Dự án “Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Hải Dương” của Tổ chức Onesky giúp cơ sở giáo dục mầm non độc lập nâng cao chất lượng đội ngũ và chăm sóc, giáo dục trẻ.
Khóa tập huấn của Tổ chức Onesky đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập Bông Hoa Nhỏ (TP Hải Dương)
Phương pháp giáo dục tiên tiến
Hải Dương có 136 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, 273 nhóm lớp đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 3.900 trẻ, tập trung chủ yếu ở nơi có các khu, cụm công nghiệp.
Trẻ rất thích thú với khu trải nghiệm tại Trường Mầm non Đồng Lạc (Nam Sách)
Cơ sở giáo dục mầm non độc lập Bông Hoa Nhỏ ở TP Hải Dương đang có 6 cán bộ, giáo viên, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng 50 trẻ. Chị Trần Thanh Mai, chủ cơ sở này cho biết các cơ sở giáo dục mầm non độc lập còn nhiều khó khăn về đào tạo đội ngũ. Khóa tập huấn của Tổ chức Onesky là cơ hội tốt giúp các đơn vị nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Những người tham gia khóa tập huấn được cầm tay chỉ việc, thực hành và giải quyết các tình huống cụ thể như trẻ đánh nhau, không chịu ăn, hóc dị vật, sốt bất thường...
Cơ sở giáo dục mầm non Ban Mai ở huyện Cẩm Giàng đang chăm sóc 70 trẻ. 80% số trẻ là con công nhân làm việc ở các khu công nghiệp. Theo chị Nguyễn Thị Miền, chủ cơ sở, khóa tập huấn giúp người chăm sóc trẻ hiểu hơn về sự phát triển của trẻ, biết cách kiềm chế cảm xúc bản thân và hỗ trợ giải quyết xung đột giữa các trẻ một cách hiệu quả. Học viên còn được hướng dẫn cách trang trí lớp, làm đồ dùng, đồ chơi, giao tiếp với phụ huynh...
Khu trải nghiệm bể chơi với cát
“Sau mỗi bài học, giảng viên về từng nhóm lớp quan sát chăm sóc trẻ, đồng thời đưa ra những góp ý khi chúng tôi gặp khó khăn. Chúng tôi còn được tham gia vào một cộng đồng chăm sóc trẻ của cả nước, được chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn kịp thời từ các chuyên gia”, chị Miền nói.
Huy động nguồn lực lớn từ xã hội
Tổ chức Onesky đã chọn Trường Mầm non Đồng Lạc (Nam Sách) để xây dựng mô hình điểm áp dụng phương pháp “Chăm sóc và dạy học ứng đáp”, bởi trường này gần khu công nghiệp Nam Sách. Trường có hơn 500 trẻ, đa số là con công nhân.
Sa bàn giao thông
Ngoài được hỗ trợ 300 triệu đồng từ dự án, UBND xã Đồng Lạc đã cấp cho trường 700 m2 đất, UBND huyện hỗ trợ 450 triệu đồng để xây dựng mô hình điểm. Trường còn được các tập thể, cá nhân, phụ huynh ủng hộ, tài trợ nhiều hiện vật như cây cảnh, tre, dóc, lá cọ, ngày công và tiền mặt hơn 50 triệu đồng.
Sau một thời gian nỗ lực xây dựng, trường đã hoàn thiện các hạng mục và đưa vào sử dụng các góc chơi gồm: cầu trượt bi, công viên nước, bể chơi với cát, sa bàn giao thông, sân bóng mi ni, xưởng nghệ thuật, khu đảo bếp, góc mỹ thuật, nhà sách cộng đồng, góc cảm xúc, góc hóa trang, góc thay đồ.
Sân bóng mini
Cô giáo Lê Thị Đan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Lạc cho biết để xây dựng mô hình điểm hiệu quả, trường đã cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn tại Đà Nẵng. Các cán bộ, giáo viên của trường đã được tiếp cận với phương pháp dạy học ứng đáp, cách thức giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Từ lúc mô hình trải nghiệm được đưa vào hoạt động, trẻ hào hứng hơn khi đến trường. Giáo viên tổ chức đa dạng hình thức trải nghiệm, tạo điều kiện cho trẻ được tìm tòi, khám phá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ của trẻ. Chị Lê Thị Hải Linh ở xã Đồng Lạc rất vui khi con được học tập ở môi trường giáo dục chất lượng. “Thấy con thích đến trường và ăn ngủ tốt hơn nên chúng tôi yên tâm và phấn khởi”, chị Linh nói.
Dự án trên thực hiện từ cuối năm 2020, tổng giá trị viện trợ không hoàn lại gần 2 tỷ đồng. Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức được 2 khóa tập huấn và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho 158 giáo viên, người chăm sóc trẻ ở 7 địa phương cấp huyện. Học viên được học 21 chủ đề gần gũi, thực tế và phong phú như tìm hiểu về não bộ, tâm lý và hành vi của trẻ; cách xử lý xung đột; xây dựng môi trường học tập hứng thú, an toàn…
Nhà sách cộng đồng
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ; đồng thời có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình điểm, tiếp tục đem lại nhiều lợi ích cho trẻ là con công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
THẾ ANH