bac-si-tram-y-te.jpg

Công việc lặng thầm, chịu nhiều áp lực nhưng những bác sĩ trạm y tế ở Hải Dương vẫn miệt mài cống hiến, nỗ lực góp sức để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

bac-si-tram-y-te1.png

Bác sĩ Nguyễn Thị Then, sinh năm 1971 đã gắn bó với Trạm Y tế xã Tân Phong (Ninh Giang) 36 năm. Chừng ấy thời gian đủ để bác sĩ Then thấm thía, chiêm nghiệm những buồn vui của nghề tại tuyến y tế cơ sở.

Để trở thành bác sĩ, bà Then phải trải qua quá trình vừa học, vừa làm vất vả, gian nan. Từ nữ hộ sinh đến y sĩ sản nhi rồi theo học tại Đại học Y Hải Phòng, bà Then thành bác sĩ đa khoa ở tuổi hơn 40. Nhìn lại chặng đường bền bỉ bám trụ với nghề y, bác sĩ Then không khỏi tự hào. Bà kể bây giờ mạng lưới y tế phát triển, người dân có nhiều lựa chọn tốt hơn để chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người làm ở trạm y tế nhàn nhã hơn. Đại dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất về vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở.

bac-si-tram-y-te-xa1.png
Bác sĩ Then đã gắn bó với Trạm Y tế xã Tân Phong (Ninh Giang) 36 năm

Xã Tân Phong là địa phương bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên của huyện Ninh Giang. Là trạm trưởng, bác sĩ Then cùng anh em trong trạm gồng mình chống dịch. Có thời điểm 3 ngày liên tiếp không được chợp mắt, có những lúc hoang mang song bản lĩnh người thầy thuốc không cho phép họ được buông xuôi. Đại dịch qua đi cũng là lúc y tế dự phòng ở cơ sở được thắt chặt.

Địa bàn Tân Phong đông dân nên việc rà soát, thống kê, tính toán nhân khẩu rồi tuyên truyền, vận động, triển khai tiêm chủng cũng vất vả, bộn bề hơn. “Đâu chỉ có tiêm chủng mở rộng, còn cả công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý bệnh không lây nhiễm, vệ sinh môi trường… Nhiều đầu việc mà trạm chỉ có 7 người nên kể cả là bác sĩ hay trạm trưởng cũng phải xắn tay, xông xáo mà làm”, bác sĩ Then cười nói.

bac-si-tram-y-te-xa2.png
Với nữ bác sĩ làm việc ở trạm y tế công việc cũng áp lực và nặng nề hơn

Bác sĩ Then có nhiều kỷ niệm với nghề. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ và đáng trân trọng. Khi còn là nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi, có ngày bà Then phải đỡ đẻ cho 4 - 5 ca, dù mệt nhưng vui. Hay khi đã là bác sĩ, bà cũng phải đối phó với nhiều trường hợp dở khóc, dở cười khi bệnh nhân say xỉn chửi bới, la hét hoặc những tình huống căng thẳng, nguy cấp khi người bệnh có biểu hiện bất thường, trẻ em tiêm phòng bị sốc phản vệ.

Rồi những ca trực kéo dài 24 giờ với nữ bác sĩ cũng nhọc nhằn hơn. Gần đây, khi có chủ trương chuyển đổi số y tế, dù đã có tuổi song bà Then vẫn chủ động thích ứng để tạo thuận lợi trong quản lý. “Điều tôi thấy hãnh diện nhất là đã truyền tình yêu nghề cho con cái. Hiện 2 con gái của tôi đều theo nghề y”, bà Then tự hào khoe.

bac-si-then.jpg

Là bác sĩ trẻ công tác tại tuyến cơ sở nên anh Hoàng Văn Tú, sinh năm 1991, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) vẫn còn nhiều đắn đo, lo ngại. Trước đây, anh Tú công tác tại Trạm Y tế xã Cẩm Văn, khi được điều chuyển về thị trấn, dù cùng cấp nhưng anh cũng thấy rõ sự khác biệt.

