Ba cửa đại thành

30/10/2014 16:39




Xứ sở nào cũng có đại thành của riêng mình dù là một vương quốc bé nhỏ. Ba cửa đại thành tôi kể dưới đây là Thành Nam tức Nam Định, Thành Đông tức Hải Dương và đại thành thứ ba đương nhiên là Hà Nội, tức Tràng An xưa.

Như vậy là tôi ở đất Bắc cũng đã lâu. Thấm thoắt đã mấy mươi thu, già nửa đời người, muốn ghi lại một điều gì đó của đất này, cả con người nữa. Nhưng ngại. Vật đổi sao dời. Viết về người phần nhiều là sai nhưng cầm lòng không đặng, cũng sợ tuổi già ập đến, run tay, viết không kịp. Nếu vậy thì đâm có lỗi với mảnh đất này quá.

Cũng vào quãng hè này, năm ngoái ở đất Tràng An, tôi gặp phải một chuyện cứ sợ mãi. Cái nóng oi nồng của đất Bắc, thật lạ lùng, khiến người ta hay bắt chuyện. Chuyện ở tán đa ngoài đồng, chuyện bên hồ nước phố xá, chuyện dọc các quán. Bấy giờ gần Ngọ, tôi ghé một quán đẹp dưới tán bàng cuối phố. Quán có cấu trúc độc đáo, vừa là quán, vừa có nét cửa hiệu, vừa là nhà ở, nhờ cái ngách thông chạy từ sâu hút bên trong ra. Tôi nói: “Nhà này mát quá!”. Cụ bà tóc trắng kiểu Tràng An, mặt đỏ và nghiêm như tượng. Tôi lại nói: “Đất này mát quá, thưa cụ!”. Lập tức cụ bà quay lại: “Anh nói để làm gì?”. Tôi linh tính, im bặt. Nhớ đây người ta vặn lại là “nói”, chứ không phải là “hỏi”.
Người Tràng An hiện đại là vậy. Bất kể phi lý và có lý. Họ có tài lướt qua cái phi lý để đạt tới cái có lý của họ, trong khi tôi chỉ hỏi vô tâm.

Tôi chưa kịp phản xạ thì người nhà từ đâu đông quá, từ bếp, từ các ngách, từ các gác xép, xộc cả ra, như một tín hiệu bật lò xo. Một anh đeo mắt kính trắng dày, kiểu tri thức, chỉ thò một cái mặt vô cảm ra, hỏi trước:

- Cái gì? Cái gì?
Lập tức cả nhà hô theo:
- Cái gì? Cái gì?
Cụ bà đảo mắt, nói lí nhí mấy câu quen thuộc gì đó. Anh đeo kính quay ngoắt, cũng như vô cảm.
- Vớ vẩn!
Cả nhà hô theo:
- Vớ vẩn!

Tôi trả vội tiền, biến. Đúng là ba mươi sáu chước, chỉ còn chước chuồn, giữa ba mươi sáu phố phường Tràng An xưa. Ra đến cửa thì thấy hai anh em xe máy xộc đến. Họ người Tràng An, tôi lấy can đảm, ngoái đầu nhìn lại, xem là “Cái gì”. Cụ bà rót nước cho hai ông khách. Sắc diện không nghiêm nữa. Một anh rút từ trong túi xách ra một con sư tử bằng nhựa, nói với bà cụ, gọn lỏn một từ: “Yểm”. Anh kia rút xoạch cái thước cuốn ra đo tường. Ra thế, họ sửa lại cái bàn thờ, tôi đen đủi, xuất hiện không đúng lúc. Đụng vào chuyện ấy, lúc ấy, dù là câu nói vô tâm mấy, là cả nhà xộc ra, như một phản xạ tự vệ.

