Ba anh em thợ lò họ Lê

10/07/2011 08:34

Sinh ra ở xã Tân Trào (Thanh Miện) nhưng cả 3 anh em: Lê Văn Thưởng, Lê Văn Thảo và Lê Văn Thự lại chọn vùng đất mỏ Quảng Ninh để lập nghiệp. Họ gặt hái được khá nhiều thành công trong công việc...


Ba anh em họ Lê ở XN Than Thành Công
 (từ trái sang phải: Lê Văn Thưởng, Lê Văn Thảo, Lê Văn Thự)

Tôi biết đến Lê Văn Thưởng vào đầu năm 2010, khi anh là một trong 80 đảng viên được Đảng bộ Than Quảng Ninh khen thưởng trong đợt sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Gần đây tôi lại biết đến Lê Văn Thảo và Lê Văn Thự khi các anh có tên trong danh sách tuyên dương “Thợ mỏ ưu tú và cán bộ quản lý giỏi” của Công ty Than Hòn Gai. Còn bây giờ ngồi tiếp chuyện tôi tại Trung tâm Điều khiển sản xuất 2 của Xí nghiệp (XN) Than Thành Công là ba anh em ruột Lê Văn Thự, Lê Văn Thảo và Lê Văn Thưởng, những thợ lò ưu tú. Ba anh em họ Lê rời quê hương xã Tân Trào (Thanh Miện), cùng đi học nghề thợ lò và cùng được phân công về phân xưởng KT 2 XN Thành Công. Và cũng từ đây, họ phấn đấu vươn lên trở thành những thợ lò tiên tiến, có tên tuổi trong XN, trong công ty.

Lê Văn Thự sinh 1975, ra Hạ Long kiếm sống bằng nghề đội than ở cảng từ 1990. Lê Văn Thảo không thi đỗ đại học, nghe theo cậu vợ đi học nghề thợ lò ở Trường Hồng Cẩm từ 1998. Em út Lê Văn Thưởng cho biết: "Thấy người Thanh Miện đi làm thợ lò nhiều quá cũng theo anh Thự học một khoá thợ lò 3 tháng". Rồi tình cờ năm 1999, cả 3 anh em họ Lê đều trở thành thợ lò của XN Thành Công. Ngày đầu tiên vào lò cả Thảo và Thưởng đều còn cảm thấy “ghê ghê”, không giống như lò mô phỏng ở trường. Thảo tâm sự: "Ngày ấy làm chỉ đủ ăn. Ngày lễ 30-4 và 1-5 được thưởng 50.000 đồng là sướng lắm rồi. Chú Thưởng lĩnh tháng lương đầu tiên được 250.000 đồng, có thể mua được một chỉ vàng, mà tưởng mình đang mơ". Anh Thự cho biết: "Là thợ đào lò đá, ngày mới vào làm, lò chật chội, không đủ nước tưới giảm bụi, một ca chỉ tiến vào được 0,1m. Bây gìờ, các dự án mở lò mới, mở rộng diện sản xuất cho Than Hòn Gai cũng như Than Thành Công, đường lò rộng rãi, nước tưới giảm bụi đến tận mũi khoan, thông gió lại tốt nên một ca tiến vào đường lò được 0,8m là thường". Hiện Thự thu nhập bình quân mỗi tháng 15,7 triệu đồng, có tháng đạt hơn 20 triệu đồng. Nghề đào lò đá có vất vả hơn đào than song sự quan tâm cải thiện điều kiện lao động của XN ngày một tốt hơn nên anh em trong tổ đều háo hức đi làm, muốn làm thêm vào ngày nghỉ luân phiên hay chủ nhật vì được hưởng gấp đôi định mức tiền lương.

 Lê Văn Thảo sinh 1978, đang là tổ trưởng tổ thợ lò của phân xưởng KT 2. Năm 2010 thu nhập của Thảo đạt kỷ lục 203 triệu 548 nghìn đồng, riêng tháng 10-2010 là 21 triệu đồng. Tổ của Thảo là tổ mạnh nhất của phân xưởng KT2. Anh vừa có vinh dự là một trong 3 đại diện của phân xưởng đi nhận 150 triệu đồng tiền thưởng của TKV tai Hội nghị tổng kết thi đua ngành than năm 2010 vì là phân xưởng có năng suất đạt kỷ lục. Ngày 4-5-2011, Lê Văn Thảo là một trong 4 công nhân của Than Hòn Gai được UBND tỉnh và LĐLĐ Quảng Ninh tôn vinh là công nhân tiên tiến tiêu biểu toàn tỉnh năm 2010.

 Còn Phó quản đốc Lê Văn Thưởng mới bước sang tuổi 32 lại có niềm vui riêng: với bản lĩnh thợ lò bậc cao, được làm tổ trưởng từ năm 25 tuổi đã giúp anh chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình quy phạm, được anh em trong phân xưởng và lãnh đạo XN tin cậy giao cho làm quản đốc 2 ngày cuối tuần, thay quản đốc đi học quản lý. Phó quản đốc Thưởng còn tiến xa, vì anh đang học đại học năm thứ hai để bổ sung kiến thức chuyên môn, giúp cho việc chỉ đạo sản xuất tốt hơn.

Cả ba anh em họ Lê đã có đủ các danh hiệu thợ mỏ ưu tú, chiến sĩ thi đua cấp ngành, công nhân tiêu biểu Quảng Ninh, có người đã có bằng khen của Bộ Công thương. Họ thường cùng về thăm quê và thường xuyên quan tâm phụng dưỡng cha mẹ.

NGUYỄN GIA PHONG

(0) Bình luận
Ba anh em thợ lò họ Lê