Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) được ví như "con rồng vàng" làm trỗi dậy sự sống của cả một vùng châu thổ rộng lớn.
>>Bắc Hưng Hải - công trình thế kỷ. Bài 1: Đại công trường
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đóng vai trò quan trọng với sản xuất nông nghiệp của Hải Dương. Trong ảnh: khu vực điều hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở trạm bơm My Động (Thanh Miện)
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những lợi ích mà hệ thống này mang lại đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị và khó có thể thay thế.
Nông nghiệp đổi thay
Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Tạ Duy Đằng ở thôn Hà Chợ, xã Thái Dương (Bình Giang) vẫn nhớ như in những đổi thay to lớn trong sản xuất và cuộc sống của người dân địa phương từ khi hệ thống BHH được đưa vào khai thác, sử dụng. "Giờ nghĩ tôi vẫn còn cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhớ về thời điểm công trình BHH bắt đầu dẫn nước về đồng. Thời khắc ấy chính là khởi đầu cho cuộc sống mới ấm no và tốt đẹp hơn trên quê hương", ông Đằng nhớ lại.
Từ khi hệ thống thủy lợi BHH được xây dựng, con người làm chủ được dòng chảy, diện mạo nhiều làng quê đã đổi khác. Công trình đã mang dòng nước phù sa sông Hồng tưới mát cho những cánh đồng thường xuyên khô hạn ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng. Và cũng nhờ vào sự điều tiết chủ động của cả hệ thống mà triều cường gây ngập úng không còn đe dọa các vùng trũng thấp tại các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ. Không còn lo sợ bị thiệt hại do thiên tai, người dân tích cực tăng gia sản xuất để thóc lúa đầy kho, cơn đói giáp hạt cũng vơi dần. Khí thế sản xuất những năm 70 và 80 của thế kỷXX ở lưu vực của hệ thống BHH cũng sôi nổi không kém thời kỳ xây dựng công trình mà ông Đằng từng tham gia.
Là thành viên của đơn vị anh hùng trạm bơm Cầu Ghẽ (Cẩm Giàng), bản thân được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc vì những đóng góp cho hệ thống thuỷ lợi BHH, bà Trần Thị Xuân Đào, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương là người hiểu rất rõ vai trò của công trình này đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong 10 năm (1973-1983) làm nhiệm vụ quản lý tưới cho hệ thống BHH, bà Đào chứng kiến những chuyển biến rõ rệt của sản xuất nông nghiệp tại những khu vực nằm trong hệ thống. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu nên nước tưới được điều tiết hợp lý giữa các vùng, không còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như trước. “Việc chủ động điều tiết nước đã góp phần hình thành những mô hình phát triển nông nghiệp mới cho giá trị kinh tế cao. Đây cũng chính là nền tảng để cải tiến kỹ thuật sản xuất. Phương thức gieo thẳng trong thâm canh cây lúa của nông dân Cẩm Giàng cũng xuất phát từ đó”, bà Đào kể lại.
Hệ thống BHH đã tạo ra bước phát triển lớn cho 7 huyện, thành phố của Hải Dương. Nhờ có hệ thống BHH phục vụ tưới tiêu mà các địa phương thường xuyên mất mùa, đói kém trước kia trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực. Trước đây, năng suất lúa ở khu vực tây nam của tỉnh chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha/năm, nhưng từ khi có hệ thống BHH, chủ động được việc tưới, tiêu, năng suất không ngừng tăng cao. Nhiều địa phương như Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện là những điển hình trong thâm canh lúa của tỉnh với năng suất hiện nay đã đạt hơn 12 tấn/ha/năm. Nông dân các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ tích cực thâm canh rau màu và chuyển hướng nuôi thủy sản ở vùng đất trũng.
Đến nay, dù điều kiện canh tác cũng đã thay đổi nhưng hệ thống thủy lợi BHH vẫn giữ vai trò và vị trí quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tại Hải Dương, các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang và TP Hải Dương lấy nước chủ yếu từ hệ thống BHH để phục vụ sản xuất. Còn 2 huyện Bình Giang và Gia Lộc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước này. Mọi biến động trong điều hành hệ thống sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất của các địa phương nói trên. Theo ông Đào Văn Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang, do hệ thống thủy lợi BHH được vận hành chủ động nên việc điều tiết nước sẽ theo yêu cầu của thực tế. Vì vậy, nông dân yên tâm hơn trong sản xuất, ít phải lo thiếu hay thừa nước tưới. Mặt khác, khi nguồn nước bị ô nhiễm thì cũng có thể can thiệp để khắc phục.
Trên địa bàn Hải Dương, hệ thống thủy lợi BHH được kết nối từ các con sông nội đồng thông qua các công trình đầu mối. Do đó, mực nước trong hệ thống luôn ổn định, ít chịu tác động của sông ngoài mà chủ yếu thay đổi dựa trên thực tế sản xuất. Vì thế, sản xuất nông nghiệp ở lưu vực BHH sẽ an toàn và ít nguy cơ bị thiệt hại hơn. Vì lý do này mà phát triển nông nghiệp ở các địa phương khu vực BHH có phần khởi sắc hơn. Song hành với nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống kênh, bờ kênh BHH đã tạo thành mạng lưới giao thông thủy, bộ thuận lợi, góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: “Nhờ hệ thống thủy lợi BHH mà sản xuất nông nghiệp tại 7 huyện, thành phố trong tỉnh có những bước tiến dài. Hệ thống tạo nguồn cấp nước phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Nguồn nước tưới, tiêu bảo đảm nên năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao. Nông dân nhiều nơi chủ động tăng hệ số quay vòng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng những vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao. Đây chính là hiệu quả to lớn và bền vững nhất mà hệ thống BHH mang lại”.
NGUYỄN MƠ