Với số mẫu phát hiện còn ít nên người tiêu dùng ở tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể tạm yên tâm đối với thịt lợn.
Người tiêu dùng nên lựa chọn thịt lợn có mỡ dày, thớ cứng
Cục phó Cục Chăn nuôi khẳng định, với số mẫu phát hiện còn ít (có 3 địa phương có kết quả dương tính với chất tạo nạc giả) nên người tiêu dùng ở tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể tạm yên tâm đối với thịt lợn.
Cuối cùng, kết quả xét nghiệm trên 90 mẫu thịt lợn và thức ăn chăn nuôi tại 15 tỉnh ở phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ cũng đã được Bộ NN&PTNT công bố.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, trong 90 mẫu được kiểm tra có 3 địa phương có kết quả dương tính với chất tạo nạc giả thuộc vào nhóm chất bị cấm - beta-agonist (ractopamine, clenbuterol, salbutamol) tại mẫu thức ăn chăn nuôi và trên lợn. Cụ thể, tỉnh Hòa Bình có 1 mẫu, Hải Dương 2 mẫu và Bắc Ninh có 3 mẫu dương tính với nhóm chất bị cấm. Tuy nhiên, theo ông Dương, sang tuần tới cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý sai phạm nên tạm thời chưa thể công bố danh tính các nơi vi phạm và loại thức ăn có trộn lẫn chất cấm.
Ông Dương khẳng định, các hộ chăn nuôi vi phạm và công ty sản xuất thức ăn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai để làm gương.
Ông Dương khẳng định, với số mẫu phát hiện còn ít nên người tiêu dùng ở tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể tạm yên tâm đối với thịt lợn. “Đã phát hiện được mẫu dương tính thì nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất dễ xảy ra nên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại”. Ông Dương cũng lo ngại, do giá thịt lợn ở phía Bắc cao hơn so với các tỉnh phía Nam nên có thể dẫn đến một bộ phận người chăn nuôi hám lợi sẽ sử dụng các chất bị cấm để pha vào thức ăn.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguồn gốc của các chất cấm thuộc nhóm beta-agonists mà các hộ dân sử dụng để chăn nuôi lợn, kích nạc là từ Trung Quốc và Thái Lan.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, qua kiểm tra, không có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nào dùng chất cấm thuộc nhóm beta-agonists. Điều đó cũng có thể khẳng định rằng tỷ lệ thịt lợn sử dụng hormon tăng trưởng chỉ có tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trước đó, vào năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt cấm là ractopamine, clenbuterol và salbutamol. Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Mặc dù một số nước vẫn cho sử dụng, nhưng hiện tại thì ở Việt Nam đang cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt có nhiễm các chất kích nạc.
4 đặc điểm nhận biết thịt siêu nạc có hóa chất Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nội trợ có thể tự phân biệt được loại thịt nào được nuôi theo cách thông thường, loại thịt nào sử dụng thức ăn tăng trọng bằng việc quan sát màu sắc và đặc điểm thịt. Người tiêu dùng có thể tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường nếu quầy còn để nguyên con. Còn thịt đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt: Thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phần mỡ thậm chí chỉ có khoảng 1cm. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều. Cụ thể: - Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm. - Màu sắc: Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ khác thường, sáng và bóng. - Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng. - Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc. |