Minh họa: Phùng Anh Bản
Trước khi bước vào nhà hàng "Bình Giang", một nhà hàng của người Việt, tọa lạc trên đại lộ "Sông Đông" ở Mát-xcơ-va, Vinh nói với tôi: Chú cứ gọi cô ấy là Lê-na nhé.
Không hiểu cô gái Nga xinh đẹp đến đây đã lâu chưa mà xem chừng sốt ruột lắm. Ngồi bên cạnh cửa sổ nhà hàng, Lê-na luôn dõi ra ngoài, người cứ nghiêng qua nghiêng lại. Hóa ra Vinh không dẫn tôi đi theo lối chính. Cậu ta muốn làm cho Lê-na bất ngờ. Khi chúng tôi đã đứng trước mặt, Lê-na thốt lên "ôi trời" bằng tiếng Nga rất trong trẻo. Với vẻ mặt tươi tỉnh, cô gái nói một câu dài, ngữ điệu rất tình cảm, Vinh dịch lại cho tôi, đại ý là: Cuộc gặp này anh đã nói với em rồi. Chú đây, anh cũng đã giới thiệu trước rồi. Tại sao anh lại làm em lo lắng, hồi hộp. Ra thế, các cô gái ở đâu cũng có tâm lý này, không thích bị thử thách bởi chờ đợi. Chỉ sau một vài câu chào hỏi, làm quen, Lê-na đã chủ động hỏi tôi (tất nhiên là bằng tiếng Nga và Vinh là người làm nhiệm vụ chuyển ngữ liên tục): "Chú thấy Mát-xcơ-va như thế nào? Có như Hà Nội không?". Chẳng ngại ngần, tôi trả lời ngay: "Các cô gái Nga rất xinh đẹp". Lê-na cười: "Cháu biết chú muốn nói gì rồi. Nhưng mà anh Vinh cũng đẹp trai đấy chứ. Lại có lắm tài đấy chú ạ". Bạn bè Vinh nói đúng, Lê-na là cô gái chân thành, trung thực, luôn nói đúng lòng mình. Câu nói của Lê-na khác nào tự thú nhận trước khách lạ Lê-na và Vinh yêu nhau và hai người cũng rất xứng đôi. Nhìn đôi trẻ, không ai ngờ được họ đã đến với nhau rất truân chuyên. Nhất là đối với Vinh. Nhưng cũng thật lãng mạn.
***
Có lần Vinh hỏi: "Chú có biết đám ma ở nhà quê không?". Tất nhiên là tôi trả lời: "Có biết". Vinh tiếp: "Cháu từng là thành viên của ban nhạc đám ma đấy. Nhưng ăn cỗ đám ma, cháu sợ lắm. Chẳng qua vì đói khổ thôi". Và Vinh lại hỏi: "Chú đã từng phải đi làm phụ hồ, đi bán vé số dạo chưa?". Không đợi tôi trả lời, Vinh tự nói: "Cháu nói vậy để chú hình dung về cháu thôi. Trước đây nó thế đấy. Còn những người như chú thì tất nhiên chưa phải làm những việc như vậy rồi". Tôi giục: "Anh vào chủ đề chính đi, tôi đang muốn nghe đây". Vinh thủng thẳng ra vẻ chín chắn: "Chủ đề chính ấy à. Tóm lại phải trải qua nhiều cái không hiểu nổi ta mới đến cái hiểu được chú ạ". Cách đúc kết của Vinh làm cho tôi khá ngạc nhiên. Không hiểu cậu đọc lỏm, nghe lỏm ở đâu. Cũng rất có thể cuộc sống đã dạy cậu ta thế.
Học hết lớp 9, vì nhà quá nghèo, không thể học lên cấp III. Mặc dù thi đỗ, bố bắt Vinh ở nhà gia nhập ban nhạc đám ma (gọi là ban nhạc hiếu) mà bố cậu là người chủ. Công việc này vừa được ăn cỗ vừa được biếu tiền. Đối với nhà nghèo như nhà Vinh được thế là quá tốt. Vinh bảo nhà cậu ai cũng thạo đàn sáo và ca hát, hành nghề chẳng mấy khó khăn. Để có bằng tốt nghiệp cấp III, Vinh vừa phải kéo nhị, thổi sáo nhạc hiếu vừa đi học bổ túc văn hóa. Đối với Vinh, điều khổ sở không phải bước vào nghề này quá sớm so với lứa tuổi mà vì nhiều khi ở lớp học bị bọn bạn tinh nghịch hay lấy chuyện tếu do người lớn bịa ra để chế giễu sự không nghiêm túc của ban nhạc đám ma. Mỗi khi phởn lên bọn chúng lại diễn trò.
