Bài 1: "Mái nhà di động"

28/02/2015 06:45

Cuộc sống trong mái nhà thứ hai của những người lính hải quân không phải khi nào cũng đủ đầy vật chất nhưng không bao giờ thiếu thốn tình cảm và niềm tin...


Giữa bốn bề sóng nước, những người lính hải quân có những mái nhà thật đặc biệt. Đó là những con tàu, những nhà giàn luôn hiên ngang, dũng mãnh trước sóng gió biển khơi và trước những âm mưu đen tối của các thế lực ngoại bang...




 Chuyển hàng lên tàu trước khi khởi hành đến các nhà giàn

Trong tâm thức mỗi người lính hải quân, có hai mái nhà neo giữ niềm thương, nỗi nhớ. Một mái ấm gia đình trên đất liền, một con tàu lênh đênh trên sóng nước. Cuộc sống trong mái nhà thứ hai không phải khi nào cũng đủ đầy vật chất nhưng không bao giờ thiếu thốn tình cảm và niềm tin.  

Tổ quốc nơi đầu sóng

Những ánh nắng cuối ngày bừng sáng một góc chân trời, nhuộm vàng những con sóng đang dập dồn phía mũi tàu. Hoàng hôn trên biển mang vẻ đẹp của thứ ánh sáng cháy rực rỡ đến tận cùng trước khi tắt hẳn. Đó là lúc thượng úy Võ Tánh Linh, quản lý bếp trên tàu HQ621 có chút thời gian ra phía boong sau của tàu, vừa ngắm hoàng hôn vừa chăm chút cho vườn rau của mình. Anh đã dày công chăm sóc những khay đất mang từ đất liền ra, trồng đủ loại rau, tạo thành một khu vườn xanh mướt trên con tàu này. “Đi trên biển lâu ngày nhớ đất liền lắm. Mang đất lên đây vừa để trồng rau, cải thiện cho anh em, vừa để hằng ngày có chỗ ngồi thư giãn, thấy như mình đang ở trên bờ vậy”, anh Linh cười thật hiền giải thích.

HQ621 là con tàu vận chuyển hàng đặc trưng của các lữ đoàn thuộc vùng biển phía Nam. Tàu không thật lớn nhưng đủ khả năng vượt sóng ra khơi xa, làm những nhiệm vụ dài ngày trên biển. Với những người lính trên tàu, hàng tháng trời không được thấy một rẻo đất, một cái cây xanh nào là chuyện bình thường. Vườn rau của thượng úy Linh giống như một phần đất liền thu nhỏ mà các anh luôn muốn mang theo bên mình. Mỗi lần đi qua đi lại, ngó mảnh vườn nhỏ xanh mướt mát ấy, ai cũng thấy lòng mình dịu lại, dù khi ấy đang giữa mùa nắng chói chang hay biển đang gầm gừ giận dữ. Các anh như thấy mình đang đứng trước mảnh vườn của quê nhà, nơi có cha mẹ, vợ con hằng ngày mong ngóng. Những vườn rau cứ lụi rồi lại xanh, hết lứa này sang lứa khác, theo những người lính hải quân rong ruổi khắp biển thuộc vùng 2 hải quân, như phần “đất” thân thuộc thiêng liêng luôn trong tim những người giữ biển.

“Với chúng tôi, những người bốn mùa lênh đênh trên biển thì con tàu là mái nhà, là Tổ quốc”, thượng úy Huỳnh Chí Cường, chính trị viên của tàu đúc kết một câu ngắn gọn. Ẩn chứa trong đó là toàn bộ tình cảm vừa gắn bó, yêu thương lại vừa trang trọng với con tàu. Ngày này qua tháng nọ, họ sống, làm việc trong một khoảng không gian hạn chế, nhìn ra xung quanh bốn bề là nước. Con tàu vừa là mái nhà che mưa che nắng, vừa là hiện thân của Tổ quốc họ đang ngày đêm góp sức giữ gìn. Trên vách tàu, nơi giáp với những chiếc giường tầng luôn dán đầy hình ảnh những người thân trong gia đình. Vươn cao trên nóc tàu, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Giữa gió biển lồng lộng và mặn mòi vị muối, chỉ khoảng 2 tháng là cờ phải thay một lần. Cho dù khó khăn đến mấy, các anh luôn tìm cách bảo đảm cho lá cờ đang tung bay ấy lành lặn và tươi màu, như ý chí, nhiệt huyết của những người lính hải quân chưa bao giờ giảm sút.

