cán bộ nguyên là Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện nhận định một số cơ sở đào tạo mở lớp dạy nghề, truyền nghề không phù hợp với thực tế. Dù nhiều lao động nông thôn (LÐNT) đã qua đào tạo nghề (ÐTN) từ trước song khi vào công ty, chủ doanh nghiệp vẫn đánh giá tay nghề của họ chưa tốt, hầu hết phải đào tạo lại mới đáp ứng được công việc. Chị Hoàng Thị Ðiệp, cán bộ Phòng Nhân sự của Công ty TNHH Venture International (chuyên hoạt động trong lĩnh vực may mặc, trụ sở tại thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) cho biết: “Mỗi năm, công ty tuyển mới khoảng 300 công nhân may. Phần lớn họ là lao động ở các vùng nông thôn. Một phần trong số đó đã được đào tạo qua các lớp nghề do địa phương tổ chức. Tuy doanh nghiệp không đòi hỏi người lao động có tay nghề cao nhưng vẫn phải tổ chức đào tạo lại cho nhóm đối tượng này mới đáp ứng được yêu cầu".

Cách đây 4 năm, chị Trần Thị H. (33 tuổi, ở xã Việt Hồng, Thanh Hà) tham gia một lớp dạy nghề mây tre đan do Hội Phụ nữ  và Ðoàn Thanh niên xã tổ chức. Theo chị H., thời gian học ngắn nên hầu hết các học viên đều không vững tay nghề, sản phẩm làm ra kém chất lượng. Chị H. đành bỏ mơ ước tự mở cửa hàng tại nhà và xin làm công nhân may. Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Hồng thừa nhận: “Ở địa phương vẫn có một số ngành nghề đào tạo chưa thu hút được người học hoặc lao động tham gia học nghề khó áp dụng vào thực tiễn, không duy trì nghề được lâu dài”.

Tình hình trên cho thấy công tác tổ chức ÐTN chưa thực sự được xem xét kỹ ở nhiều khía cạnh, gây ra không ít lãng phí trong việc đào tạo cũng như công sức của người học.

Chất lượng nhiều lớp ÐTN thấp là một nguyên nhân khiến các lớp này khó thu hút được học viên tham gia. Thị xã Chí Linh từng mở một số lớp ÐTN gò, hàn cho LÐNT song không tập hợp được đủ người học. Năm 2015, thị xã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề LICOGI mở lớp đào tạo lái xe các loại máy nâng, máy xúc, song phải tuyển sinh thêm ở các tỉnh ngoài mới được 27 học viên. Tương tự, vừa qua Hội Nông dân thị xã dự định mở lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở phường Hoàng Tân nhưng khi triển khai số lượng người đăng ký tham gia quá thấp mặc dù đã được địa phương tích cực tuyên truyền.

Khó tìm được việc làm tốt

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, khoảng 83% số LÐNT trong tỉnh sau khi học nghề có việc làm. Tuy nhiên, 17% số lao động còn lại chưa được tạo việc làm cũng rất đáng lo. Chưa kể có tình trạng một bộ phận không nhỏ LÐNT sau khi được dạy nghề có việc làm song bấp bênh, thu nhập quá thấp.



Dù đã qua đào tạo nghề song một bộ phận lao động nông thôn vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp


Hội Phụ nữ xã Quang Trung (Tứ Kỳ) từng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) tổ chức lớp dạy nghề thủ công đính hạt cườm cho hơn 100 hội viên. Sau khóa học, chị em được tạo việc làm ngay tại chỗ. Công việc tuy nhẹ nhàng, đơn giản, dễ làm nhưng chỉ sau một thời gian nhiều người đã bỏ. Nguyên nhân theo chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là vì mức thu nhập quá thấp. Bình quân mỗi tháng, một người làm cần mẫn cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Vì vậy, đa số hội viên đã bỏ nghề và xin vào làm trong các doanh nghiệp với mức thu nhập cao hơn nhiều lần. Một số hội viên còn theo nghề đều là những người lớn tuổi, không đủ điều kiện để làm việc trong các công ty.

Từ năm 2011 khi Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương được triển khai, nhiều nông dân ở xã Quang Trung (Kinh Môn) bị mất đất sản xuất. Không còn kế sinh nhai, nhiều gia đình, đặc biệt là phụ nữ đã luống tuổi loay hoay tìm cách để có thu nhập. Trước thực tế đó, chính quyền xã đã tạo điều kiện để Hội Phụ nữ xã nhận mở lớp dạy làm hoa giả theo chương trình dạy nghề cho LÐNT thông qua sự giới thiệu của hội cấp trên. Sau khi học, chị em có được việc làm trong khoảng vài tháng. Sau đó, doanh nghiệp cung ứng nguồn hàng dừng cung cấp với lý do không sản xuất mặt hàng này nữa. Hơn 30 hội viên phụ nữ đã quen việc cũng bị thất nghiệp.

Công tác ÐTN còn không ít hạn chế, bất cập. Ðó là sự phối hợp giữa UBND các cấp với các cơ sở dạy nghề chưa chặt chẽ. Chất lượng ÐTN chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và thực tế sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Sự phối hợp của doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề chưa thường xuyên, chặt chẽ trong việc dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, tập trung nhiều ở TP Hải Dương và thị xã Chí Linh.

Nguyên nhân hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác dạy nghề. Việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu ÐTN cho LÐNT chưa sát thực tế. Các cơ sở tham gia dạy nghề chưa chủ động đề xuất các ngành nghề đào tạo mới để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phương pháp, chương trình ÐTN cho LÐNT chưa linh hoạt...

NHÓM PHÓNG VIÊN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 38.750 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Có 32.116 lao động có việc làm sau đào tạo nghề, chiếm 83% số lao động nông thôn được đào tạo nghề. Giai đoạn này, tổng kinh phí bố trí để thực hiện đề án là 76,5 tỷ đồng.

Đến năm 2015, toàn tỉnh có 35 cơ sở dạy nghề, trong đó có 4 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 8 trung tâm dạy nghề và 20 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Các cơ sở này đào tạo gần 100 ngành nghề ở cả trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Theo kết quả thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Dạy nghề chưa phù hợp thực tế