Khi máy trang âm, băng cát-xét xuất hiện, ban nhạc của bố con Vinh bị dẹp. Người ta nói máy móc không những gọn nhẹ, nghe to rõ mà nó còn không biết uống rượu, ăn cỗ, không phải phục dịch. Nó thắng ban nhạc là đúng. Mất nghề, bố Vinh vào Đắc Lắc làm rẫy thuê. Vinh chuyển sang làm nghề phụ hồ tại quê. Thoát được những màn chế giễu tinh nghịch của đám bạn học thì ngày ngày Vinh lại phải chứng kiến những việc làm khó chịu của đám phụ hồ như lấy cắp vật liệu đi bán để lấy tiền uống rượu, đánh đề, chơi phỏm. Với họ, chất lượng công trình là chuyện của người khác. Đã nhiều lần Vinh mơ thấy nhà đổ, tường sập, cậu la hoảng trong đêm. Lại có gã thợ nề thô kệch, cặp bồ với các ả lông gà, lông vịt, suốt ngày nói tục, khoe khoang chuyện đực cái. Bị chai sạn trong môi trường này, Vinh bức bối vô cùng nhưng không dám bỏ việc vì cần kiếm tiền để nuôi thân và trợ giúp gia đình. Một hôm, có người rỉ tai: Đi xuất khẩu lao động, bắt được "dây" rồi. Những năm ấy việc xuất khẩu lao động luôn được xem là cơ hội đổi đời nhưng ở nông thôn lại rất thiếu thông tin, người dân chẳng có cơ sở nào để chọn lựa. Như người chết đuối vớ được cọc, Vinh đồng ý đi ngay. Rất may, năm ấy Đắc Lắc được mùa cà phê, bố Vinh được chủ rẫy trả tiền sòng phẳng, khá hời và còn có cả tiền thưởng nữa. Toàn bộ số tiền làm giấy tờ, hộ chiếu, học tiếng, học nghề, đặt cọc, mua vé máy bay... đều do bố Vinh chu cấp. Hôm tiễn Vinh ở sân bay, bố Vinh nói: Vinh nhà ta đúng là vinh thật. Nó là người đầu tiên ở xóm nghèo quê mình được đi nước ngoài, được ngồi máy bay đấy. Chẳng biết bố Vinh nói thật hay nói đùa nhưng Vinh thì thấy xót xa, cay đắng trong lòng, chặng đường phía trước là rất mạo hiểm. Tự đáy lòng thốt lên: Tuổi thơ ơi sao lận đận thế!
Linh cảm của Vinh không sai. Vừa bước chân ra khỏi sân bay thủ đô nước người thì nhóm đi xuất khẩu lao động của Vinh biết ngay mình bị lừa. Kịch bản diễn ra đúng như người ta đã cảnh báo. Gã đưa đường vừa mới nói như đinh đóng cột trên máy bay đã biến mất theo lối nhà vệ sinh cùng giấy tờ, hộ chiếu của mọi người. Túm tụm, chờ đợi nhưng nào có ai ra đón. Không ngờ giấc mơ đổi đời đối với Vinh lại sụp đổ nhanh và hiểm đến như vậy. Không có cách gì cưu mang, quấn túm nhau, mỗi người tùy vào tài trí, may rủi mà tiến bước. Ai cũng ái ngại cho Vinh, vì cậu là người nhỏ tuổi nhất. Năm đó cậu bước sang tuổi mười chín. Hết ngày này qua ngày khác, ngày đi, đêm ngủ nơi bến xe, ga tàu điện ngầm, Vinh đã phải xin từng đồng rúp để mua bánh mì, nước uống. Cho tới một hôm, do đói và kiệt sức, Vinh thấy đường phố như đang tụt sâu xuống đáy vực, nhà cửa mờ ảo, chao đảo. Đang lúc nửa tỉnh nửa mê thì có người lay gọi: Muốn chết hay sao mà ngồi đây cả buổi rồi? Đi một đoạn đường nữa thì sống. Đi đâu chứ? - Vinh hỏi yếu ớt. Đưa cho Vinh một cái bánh mì lạnh ngắt, người ấy nói như ra lệnh: Đi theo chú, đến chợ Vòm. Chú là người Việt Nam đây. Từ lâu Vinh đã nghe nói: Đói thì ra chợ. Không ngờ, giờ đây Vinh đang được dẫn ra chợ tìm cơ hội sống sót trong tình trạng đói lả. Đến chợ Vòm, như sợ thời gian không còn cho công việc của mình, chú người Việt Nam bảo ngay: Ở đây có nhiều người Việt Nam. Cháu thử đi bán nước dạo xem. Việc này chỉ cần một ít vốn ban đầu nhưng tích cóp cũng nhanh. Cháu cứ làm đi, biết đâu vì thương người bán mà họ mua nước cho cháu. Nói xong, người ấy đưa cho Vinh hơn hai trăm rúp và bảo: Chú cho cháu, khỏi phải nghĩ ngợi. Phải tinh khôn mới sống được đấy cháu ạ. Mong được gặp lại chú người Việt tốt bụng năm nào luôn thường trực trong đáy lòng của Vinh.