Thị trấn Lai Cách phát triển, nhiều phòng khám tư nhân nên người dân có thêm nhiều lựa chọn. Vì thế, nghiệp vụ của bác sĩ cũng có phần hạn chế hơn. Tuy vậy, dân số của thị trấn đông gấp đôi địa bàn xã nên công tác y tế dự phòng, quản lý bệnh không truyền nhiễm, công tác dân số… cũng áp lực, vất vả hơn.

bac-si-tram-y-te-xa3.png
Bác sĩ Tú luôn cần mẫn với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân thị trấn Lai Cách

Bác sĩ Tú làm việc ở Trạm Y tế thị trấn Lai Cách được hơn 8 năm. Cơ sở hạ tầng của trạm vừa được đầu tư, nâng cấp nên khang trang, sạch đẹp. Hằng ngày, anh Tú làm nhiệm vụ thăm khám sức khỏe cho bà con. Dù lượng người tới khám dịch vụ rất ít ỏi, đôi lúc bản thân bác sĩ cũng thấy chạnh lòng song anh Tú vẫn luôn vui vẻ, cần mẫn với công việc.

“Công việc của bác sĩ đặc thù. Dù học hành, tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ thuật mới nhưng nếu ít có điều kiện thực hành cũng dễ bị cùn mòn. Thế nhưng, không vì thế mà bác sĩ ở trạm y tế cảm thấy thiệt thòi. Dù ở tuyến nào, cơ sở nào thì nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu”, bác sĩ Tú quả quyết nói.

bac-si-tu(1).jpg

Mang trong mình nhiều nhiệt huyết, bác sĩ Tú mong muốn trạm y tế sẽ được quan tâm hơn nữa để phát huy vai trò của tuyến gần dân nhất. Tại đây, người dân sẽ được sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe để có biện pháp điều trị hiệu quả, kịp thời. Từ đó, giảm áp lực trong khám chữa bệnh cho tuyến trên.

bac-si-tram-y-te2.png

Dù là ngày cuối tuần song Trạm Y tế xã Tiên Động (Tứ Kỳ) vẫn tất bật, nhộn nhịp. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trạm bố trí nhân lực như ngày thường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Biên Thùy (sinh năm 1982) luôn chân, luôn tay thăm khám rồi theo dõi bệnh nhân phải truyền nước. Thỉnh thoảng, chị Thùy lại ngồi vào bàn làm việc tra cứu, kiểm tra số liệu để đánh giá tình hình, diễn biến bệnh truyền nhiễm đang xảy ra trên địa bàn. Công việc bận rộn nhưng vẻ tươi tắn luôn thường trực trên khuôn mặt của chị. Vì thế, chị Thuỳ được người dân yêu mến, tin tưởng. Không chỉ người dân trong xã mà cả địa phương lân cận cũng tới Trạm Y tế xã Tiên Động khám, chữa bệnh.

Trạm Y tế xã Tiên Động tương đối xa trung tâm, trụ sở được xây dựng từ năm 1976 nên cũ kỹ, chật hẹp. Song không vì thế mà trạm thưa vắng người tới khám chữa bệnh. Bác sĩ Thuỳ chia sẻ: “Chính vì ở xa nên trạm y tế càng phải chu đáo, tận tình để người dân không phải vất vả đi lại”.

bac-si-tram-y-te-xa4(1).png
Bác sĩ Thuỳ luôn tận tâm chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân

Dù cơ sở vật chất vẫn còn khiêm tốn nhưng hoạt động chuyên môn ở Trạm Y tế xã Tiên Động lại rất hiệu quả. Mỗi tháng, trạm thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 500 lượt bệnh nhân và khám dịch vụ cho từ 200 - 300 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, khám chữa bệnh đông y tại trạm được triển khai hiệu quả. Trong khi không phải trạm y tế nào trong tỉnh cũng làm được. Kết quả này là cả quá trình nỗ lực của lãnh đạo, nhân viên Trạm Y tế xã Tiên Động cũng như cố gắng không biết mệt mỏi của bác sĩ Thuỳ, người giữ vị trí trạm trưởng.

