Sáng 17.3, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Hải Dương tổ chức kỷ niệm “50 năm chiến thắng trở về” (3.1973 -3. 2023).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Hải Dương
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Huy Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh, Thành ủy Hải Dương cùng gần 300 cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong tỉnh.
“Địa ngục trần gian”
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kẻ thù đã bắt giữ và đưa trên 40.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước ra Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) tra tấn. Tại tỉnh Hải Dương có trên 1.300 cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại trên hòn đảo đầy sóng gió này. Nhiều người may mắn trở về với cuộc sống đời thường hoặc tiếp tục công hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại lễ kỷ niệm
Trở về sau 50 năm nhưng ký ức về những trận đòn roi dã man của kẻ thù vẫn hằn sâu trong tâm trí những chiến sĩ cách mạng năm xưa. Từng bị địch bắt tù đày vào ngày 12.3.1969 khi vừa bị thương tại Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Giao ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) hiện là Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn lấy trại Cây Dừa xây dựng thành Nhà tù Phú Quốc. Chúng đưa vào sử dụng từ tháng 7.1967, giam giữ các chiến sĩ cách mạng trong lực lượng vũ trang của bộ đội miền Bắc và quân giải phóng miền Nam. Chúng hy vọng đày ra đảo Phú Quốc để cách ly những cán bộ, chiến sĩ cách mạng với Đảng. Tại đây chúng đã áp dụng trên 40 hình thức tra tấn tù binh theo kiểu thời trung cổ đến các hình thức hiện đại như quay điện, bẻ răng, đóng đinh vào xương, bắp thịt, ngồi biệt giam, phơi nắng, đổ nước xà phòng vào miệng, roi điện…”.
Sau khi bị bắt, ông Giao bị địch đưa về Bộ Chỉ huy Sư đoàn 18 của chính quyền Sài Gòn. Chúng sơ cứu vết thương cho ông rồi lại đưa về giam giữ tại nhà tù Biên Hòa (Đồng Nai). Ở đó 3 tháng, chúng tiếp tục đưa ông lên máy bay để ra Nhà tù Phú Quốc. Trong tù, ông Giao không nhớ mình đã hứng chịu bao nhiêu trận đòn roi của kẻ thù. Trận ông nhớ nhất đó là vào khoảng tháng 6.1976, khi ông được tổ chức giao dạy học văn hóa cho anh em chiến sĩ trong tù thì địch phát hiện và ngăn cản. Chúng dùng roi điện đánh ông, đỉnh điểm nhất là chúng đã bẻ mất một răng cửa của ông. “Bị tra tấn, bị đòn roi nhưng anh em chúng tôi vẫn đoàn kết đấu tranh đòi quyền được học văn hóa, dần dần buộc chúng phải chấp nhận”, ông Giao nhớ lại.
Ông Nguyễn Đức Thành, xã Đồng Cẩm (Kim Thành) cho biết năm 1964, ông nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, ông được điều động vào chiến trường chiến miền Nam, đóng quân tại Sư đoàn 89 Đặc công (Quảng Nam). Ngày 25.5.1969 ông bị địch bắt giam. Tại đây, địch nghi ngờ ông là cán bộ lãnh đạo nên đã đem ông đi biệt giam. Theo lời ông Thành vì ông là sĩ quan (Đại đội trưởng) nên ngay khi đặt chân đến Nhà tù Phú Quốc ông đổi tên thành Nguyễn Văn Cải (quê Thái Bình) và cái tên này cũng theo ông suốt những năm tháng trong tù. Tại đây, ông Thành và những chiến sĩ cách mạng phải đối diện với cảnh tra tấn thừa sống thiếu chết của kẻ địch. “Ngay ngày đầu tiên đến nhà tù tôi và nhiều anh em khác đã bị chúng bắt chui qua chuồng cọp giăng đầy dây thép gai, dội nước vào mặt và bắt phơi nắng cả ngày hòng “moi” thông tin về cách mạng nhưng chúng tôi quyết không khai gì. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng tất cả đều gan dạ giữ im lặng để cùng hàng chục ngàn tù binh đồng hành cùng phong trào đấu tranh không ngừng nghỉ cho tới ngày được trao trả”, ông Thành xúc động kể. Ông Thành cho biết thêm mặc dù ở trong tù nhưng hoạt động đấu tranh luôn được duy trì dưới sự lãnh đạo bí mật của chi bộ đảng. Tất cả cán bộ, chiến sĩ cách mạng vẫn không ngừng học tập văn hóa, chính trị, sinh hoạt Đảng. Bản thân ông là người trực tiếp đào hầm và lãnh đạo đào hầm nhưng đều bị địch phát hiện.