Đi bán nước dạo được ba tháng thì Vinh bị bọn côn đồ đầu đen (gốc châu Á) đánh nhừ tử. Chúng bắt Vinh nộp sáu trăm đô-la và phải bỏ nghề. Mất sạch số tiền sau ba tháng tích cóp, lại phải từ bỏ việc làm, Vinh tức sôi máu. Giá như ở trong nước thì Vinh sẽ gọi bạn bè giúp sức ăn thua với chúng. Còn ở đây thì Vinh phải nhẫn nhục, tìm việc mới, gọn nhẹ, dễ tẩu thoát, Vinh tìm mối bán sim điện thoại lậu. Bán sim điện thoại được 3 tháng, Vinh lại bị một bọn côn đồ khác đuổi đánh. Nguyên nhân vẫn là do Vinh xâm phạm địa bàn làm ăn của bọn chúng, chưa biết "làm luật". Phát hiện bọn đang truy đuổi mình là du côn tóc vàng, Vinh tìm cách chạy vào dãy hàng của người Nga để trốn. Vinh nghĩ chỉ có họ mới cứu mạng sống cho cậu được. Khi Vinh vừa chạy lọt vào gian hàng thì có một thanh niên mặc sắc phục cảnh sát Nga đứng bật dậy và quát: Dừng lại. Như chạm phải vía, bọn côn đồ lẩn nhanh vào chợ. Từ đó, Vinh hay qua lại, chào hỏi bà chủ sốp bán hàng lưu niệm. Bà có khuôn mặt thật phúc hậu, giàu có nhưng không lạnh lùng. Tuy mới sống ở chợ Vòm được hơn nửa năm nhưng Vinh đã gây được sự thiện cảm của nhiều người vì cậu sống chân thành, đàng hoàng, hay chủ động giúp đỡ người khác những công việc ở chợ, kể cả kéo rác làm sạch nơi bán hàng. Vinh học và sử dụng tiếng Nga khá tốt, Vinh hay bắt chuyện với họ, nhất là những người đáng tuổi mẹ, tuổi chị. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu sau khi bị côn đồ tóc vàng đuổi đánh, Vinh biết được người thanh niên mặc sắc phục cảnh sát Nga là con trai bà chủ sốp, tên là Xéc-gây. Anh vừa học xong, mới ra nhận công tác. Hôm ấy anh đang chọn đồ lưu niệm tặng đồng nghiệp nơi anh mới được nhận vào làm việc. Ngoài Xéc-gây, bà chủ sốp còn có một cô con gái tên là Lê-na, càng lớn càng xinh đẹp, đang học năm cuối bậc học phổ thông.
Hôm ấy, không hiểu sao, sau khi gọi Vinh đến để mua sim điện thoại, bà chủ sốp còn chủ động bắt chuyện. Bà hỏi: Cháu nhớ mẹ không? Vinh trả lời trong xúc động: Cháu nhớ mẹ cháu lắm bác ạ. Ồ cháu, người con Việt Nam thì nhớ mẹ như thế nào nhỉ? Cháu như luôn thấy mẹ cháu dõi theo cháu, mẹ hay sờ lên trán cháu, ôm cháu vào lòng rồi hỏi: Người ta đánh con có đau lắm không. Có lẽ mẹ cháu mơ thấy cháu bị người ta đuổi đánh, bác nhỉ? Thế, chắc cháu chỉ muốn về với mẹ thôi? Dạ đúng. Ở lại đây nữa thì sao? Cháu sợ có ngày người ta đánh cháu chết mất, không được nhìn thấy bố mẹ cháu nữa. Quả thật, khi nói tới đây Vinh đã muốn òa khóc. Nhưng tiếng khóc nghẹn ngào thì lại thật sự bật lên ở phía sau bức màn. Như biết điều gì đã xảy ra, bà chủ sốp nhẹ nhàng kéo bức màn, một cô gái bước ra, cô nói: Vinh, anh khổ quá. Nhưng mẹ, sao mẹ không bảo Xéc-gây giúp anh ấy. Bây giờ thì Xéc-gây có thể làm được việc đó rồi mà. Buổi đầu họ biết nhau, cảm nhau và đến với nhau theo cái cách như vậy.