Hè này tôi xuống Thành Nam, đất sông Vị xưa. Phượng thắp đỏ rực. Mây đen sà thấp, có sấm và mưa bất chợt. Cầu Đò Quan đã xây từ mấy năm trước. Nhịp điệu chậm. Nghe vẳng tiếng máy tơ. Tôi ngồi nghỉ ở một quán phố dẫn ra ga. Vẫn thói quen trò chuyện của đất Bắc, không sửa được. Vẫn là một thổ trạch, vừa quán, vừa cửa hàng, vừa nhà như vị trí tôi gặp chuyện đen, tên Tràng An. Gió trưa hiu hiu. Tôi nói: “Nhà này mát quá!”. Cụ bà Thành Nam cúi xuống, vừa cười cả nể nét chân quê, vừa kể: “Bác nói đúng, hướng này mát lắm”. Khách lữ hành, chỉ cần được thế, là mát cả lòng. Tôi được chuyện. “Đất thổ cư chứ cụ?”. Cụ bà: “Không đâu. Chúng tôi cũng trôi dạt từ đẩu đâu, về đây chừng năm chục năm”. Cụ bà tranh lời: “Vậy bác đã vãn chùa Vọng Cung chưa. Cũng hướng nam này, nhìn ra sông, mát lắm bác ạ”. Thiếu nữ dáng thanh mảnh, dựng cái xe máy mới cứng, bước vào nhà. Cô cất tiếng: “Chào mẹ”, rất chân quê. Gương mặt dài, mắt sáng và hơi đượm buồn. Cô nhập chuyện: “Mẹ và anh đang nói chuyện?”. “Vâng, đang chuyện - Bà cụ nói - Bác này khen đất nhà ta mát lắm”. Cô gái: “Vâng, mát lắm. Vậy anh đã đến lễ nhà Đức Bà Nam Định chưa. Cũng hướng nam, nhìn ra sông, mát lắm”. Tôi xúc động nhìn kỹ. Thực ra mồ hôi thấm đầy trên trán cô gái. Bụi bay mù trên phố. Khói than trên các cột ống khói cao, thỉnh thoảng tạt xuống, làm cay con mắt. Mát đây là cái hồn chân quê trong trẻo còn lại. Tôi trả tiền, cáo biệt, bà cụ nói với: “Em nó hát trong dàn đồng ca nhà thờ”.

Cụ bà và cô gái Thành Nam vui vẻ khi nói đến chuyện đất cát nhà mình, lại còn xởi lởi hay bắt chuyện nữa. Đây là nét tính tình của người Thành Nam từ xưa chăng. Chắc họ quen thanh đạm, từ đó mà nhẹ tâm tính, hay vì họ còn nghèo, chưa qua những cơn sốt thời thượng về đất cát, đô-la, người ta chưa nổi cáu.

Bây giờ tôi kể sang chuyện Thành Đông, trước hè. Đoàn tàu sau khi sầm sập như ngựa phi đường Năm, tôi xuống ga Hải Dương. Thành phố bánh đậu xanh Phượng Vàng, Rồng Vàng. Tôi đã đi hết ga bụi, đầy vũng nước than, đã qua Nhà máy Sứ, đã vãn cảnh chùa và nhà thờ đạo. Tôi ghé cửa hàng bánh đậu xanh. Vẫn một cụ tóc bạc trắng. “Cụ cho con dăm chiếc”.
- Nhiều loại cơ đấy. Cậu dùng loại nào?
- Nghe nói nhiều loại ngon. Tùy cụ.
- Ối dào, cũng tàm tạm thôi mà…
Tôi ăn bánh ngon miệng, lại hỏi:
- Nghe nói vải thiều năm nay được quả, thưa cụ?
- Ối dào, cũng tàm tạm thôi mà…

Tôi nhìn cụ, một người mẹ Bắc Bộ, chắt chiu. Không vui buồn, không trễ nải. Có thể người Thành Đông tức là phía mặt trời, đã chọn một “gam bậc tầm trung” này để sống. Họ không muốn giữ chân quê, cũng không hấp tấp quá với hiện đại. Tôi định thần, nói theo phản xạ: “Nhà này mát, thưa cụ…”.
Cụ bà ngước mắt nhìn tôi:

- Dào, tàm tạm thôi mà. Mát với nóng gì cậu. Cậu về vùng quê Thanh Hà phải không? Tôi biết. Cậu đi sớm đi, kẻo tối.

Mới nghe rất dễ tủi thân. Không ra lạnh lùng, không ra xua đuổi. “Tàm tạm thôi mà”. Cụ bà Thành Đông thường nói vậy, với thanh âm trầm. Hầu như gặp gì cũng nói vậy. Thực ra có gì như giận, như chì nhưng không có thịnh nộ. Có gì đó thương cảm trong câu nói.

Cụ bà nhổm dậy, chỉ hướng cho tôi đi. Biết tôi là lữ khách văn nhân, cụ chỉ lấy tiền bánh, không lấy tiền nước, thứ nước nhân trần của đất Bắc Bộ.

Tôi ghi lại chuyện ba cửa đại thành của đất Bắc Bộ như vậy. Còn tôi, chưa có cốt truyện như cái tật ghi truyện của tôi lâu nay. Nhưng cái bóng dáng con người thì đã hiện lên, với một chút tâm tính của họ. Truyện cốt chỉ vậy. Mong bạn đọc chỉ bảo cho.

1-6-1995

 PHAN CUNG VIỆT


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba cửa đại thành