Trong câu chuyện nghề mà bác sĩ Thuỳ say sưa kể, có lẽ ước muốn của chị chính là điều mà mọi người phải khâm phục và yêu mến. Tuổi nghề của bác sĩ Thuỳ không phải ngắn nhưng thời gian phấn đấu vẫn còn dài. Thế nhưng bác sĩ Thuỳ chỉ có nguyện vọng được học lên chứ không muốn chuyển công tác lên tuyến trên. “Dẫu biết lên trên sẽ có nhiều cơ hội song tôi chỉ muốn gắn bó với cơ sở. Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân luôn là mong ước và đam mê của tôi”, bác sĩ Thuỳ chia sẻ.

bac-si-thuy.jpg

Ở tuyến cơ sở, gần gũi và sâu sát với người dân nhất, những bác sĩ trạm y tế không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh mà còn quán xuyến, gánh vác những phần việc về y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi…

Khối lượng công việc nặng nề nhưng họ vẫn không quản ngại, nản lòng. Dẫu ở đâu đó vẫn còn có những nhận xét, cái nhìn chưa thấu đáo, có phần chưa xem trọng về trạm y tế, bác sĩ làm việc ở trạm, song vai trò của y tế tuyến cơ sở là không thể phủ nhận và cần được quan tâm hơn nữa.

bac-si-tram-y-te-xa5.jpg
Bác sĩ trạm y tế không chỉ đơn thuần khám chữa bệnh mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ, phần việc khác

Bà Đoàn Thị Lộc, 69 tuổi ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) thường xuyên tới Trạm Y tế xã Tiên Động thăm khám. Bà cho biết bản thân tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền nên phải theo dõi sức khoẻ sát sao. Dù vậy, không phải lúc nào con cháu cũng có thời gian đưa đi khám tại bệnh viện. Vì thế, bà thường chủ động tới trạm y tế khám, chữa bệnh. Tới nhiều lần, bà Lộc cảm thấy an tâm, tin tưởng vào bác sĩ và nhân viên tại trạm. Bà Lộc quả quyết nói: “Tôi luôn đặt niềm tin vào bác sĩ và nhân viên ở Trạm Y tế xã. Không nhất thiết cứ phải lên tuyến trên mới được chăm sóc, phục vụ tốt”.

ba-loc.jpg

Hải Dương hiện có 207 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tỷ lệ bác sĩ làm việc tại trạm đạt gần 97%, cao hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ đạt cao do tỉnh thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, triển khai chính sách đãi ngộ phù hợp cho bác sĩ công tác tại tuyến cơ sở và luân chuyển bác sĩ tuyến trên.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Cảnh, Giám đốc Sở Y tế khẳng định bác sĩ ở các trạm y tế có vai trò quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Tỉnh đã dành sự quan tâm, động viên thoả đáng tới đội ngũ bác sĩ làm việc tại trạm y tế khi ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ. Đồng thời ưu tiên đầu tư cơ cở hạ tầng cho các trạm y tế, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để bác sĩ tuyến cơ sở được phát huy chuyên môn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở.

tran-quang-canh.jpg

Thời gian tới, khi mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, già hoá dân số ngày càng gia tăng thì vai trò của y tế cơ sở cũng như bác sĩ làm việc tại trạm y tế sẽ càng được đề cao. Song dù ở vị trí hay nhiệm vụ nào thì những chiến sĩ áo trắng luôn tận tuỵ vì sức khoẻ, tính mạng người dân xứng đáng được tôn vinh và ngợi ca.

Thực hiện: NGUYỄN MƠ

Trình bày, ảnh: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ trạm y tế kể chuyện nghề