Ông Nguyễn Đức Thành (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội xúc động gặp lại nhau tại lễ kỷ niệm
Ngày trở về
Đầu tháng 3.1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, những chiến sĩ cách mạng bị giam trong tù được các đồng chí trong Chi bộ Nhà tù Phú Quốc bí mật thông báo, cùng với đó là việc trao trả tù binh. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong tù cùng vỡ òa sung sướng khi nghe tin. Tất cả đều náo nức mong chờ ngày trở về.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Đức Thành nhớ nhất đó chính là ngày 21.3.1973 ngày ông được trả tự do sau gần 4 năm bị địch bắt giam cầm, tra tấn. Ông Thành nhớ lại hôm đó ông và những người bị giam ở khu biệt lập (C8) được địch đưa lên máy bay. Lúc đó ông vẫn nghĩ mình và đồng đội bị đưa ra biển thủ tiêu. Nhưng khi máy bay về đến Lộc Ninh ông mới biết là mình được sống. “Cảm xúc lúc đó hạnh phúc, vui sướng lắm. Chứng kiến sự chào đón của mọi người tôi mới tin mình được về với mẹ, về với chiến sĩ, đồng bào và cách mạng. Tôi thấy mình như được sinh ra lần thứ hai”, ông Thành nói.
Sau 4 năm bị tù đày, ngày 15.3.1973 ông Nguyễn Ngọc Giao được trả tự do. Ông Giao nhớ lại “Hôm đó tôi cùng hàng trăm đồng đội khác từ nhiều trại giam được đưa lên máy bay địch đưa đến bờ Nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị) dưới sự giám sát của Ban Liên hợp Quân sự bốn bên và các giám sát viên quốc tế. “Sau khi bàn giao chúng tôi xuống cano sang bờ Bắc sông Thạch Hãn. Khi còn cách bờ khoảng 30m, tôi và một số anh em đã lao mình xuống sông, bơi vào bờ trong niềm vui khôn tả. Vào đến bờ trong sự chào đón của mọi người, chúng tôi mới tin rằng mình đã sống, đã trở về”.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm
50 năm trở về từ “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng, nhiều chiến sĩ trở về với cuộc sống đời thường. Dù ở đâu, làm công việc gì họ cũng luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, noi gương sáng trong lao động, học tập…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm “50 năm chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nêu bật những đóng góp, cống hiến to lớn của thế hệ các cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của các cựu cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương. Trải qua sự đọa đày dã man của kẻ thù cho đến ngày chiến thắng trở về mặc dù mang trên mình nhiều thương tật nhưng những người chiến sĩ cộng sản vẫn kiên cường, tuyệt đối trung thành với Đảng. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, các chiến sĩ đã kiên trung, không khuất phục trước kẻ thù, luôn giữ vững ý chí, sử dụng nhiều hình thức đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng cộng sản, thành lập các tổ chức đảng, đoàn, hội đồng hương… ngay trong trại giam của địch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày không chỉ hy sinh, cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước mà khi trở về với đời thường vẫn luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, tham gia xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Dù ở hoàn cảnh, nhiệm vụ nào những người chiến sĩ cách mạng vẫn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị của người cộng sản, gương mẫu trong công tác lao động, sản xuất, luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân người có công, cựu tù binh của tỉnh, đồng thời cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách…
HÀ VY