Sáng chủ nhật cận Tết, trời Hà Nội se lạnh, tôi thong thả đi ăn sáng một mình. Thú nhất với tôi là ăn phở sáng ở một phố vắng vẻ.
Mình nhiều bạn bè, nếu ăn sáng gặp bạn, làm vài chén là đến trưa luôn. Đầu phố nhà tôi ở gần phố Đặng Xuân Bảng, khu đô thị mới Linh Đàm (Hà Nội). Tôi đến quán phở chỉ có hai người đang ăn. Ông chủ quán tên là Cán, một chủ hàng phở Nam Định đã có danh tiếng từ xưa lắm. Người khách kia trông lạ lẫm nhưng phong độ và cũng trạc tuổi ông Cán. Ông mặc comple xám nhưng không thắt ca vát, dáng vẻ quan chức. Sáng nay ít khách. Tôi đoán ông ta là người nhà ông chủ quán nên hỏi để chơi:
- Bác chắc là ở Nam Định lên chơi thăm bác Cán?
- Không ạ, tôi là khách ăn phở quen của ông Cán. Tôi là bảo vệ cho một gia đình giàu có ở trên phố cổ Hà Nội.
Ông chủ quán giới thiệu với bạn về tôi, nào là thi sĩ, nào là khách quen thường xuyên... Ông nói về tôi nhiều lắm. Rồi ông Cán nói, giọng rất nhiệt tình:
- Tôi mời ông Lộc thi sĩ chén rượu.
Tất nhiên là tôi không từ chối. Uống cạn chén rượu mà bụng rỗng không. Tôi hỏi ông Cán:
- Hai ông chắc đang chuyện trò với nhau việc riêng gì có vẻ tâm đắc. Tôi đến có phân tán câu chuyện không?
Ông Cán xua tay:
- Không, không có chuyện gì bí mật. Có ông Lộc lại càng hay. Rượu tam trà tứ.
Ông khách lạ hỏi tôi:
- Ông tuổi gì?
Tôi thưa:
- Tôi tuổi Mậu Tý.
Hai ông kia cười ha hả:
- Anh em tôi tuổi Mậu Tuất. Ba ta đồng tuổi Mậu. Hay quá.
Ông khách lạ nâng chén rượu lên, vẻ khoái chí:
- Ngày nghỉ, làm với nhau một chén là khoái. Chúng tôi đang bàn với nhau về cái sướng. Ông có thể tham gia. Tôi hỏi khí không phải, ông làm gì ở đâu?
Tôi đáp lễ phép:
- Tôi làm ở Ban Văn học chuyên đề, Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông Cán nói ngay:
- Có ông nhà văn, chuyện phong phú hơn rồi.
Ông khách lạ hỏi tôi:
- Tôi xin hỏi, nếu thất lễ ông bỏ qua. Ông là nhà thơ, ông bảo thế nào là hạnh phúc?
Câu hỏi hay nhưng bất ngờ. Nhiều người đã nói về hạnh phúc, mỗi người bình theo một cách khác nhau. Bùi Minh Quốc có bài thơ nói về hạnh phúc rất hay. Thời trẻ tôi đã từng học thuộc. Tôi không trả lời hai ông bạn rượu nhưng từ từ, tôi kể với hai ông về hoàng hậu Nam Phương. Câu đầu tiên, tôi hỏi: “Hai ông có biết Nam Phương hoàng hậu không?”. Cả hai đều trả lời không biết. Tôi giải thích cho hai ông, Nam Phương hoàng hậu là vợ vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông khách bảo vệ nói chen ngang:
- Bà này chắc sướng nhất. Người ta bảo sướng như vua mà. Vợ vua thì sướng là cái chắc.
Tôi kể về Nam Phương hoàng hậu rất dài, rồi bảo với hai ông bạn:
- Tôi nói ra như là bà Nam Phương sướng nhất nước Nam, thế mà bà không sướng. Bà khổ về tinh thần cho đến cuối đời. Khi bà chết không ai là người thân đưa tiễn. Bà sống những năm cuối đời ở một làng nhỏ tại Pháp và sống một mình. Con cái đều ở xa. Bảo Đại rất nhiều vợ và chẳng bao giờ đoái hoài đến bà cho dù bà rất xinh đẹp và là con một đại điền chủ giàu nhất Nam Bộ thời ấy. Bảo Đại còn những cô gái trẻ hơn bà. Khi Nam Phương nhắm mắt xuôi tay, bên cạnh chỉ có người phục vụ ở nhà tang lễ. Mấy tháng sau con cái mới về chịu tang.