Anh em một nhà

Trong gian bếp của tàu, trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thành đứng giữ nồi cơm trên bếp. Hôm nay biển động, sóng cấp 7, cấp 8, nồi cơm cứ chực rơi khỏi bếp. Trung úy Thành ngả nghiêng theo nhịp lắc của tàu, quay ra cười bảo: “Phải có “nghiệp vụ” tốt lắm mới được đứng nấu cơm như thế này đấy nhé. Phải là người khỏe sóng, quen việc bếp núc mới vừa chống chọi được với cơn say vừa nấu được cơm cho cả tàu”. Anh tiết lộ bí quyết nấu cơm trên tàu là phải nấu nước sôi trước, sau đó mới đổ gạo đã vo vào. Nếu cho nước và gạo vào cùng lúc thì cơm sẽ khó chín. Những ngày sóng lớn, có được một nồi cơm chín đều là một kỳ công. Nghe trung úy Thành say mê miêu tả chuyện bếp núc trên tàu, người nghe dễ dàng tưởng anh là đầu bếp chuyên nghiệp. Thực ra, nhiệm vụ chính của anh là nhân viên báo vụ. Nhưng giống như tất cả các nhân viên khác trên tàu, tùy vào mỗi chuyến đi và tình hình thực tế, anh có thể được phân công những công việc khác nhau. Vì thế, mọi người đều ít nhiều đảm đương được các nhiệm vụ và giúp đỡ nhau những khi công việc của mình đã hoàn thành. “Mỗi người một tay một chân thì việc gì cũng xong, cũng tốt. Lên tàu một thời gian thì việc gì cũng biết làm. Quân đội chính là trường học lớn mà”, trung úy Thành tâm sự.



Thả hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc


Có sống cùng các cán bộ, chiến sĩ trên tàu một thời gian, mới thấy thấm thía câu “Tàu là nhà, biển cả là quê hương” không phải câu khẩu hiệu suông. Nó phản ánh chân thực tinh thần chung của đời sống những người lính gắn bó với con tàu. Tàu là nhà không chỉ bởi đó là nơi trú ngụ để thực hiện nhiệm vụ, mà còn bởi những người sống trên tàu gắn bó, sẻ chia với nhau như anh em ruột thịt chung một gia đình. Những vị khách trong chuyến đi thăm và chuyển hàng cho các nhà giàn DK1 đầu năm 2015 đã được hưởng chung không khí ấy. Mỗi bữa ăn, dù tàu có chuông thông báo nhưng thượng úy Võ Tánh Linh vẫn tới từng phòng hỏi thăm xem có ai say sóng, không thể ra ăn cơm. Những người mệt nhất được phục vụ cơm tận phòng, không ăn được cơm thì các anh nấu cháo, pha mì tôm.

Phải thực sự yêu thương, đoàn kết, họ mới đủ sức vượt qua những trở ngại giữa biển khơi mênh mông. Những chuyến đi dài ngày trên biển, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đều phải hết sức tiết kiệm mới đủ dùng, họ động viên nhau chắt chiu từng chút nước, chia nhau câu cá làm thực phẩm. Họ thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đời sống tình cảm của từng thành viên, nhắc đến người thân của nhau mà ngỡ như nhắc đến những người thân yêu trong gia đình. Kỷ luật trên tàu rất nghiêm, nhiệm vụ của mỗi người rất rõ ràng và không được phép lơ là, song trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn đầy cảm thông và lo lắng cho nhau. Thượng úy Nguyễn Trần Thịnh, thuyền trưởng tàu HQ621 tâm sự rất chân tình: “Mình là người chịu trách nhiệm về sự an nguy của con tàu và tất cả mọi người trên đó nên lúc nào cũng phải nghiêm khắc về kỷ luật. Nhiều lúc phải cứng rắn nhưng trong lòng rất đồng cảm với anh em. Có thể có lúc này lúc kia, song cuối cùng, vì nhiệm vụ chung, anh em chắc đều thấu hiểu”.

VIỆT HÒA


(0) Bình luận
Bài 1: "Mái nhà di động"