Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sử dụng “ngón đòn” quen thuộc từng giúp ông thành công trong kinh doanh để gây sức ép với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Huawei bị Mỹ trừng phạt nhằm gây sức ép trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Với việc dồn dập tung ra một loạt biện pháp mạnh tay, rồi hoãn thi hành một số điều khoản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sử dụng “ngón đòn” quen thuộc từng giúp ông thành công trong kinh doanh để gây sức ép với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawel lại là một đối thủ rất đáng gờm. Vậy đâu là lý do giải thích cho cuộc khủng hoảng mà Huawei đang phải trải qua? Nhật báo Le Monde (Pháp) đưa ra 3 suy luận trong bài viết với tiêu đề: “Giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ”.
Thứ nhất, Mỹ trừng phạt Huawei để gây sức ép trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sai lầm có lẽ bắt đầu từ việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá Tổng thống Trump dường như đang bị suy yếu vì nền kinh tế Mỹ chững lại (thực tế hoàn toàn trái ngược) và “đổi giọng” khi không muốn đưa các cam kết liên quan đến chuyển giao công nghệ, mở cửa nền kinh tế Trung Quốc… vào thoả thuận thương mại. Bắc Kinh sẽ không để yên cho Washington trừng phạt niềm tự hào của Trung Quốc.
Thứ hai, hồ sơ Huawei có lẽ còn liên quan đến mối quan ngại chiến lược-quân sự. Trên thực tế, các sản phẩm của Huawei đã bị loại khỏi lãnh thổ Mỹ từ năm 2012. Hiện Washington muốn ngăn cản tập đoàn Trung Quốc triển khai công nghệ 5G trên khắp thế giới. Mạng 5G mạnh hơn và mang tính chiến lược hơn 4G vì có thể xử lý những dữ liệu rất nhạy cảm, kết nối với Internet để điểu khiển ô tô tự động, thiết bị y tế hoặc các nhà máy.
Lý do thứ ba đơn thuần chỉ là một cuộc chiến công nghệ. Washington không chấp nhận việc Trung Quốc trở thành một đối thủ chiến lược trong thế kỷ 21 và đứng ngang hàng với các tập đoàn Mỹ. Trong cuộc đối đầu này, việc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp, sao chép công nghệ chỉ là lý do thứ yếu, điều quan trọng hơn là phải làm thế nào để các tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được công nghệ tân tiến.
Trung Quốc bị phụ thuộc vào bộ vi xử lý của các tập đoàn Mỹ nhiều hơn dự báo của giới quan sát. Minh chứng rõ nhất là việc tập đoàn công nghệ ZTE từng lao đao trong vòng 3 tháng sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chíp bán dẫn. Do vậy, chính quyền Trump muốn giữ ưu thế này.
Cũng theo báo Le Monde, nếu chiến lược của tổng thống Mỹ tiếp tục được duy trì, tiến trình toàn cầu hóa có thể bị đảo lộn với việc hình thành 2 cực công nghệ trong tương lai. Mỹ muốn cô lập Trung Quốc hòng ngăn chặn cường quốc này bắt chước và phổ biến công nghệ, nhưng trên thực tế, những biện pháp trừng phạt càng làm Trung Quốc tự phát triển công nghệ riêng, trong mọi lĩnh vực, để không còn bị phụ thuộc vào Mỹ.
Giống như bài viết trên của Le Monde, bài “Trump gây mập mờ về Huawei” của báo Le Figaro cũng cho rằng Huawei, bị Tổng thống Trump liệt vào danh sách đen gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đang phải gánh chịu chiến thuật dồn dập gây sức ép, rồi nới lỏng một vài biện pháp với hy vọng đổi lấy nhượng bộ từ phía đối thủ trước khi ra đòn quyết định. Nhật báo Le Monde trích nhận định của nhà sáng lập Huawei, tỉ phú Nhậm Chính Phi, rằng Mỹ đã “đánh giá thấp đối thủ”. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 20.5 đã đến Vũ Đô, nơi xuất phát cuộc Trường Chinh năm 1934, và thăm nhà máy sản xuất đất hiếm như muốn cho thấy Trung Quốc sẵn sàng quyết chiến đến cùng với Mỹ.
Các tập đoàn Mỹ muốn làm ăn với Huawei phải xin giấy phép, nhưng theo Trump cam kết, họ “có lẽ sẽ không thể nhận được” giấy phép đó. Dĩ nhiên, Huawei là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Các tập đoàn Mỹ cung ứng công nghệ cho Huawei cũng hứng chịu “cú tát” bất ngờ.
Sau hai nhà cung cấp chip điện tử Qualcomm và Intel, đến lượt Alphabet - công ty mẹ của công ty công nghệ Google (Mỹ) - lần lượt thông báo ngừng cung cấp cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc hệ điều hành Android được sử dụng trong điện thoại thông minh Huawei, cũng như một số ứng dụng như Chrome, YouTube, Gmail, Maps. Phải chăng đó là lý do mà Tổng thống Mỹ lại hoãn chiến, cho phép Huawei tiếp tục sử dụng sản phẩm của Google trong vòng 90 ngày?
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại, công nghệ Mỹ-Trung đang thổi bùng ngọn lửa dân tộc ở Trung Quốc. Điều này chỉ có lợi cho Tập Cận Bình và nâng cao tính chính đáng của Đảng Cộng sản. Những lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ nở rộ trên mạng Internet. Các công ty Trung Quốc, điển hình là HiSilicon, chi nhánh sản xuất chip điện tử của Huawei, đã kêu gọi phải tự lực tự cường.
Một ví dụ về sự tự chủ trong công nghệ của Huawei được Le Figaro nhắc đến là việc Huawei đã phát triển hệ điều hành riêng cho sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc mà không sử dụng đến hệ điều hành Android, và có cửa hàng ứng dụng riêng. Android hiện được Huawei sử dụng cho các thị trường khác trên thế giới. Huawei dường như cũng đang cười nhạo chiến lược của Washington trong việc chặn tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển mạng 5G trên thế giới khi khẳng định mọi chuyện sẽ diễn ra như kế hoạch, sẽ không có bất kỳ chậm trễ nào.
Theo TTXVN