Tôi nói với hai ông bạn rằng, bà quản lý toàn bộ gia sản và bất động sản của gia đình Bảo Đại mà bà không hề đoái hoài. Báo chí Pháp nói rằng: Bà hoàng hậu Nam Phương xinh đẹp khác thường, giàu có tuyệt đỉnh, con trai con gái đủ cả nhưng cuộc đời không hạnh phúc. Lúc chết bà cô đơn ở xứ người.
Ông khách lạ kết luận hộ tôi một câu:
- Giàu có và nhan sắc chưa chắc đã hạnh phúc.
Rồi ông khách lạ kể:
- Tôi làm bảo vệ cho một ông chủ làm giám đốc kiểm toán ở đâu đấy tôi không cần biết nhưng ông ta tiền nhiều như nước. Tôi làm bảo vệ ngoài, trong có người hầu gái giúp việc làm chuyện cơm nước. Vợ chồng không đi chung xe. Nhưng về nhà ông cứ kêu với tôi: "Tôi khổ quá, muốn chết đi cho rồi". Số là ông có một cậu con trai, học không hết đại học, nghiện ngập và chơi bời lêu lổng. Ông khổ vì tiền rơi hết vào cho nó. Nhưng chưa hết, chính ông lại dính vòng lao lý đến mấy năm. Khi được tự do về nhà, gặp tôi, ông bảo: "Tôi chỉ mong thanh thản và con nó đừng làm khổ mình. Thế là hạnh phúc!"
Tôi hỏi ông khách lạ:
- Thế theo ông, thế nào là hạnh phúc?
Ông khách lạ nói tỉnh bơ:
- Theo tôi, hạnh phúc nghĩa là sướng, có nghĩa là bình an và thanh thản, không ốm đau bệnh tật. Tôi cho là hiện nay tôi sướng. Con cái có việc làm, nó không phá tôi. Tôi có lương hưu dù rất ít nhưng thỉnh thoảng có tiền uống rượu.
Tôi bình phẩm theo ông khách lạ:
- Ông cho cái sướng là tự bằng lòng với cái mình có?
Ông ta nhấp một chén và nói:
- Vâng.
Ông Cán, chủ quán phở kể về mình:
- Tôi làm phở, tiếng là gia truyền nhưng cũng chỉ đủ ăn. Mà làm phở vất vả lắm. Sáng dậy từ 4 giờ, tối đến 10 giờ đêm mới hết khách. Cuối năm nay là tôi nghỉ, giao cho các cháu làm. Tôi sẽ đi chơi cho khỏe. Theo tôi, hạnh phúc là đủ ăn. Tiền nhiều cũng chẳng để làm gì. Bà Nam Phương hoàng hậu nhiều tiền thế nhưng chết có mang đi được đâu.
Tôi kể tôi có một anh bạn vong niên. Anh kém tôi 10 tuổi. Anh làm nghề sửa xe máy. Một cậu thanh niên đến sửa xe đã ăn cắp của anh ta 3 triệu đồng. Anh bắt được và phạt 30 triệu. Cậu thanh niên chấp nhận phạt 30 triệu và trả tiền sòng phẳng. Nhưng rồi hắn báo công an và anh bạn sửa xe máy bị bắt tù 5 năm. Tất nhiên, do biết sửa xe máy cho cả trại giam, anh ta chỉ phải tù 2 năm rồi ra. Khi tôi đến thăm anh ở trại, anh nói một câu thành thật: "Em chỉ muốn tự do".
Ông khách lạ mời tôi chén rượu rồi tự bình:
- Như thế, theo anh sửa xe máy, sướng nhất là tự do.
Tôi tán thành:
- Đúng thế!
Bất ngờ, ông Cán hỏi lại tôi:
- Theo ông Lộc, thế nào là sướng?
Tôi trả lời ngay:
- Theo tôi, sướng nhất là vừa làm được bài thơ hay.
Tất cả cười ha hả. Còn tôi ăn hết bát phở từ lúc nào.
LÊ TUẤN LỘC