Sau một thời gian quan hệ khá thân mật, do biết Vinh chơi ghi - ta tốt, hát hay cả bài hát Nga và bài hát Việt, một hôm, khi đang cùng nhau dạo chơi trước sân nhà thờ Đấng chúa Cứu thế, Lê-na gợi ý: Anh nên tham gia một ban nhạc để vừa có thu nhập vừa có vị trí trong xã hội, cộng đồng. Nghề bán sim điện thoại lậu này dù anh có núp bóng của ai, trước sau cũng bị xóa sổ. Vinh trố mắt: Cô sinh viên ơi, anh quen biết ban nhạc nào đâu. Cỡ anh làm gì người ta nhận. Lê-na nói chắc chắn: Anh khiêm tốn quá rồi. Anh không thấy mỗi lần chúng mình đi hát với nhau, anh đã làm cho bao cô gái chết mệt đấy thôi. Xéc-gây có thể giúp anh được. Lại Xéc-gây, Vinh xen vào. Lê-na tiếp tục: Thật mà, trước khi trở thành cảnh sát, anh ấy đã từng là thành viên của ban nhạc này. Xéc-gây cũng chơi ghi - ta khá hay đấy. Từ ban nhạc đám hiếu đến ban nhạc thời thượng, như từ ngòi ra sông, ra biển, Vinh thể hiện khả năng của mình với sự nỗ lực bốc lửa, tiến bộ qua từng đêm diễn. Chính cậu cũng không ngờ. Cả Xéc-gây và Lê-na đều rất hài lòng. Năng khiểu bẩm sinh thật là quan trọng. Và hơn thế, "Thế Vinh" đã trở thành thương hiệu trong ban nhạc - ca sĩ Thế Vinh, tay ghi - ta Thế Vinh. Một hôm, khi đón Vinh từ sân khấu về căn hộ do Vinh mới tậu, Lê-na nói: Mình nghỉ ca hát thôi anh ạ. Như thế đủ rồi. Nhiều tiền nhưng sẽ sinh lắm chuyện. Cũng như Xéc-gây ấy, dừng hát, tìm việc mới. Đoán biết Lê-na đang dẫn mình đi tới đâu, Vinh nhẹ nhàng hỏi: Anh biết học nghề gì, học ra thì ai nhận mình đi làm, trả lương cho mình. Vì việc làm mà anh phiêu bạt từ Việt Nam sang đây và hiện đang làm bận lòng em. Mình đang có việc làm tốt, thu nhập lại cao, dại gì lại bỏ. Cứ tưởng là Vinh đã ra đề một bài toán khó, ai ngờ Lê-na nói ngon lành: Anh sẽ đi học nghề chế tác đồ lưu niệm, sau đó trở về quản lý xưởng làm đồ lưu niệm của nhà mình. Bác quản lý hiện nay sẽ nghỉ việc vào hai năm tới. Cho đến lúc ấy Vinh mới biết gia đình Lê-na không chỉ có sốp bán hàng mà còn có xưởng làm đồ lưu niệm nữa. Gia đình đang tính tới chuyện nâng cao chất lượng quản lý, mở rộng quy mô sản xuất.
Hóa ra cái cách khái quát: phải trải qua nhiều cái không hiểu nổi ta mới tới cái hiểu được là do Vinh đã nghiệm ra từ sự từng trải của chính mình.
***
Trên chuyến bay từ Mát-xcơ-va về Hà Nội vào dịp Quốc khánh 2-9, cùng đi với đoàn công tác báo chí của chúng tôi còn có Vinh và Lê-na. Đây là lần đầu tiên Lê-na về Việt Nam, cũng là lần ra mắt bố mẹ chồng sắp cưới sau khi cô vừa tốt nghiệp đại học. Vinh thì cũng đã yên vị vai trò Giám đốc Công ty chế tác đồ lưu niệm của gia đình.
Khi màu bạch dương khuất dần dưới cánh máy bay, tôi hỏi Lê-na:
- Cháu nghĩ gì về cây bạch dương?
- Nó vô tận, mênh mông cùng nước Nga, chú ạ.
- Sao cháu lại xa rừng bạch dương nhỉ?
- Cháu đâu có xa. Nhưng cháu đã có một cây bạch dương để núp bóng. Cây bạch dương ấy đang bên cạnh cháu đây này. Ông giám đốc đấy chú ạ.
Vinh và Lê-na tựa vào nhau cười rạng rỡ, mãn nguyện. Tôi có cảm giác máy bay đang bay trong bầu trời hạnh phúc.
Tháng 3 - 2011
Truyện ngắn của THÁI BÁ LÝ