Bác Hồ là vị lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người khơi nguồn và chỉ đạo báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8-9-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ
Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Người rất coi trọng vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, với mục đích làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ những người yêu nước trong cuộc đấu tranh cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, tự do của nhân dân.
Ngày 21-6-1925, báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cách mạng ở trong nước dùng tờ báo này để tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng, làm cầu nối truyền ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác về cho dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, với gần 200 bút danh… Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo, trong đó có cách viết, cách nói.
Sở dĩ Hồ Chí Minh hết sức chú trọng đến cách nói và cách viết vì đó là công cụ để biểu đạt tư duy, quan điểm và tình cảm của con người với nhau. Quan điểm của Người về phong cách người làm báo rất sáng rõ. Trước khi nói về cách làm báo và viết báo, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tư cách của người làm báo, coi người làm báo là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận báo chí. Người luôn đặt ra những câu hỏi cụ thể: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?
Như vậy, Người đã nói một cách trực tiếp, dễ hiểu về mục đích, đối tượng phục vụ, nội dung và phương pháp làm báo. Người còn chỉ cho các nhà báo thấy rõ phải thường xuyên học tập, suốt đời rèn luyện không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Là vị lãnh tụ uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, Người lại am hiểu nhiều nền văn hóa và dày dạn kinh nghiệm nên đã in đậm dấu ấn tốt đẹp trong các tác phẩm báo chí của mình. Nhà báo lão thành Phan Quang nhận xét: “Bác đã thể hiện bằng Pháp văn rất nhuần nhị, trí tuệ và hiện đại. Qua tiếng Pháp, những áng văn chính luận khúc triết, những truyện ký tài hoa, những tiểu phẩm sắc sảo, pha chút hài hước làm say mê lòng người”. Khi đọc Bác Hồ, nhà văn Hoài Thanh viết: "Có một điều lạ hết sức. Tôi cứ nghĩ không biết làm sao, mà giữa bao nhiêu công việc bề bộn, Bác lại có thể viết được nhiều như vậy. Những anh chị em còn trai tráng và chuyên nghề viết, cũng ít người viết được như thế. Chưa nói gì khác, riêng cái khối lượng sức lao động đó cũng là một bài học lớn đối với chúng ta. Nhưng chuyên cần mà không vất vả. Sự làm việc chuyên cần hình như đã biến thành một điệu sống tự nhiên. Câu văn của Bác không lúc nào thấy khắc khổ. Nó không khô khan mà còn chứa chan tình cảm".
Một câu chuyện còn lưu lại rằng, có lần nhà báo Pháp tên là Sác - lơ, gửi bài đến xin ý kiến của Bác. Ông ta viết: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn”. Bác xem và gạch các từ “không có”, “không thể”, “đi đến”, thay vào các từ khẳng định “chỉ có”, “có thể”, “được” và đoạn văn trên được sửa lại thành “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đảm bảo cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”. Rõ ràng, với cách sửa chữa của Bác, đoạn văn sáng sủa và nâng tầm hẳn lên.
Với quan niệm báo chí là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói thêm: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Đã là nhà báo - chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ thì phải làm thức tỉnh và động viên nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi đã có chính quyền thì động viên sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới. Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (ngày 8-9-1962), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để “lưu danh thiên cổ”, “muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”. Cũng tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nhận xét rằng ưu điểm thì cũng còn nhiều, và một trong những khuyết điểm đó là “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”. Bác căn dặn: “…tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Ở Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, … cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động”. Bác còn nói: “Báo chí của ta đã có một vị trí quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất am hiểu sức mạnh của ngôn từ và sự tác động của nó vào đời sống tinh thần, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Người từng nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng, với giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. Người cũng nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các nhà báo phải sử dụng đúng sức mạnh của ngòi bút, ngôn từ để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Người cũng đã nhiều lần chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số quần chúng, một tờ báo không được đa số ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: nội dung - tức là các bài viết - phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và hình thức - tức cách sắp đặt các bài, cách in - phải sạch sẽ sáng sủa”. Với tư cách là một nhà báo lỗi lạc, dày dạn kinh nghiệm và đức tính khiêm tốn, Bác đã truyền đạt cho những người viết báo một cách đơn giản, dễ hiểu: “Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, cho mình là “tuyệt” rồi. Tự ái là tự phụ, mà tự phụ là “kẻ địch” ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”. Đó là bài học lớn cho những người làm báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất của báo chí cách mạng là ngoài tính chiến đấu, tính khoa học, tính giai cấp, tính chân thực, khách quan, còn phải được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, đại chúng, sinh động để báo chí làm tròn nhiệm vụ mà Lênin từng chỉ rõ: “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức và giáo dục tập thể” để “đa số những người bị bóc lột, bị áp bức ghê gớm của chủ nghĩa tư bản trên thế giới cũng có thể hiểu được”. Vì vậy, Hồ Chí Minh khuyên các nhà báo: “Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ”.
Nhà văn hoá Hà Huy Giáp viết: "Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lênin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được".
Tìm hiểu những điều Bác dạy, những người làm báo phải luôn ý thức được “báo chí ta phải phục vụ công - nông - binh, phục vụ quần chúng. Làm sao để tờ báo, tạp chí, sách đến được từng người, từng nhà, nhân dân ta, kiều bào ta và bạn bè thế giới. Đồng thời làm sao để quần chúng tự nguyện, tự giác đến với báo chí nhiều nhất”. Đó là nguyên lý của báo chí cách mạng. Vì thế, phải “nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết, vẽ dễ hiểu, phổ thông, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang các trang khác, đặc biệt phải viết ngắn vì đồng bào không có thì giờ đọc dài, người lính không cho phép xem lâu”.
Những lời căn dặn của Người về báo chí và những bài học kinh nghiệm về cách nói, cách viết báo càng suy ngẫm, càng soi rọi vào thực tiễn càng thấy vẫn nguyên giá trị đối với các thế hệ làm báo ở nước ta hôm nay và mai sau.
Bác Hồ là người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam. Người không chỉ là một nhà báo tài ba mà còn là người thầy với những lời dạy làm kim chỉ nam cho những người làm báo cách mạng.NGUYỄN VĂN THANH