[Audio] Vì sao "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" giảm ưu thế? 

09/06/2023 11:12

Từng được nông dân Thanh Miện ưu ái đưa vào sản xuất đại trà ở cả 2 vụ, nhưng do nhiều nguyên nhân, giống lúa Bắc thơm số 7 đang mất vị thế trên đồng ruộng Thanh Miện.

00:00


Vụ xuân năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Linh ở thôn Hòa Bình (xã Cao Thắng) cấy 4 sào giống Nếp 415 cho năng suất, giá trị cao thay cho diện tích cấy Bắc thơm số 7 trước đó

Từng được xây dựng là nhãn hiệu độc quyền "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" nhưng do nhiều nguyên nhân, giống lúa Bắc thơm số 7 đang mất dần ưu thế ở địa phương này.

Giảm cả diện tích, năng suất 

Lúa Bắc thơm số 7 được đưa về gieo cấy tại huyện Thanh Miện cách đây hơn 20 năm. Với ưu điểm gạo ngon, năng suất, giá bán đều hơn một số giống đang gieo cấy tại địa phương lúc đó nên được người dân ưu ái đưa vào sản xuất đại trà ở cả 2 vụ. Có vụ, nông dân Thanh Miện gieo cấy Bắc thơm số 7 đến 60% diện tích và đã có những cánh đồng chuyên canh giống lúa này rộng từ 25-30 ha. Nhiều địa phương xây dựng tổ hội liên kết sản xuất lúa Bắc thơm số 7. Năm 2018, Thanh Miện xây dựng nhãn hiệu độc quyền "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" và đến năm 2019 được công nhận. Nhưng hiện nay, diện tích cấy giống lúa này đã giảm dần.

Vụ đông xuân 2022-2023, Thanh Miện gieo cấy 6.070 ha, trong đó Bắc thơm số 7 chỉ còn 2.518,5 ha, chiếm trên 41%. So với thời điểm cao nhất, diện tích cấy Bắc thơm số 7 đã giảm gần 1.500 ha. 

Là địa phương có truyền thống gieo cấy Bắc thơm số 7 nhưng hiện nay diện tích lúa này ở xã Cao Thắng không còn nhiều. Ông Nguyễn Văn Đường, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cao Thắng cho biết xã có 284 ha lúa, lúc nhiều nhất cấy Bắc thơm số 7 đến 40% diện tích. Vụ mùa năm 2021-2022, giống lúa này vẫn trong cơ cấu gieo trồng nhưng từ vụ đông xuân 2022-2023 thì đã đưa ra ngoài cơ cấu, chỉ còn một số hộ cấy diện tích rất nhỏ. Trước đây giống này cho năng suất 2 tạ/sào nhưng hiện chỉ còn từ 1,3-1,5 tạ/sào. 

Nhiều nguyên nhân

Vì sao từ một giống lúa được ưa chuộng, Bắc thơm số 7 lại đang mất vị thế trên đồng ruộng Thanh Miện?

Đây là giống lúa thuần từ Trung Quốc, được công nhận giống theo Quyết định số 1224 QĐ/BNN-KHCN ngày 21.4.1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Luật Trồng trọt năm 2018, các giống khi được công nhận chính thức được phép sản xuất, kinh doanh 10 năm sau đó phải công nhận lại. Các giống công nhận trước đây yêu cầu từ năm 2020 bắt buộc phải làm thủ tục công nhận lại và gia hạn đến năm 2022. Vì thế, đến năm 2022, Bắc thơm số 7 phải làm các thủ tục để được công nhận lại nhưng do đơn vị cung ứng giống chưa thực hiện nên tỉnh không đưa vào cơ cấu mùa vụ.  

Những năm gần đây, giống lúa này còn bị sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá dẫn đến công đầu tư, chăm sóc lớn. Gia đình chị Nguyễn Thị Linh ở thôn Hòa Bình (xã Cao Thắng) có gần 7 mẫu ruộng. Từ năm 2021 trở về trước, toàn bộ diện tích này đều cấy lúa Bắc thơm số 7. Nhưng từ năm 2022, chị đã dần thay thế bằng giống Nếp 415. Đến vụ xuân năm 2023, gia đình chị chỉ còn cấy 3 sào Bắc thơm số 7. "Tôi còn nhớ năm 2018, không chỉ gia đình tôi mà có hộ cấy Bắc thơm số 7 gần như mất trắng vì sâu bệnh. Từ đó tôi không cấy nhiều giống lúa này nữa", chị Linh cho biết.

Trong khi đó, Nếp 415 cho năng suất 2 tạ thóc tươi/sào, ngay khi gặt xong đã có người thu mua ngoài ruộng. So với Bắc thơm số 7, Nếp 415 ít sâu bệnh, chăm sóc dễ dàng hơn.

Tại xã Ngô Quyền, ông Nguyễn Thế Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết lúc cao điểm nhất toàn xã có 380 ha cấy lúa Bắc thơm số 7, chiếm trên 61% diện tích gieo cấy của cả xã. Tuy nhiên vụ này, diện tích cấy lúa này giảm chỉ còn 220 ha, chiếm 35,5% diện tích. 

Để thay thế giống lúa này, huyện Thanh Miện đã đưa một số giống mới cho năng suất, chất lượng cao như HN6, Đài thơm 8, Thiên ưu 8... và đã được người dân hưởng ứng, gieo cấy ngày càng nhiều. "Một giống lúa cấy trên một diện tích trong thời gian dài sẽ bị thoái hóa, dẫn đến sâu bệnh... Bắc thơm số 7 cũng không ngoài quy luật này. Hiện khoa học phát triển, các đơn vị cung ứng lúa, nhà khoa học thường xuyên nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc ra những giống cho năng suất, chất lượng cao nên nông dân sẽ lựa chọn giống mới đưa vào gieo cấy", chị Phan Thị Thảo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bắc thơm số 7 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhân đặc cách nên các công ty giống cây trồng có thể bán tại các địa phương. Nhưng do Hải Dương xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ trước khi giống lúa này được công nhận nên không đưa vào cơ cấu vụ mùa. Trên thực tế, giống này bị bệnh bạc lá rất lớn và trên thị trường có nhiều giống năng suất, chất lượng hơn để thay thế. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Vì sao "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" giảm ưu thế?