Bác Hồ nói về vai trò người thầy giáo

20/11/2011 07:04

Tư tưởng đó ở Bác Hồ có lẽ được bắt nguồn từ truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam ta từ bao đời nay.



Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở khu Lương Yên, Hà Nội (27-3-1956)

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo, thấy nổi lên vấn đề được Người đặc biệt quan tâm là vai trò người thầy giáo. Tư tưởng đó ở Bác Hồ có lẽ được bắt nguồn từ truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam ta từ bao đời nay.

Người thầy giáo luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục, và cũng đồng thời là quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Vì thế, bên cạnh dạy chữ thì việc quan trọng nữa của người thầy giáo được gia đình và xã hội tin cậy giao cho trực tiếp gánh vác công việc nặng nề và vẻ vang là trồng người. Mà trong công việc nặng nề và vẻ vang ấy, đúng như câu thành ngữ: thầy nào trò ấy - thầy giỏi thì trò giỏi, và ngược lại. Thế nên, ngay từ năm 1958, nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền Bắc tại lớp học chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ và chỉ rõ vai trò của người thầy giáo là: "Đào tạo thế hệ tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân và cán bộ tốt cho nước nhà". Bác Hồ cũng khẳng định rõ vị trí của người thầy giáo là trồng người trong câu nói nổi tiếng của Bác: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò của người thầy giáo, gọi thầy giáo là “người vẻ vang nhất”, “người anh hùng vô danh”: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang". Vai trò của người thầy giáo quan trọng như thế, cho nên Bác nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học, về người thầy giáo: "Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa". Thật không còn sự đánh giá, sự nhắc nhở nào hơn thế.

Trong khi đánh giá cao vai trò người thầy giáo, Bác Hồ cũng đòi hỏi ở mỗi giáo viên phải làm sao để: "Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo". Bởi vì, dưới chế độ ta, người thầy giáo cũng là "đầy tớ của dân", "công bộc của dân" như bao cán bộ, viên chức Nhà nước, chứ hoàn toàn không phải chỉ biết làm công ăn lương, càng không thể chỉ "ba cọc ba đồng", và lại càng không thể như kẻ ban ơn cho người khác mà kể công, mà đòi hỏi này khác, như dưới chế độ thực dân, phong kiến xưa: "Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành". Muốn thay đổi quan niệm dạy, dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận gắn với thực tế, Bác Hồ khẳng định nghề giáo cũng là lao động trí óc. Từ đó, Người đòi hỏi: "Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm". Có trao đổi, đúc kết kinh nghiệm giảng dạy và học tập thì mới cải tiến được phương pháp dạy và học đạt hiệu qủa cao hơn, bởi vì, dạy chữ, dạy người chính là nhiệm vụ số một của người thầy giáo. Vì thế, Bác Hồ luôn quan tâm nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo hết sức chú trọng đến phương pháp dạy: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh". Muốn làm được như thế, Bác Hồ khuyên ngành giáo dục nói chung và mỗi trường học nói riêng cần tổ chức phong trào thi đua yêu nước để các thầy giáo, cô giáo đua nhau thể hiện tài năng, đạo đức của mình trong việc dạy chữ, dạy người: "Trong một trường học các thầy nên thi đua tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực". Trong khi thi đua tìm cách dạy tốt, thì mỗi giáo viên không quên xây dựng mối quan hệ khăng khít với đồng chí, đồng nghiệp và cả học trò của mình, như lời Bác dạy: "Xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ".

Để hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm căn dặn người thầy giáo phải hết sức chú trọng rèn luyện đạo đức, chứ không thể chỉ rèn tài, vì đức mới là cái gốc. Người giải thích rất rõ mối quan hệ đức- tài với các thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964: "Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng". Lại nhớ đến câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", càng thêm hiểu các bậc tiền nhân rất coi trọng cái đức của con người. Trong cái đức của nhà giáo thì lòng yêu nghề, yêu trò, "tử vì nghệ" là điều được Bác rất quan tâm, Người khuyên: "Thầy cũng như trò, phải thật thà yêu nghề mình". Vì chỉ có yêu nghề, say mê với nghề, chứ không vì một động cơ vụ lợi nghề, thì người giáo viên mới làm được điều Bác Hồ hằng mong ở mỗi giáo viên: "Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo". Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức và tài năng là một yêu cầu thường xuyên, bắt buộc đối với mỗi nguời thầy giáo, bởi họ không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, mà dạy người thì không thể không trọng cái đức là hàng đầu. Vì thế, người thầy giáo rất cần rèn luyện, tu dưỡng tài năng, đức độ và bản lĩnh nghề nghiệp để có được cái "chí khí cao thượng", như Bác Hồ dạy: "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng". Đạo đức cách mạng là lẽ sống của mỗi người chúng ta, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, và dĩ nhiên nhà giáo không là ngoại lệ. Dưới chế độ ta, tuyệt đại bộ phận giáo viên là viên chức nhà nước "công bộc của dân", "đầy tớ của dân", nên đòi hỏi nhà giáo cũng phải như mọi viên chức nhà nước, phải có đạo đức cách mạng "tiên ưu hậu lạc". Những lời dạy quý báu đó của Bác Hồ cách đây mấy chục năm, bây giờ đọc lại vẫn rất hữu ích, rất thời sự với mỗi người, trước hết là các nhà giáo và ngành giáo dục - đào tạo.

Quan niệm của Bác Hồ về người thầy giáo là kết tinh truyền thống đạo lý "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "tôn sư trọng đạo" từ bao đời nay của nhân dân ta. Ngày nay, Bác Hồ đã đi xa, nhớ Bác, nhớ người đồng nghiệp - nhà giáo Nguyễn Tất Thành, không gì hơn với các nhà giáo là ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo", và xứng với danh hiệu Người tuyên dương: "Anh hùng vô danh".


CAO NĂM 

(0) Bình luận
Bác Hồ nói về vai trò người thầy giáo