Đông Nam Á đã được xác định là khu vực ngành tài chính Hàn Quốc nên mở rộng sự hiện diện trong 3 năm tới để thực hiện kế hoạch lớn của nước này trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông cáo báo chí của Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) Hàn Quốc cho biết, việc mở rộng hoạt động ở các nước ASEAN là một trong 3 chiến lược chính để thực hiện kế hoạch tổng thể lần thứ năm trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2022 của nước này.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc nhấn mạnh ASEAN trong kế hoạch này.
Thông cáo báo chí của FSC khẳng định: "Là mục tiêu trong chiến lược hướng ngoại của chúng tôi, nền kinh tế ASEAN mới nổi ngày càng được chú ý. Trong số 27 chi nhánh nước ngoài mà các công ty tài chính Hàn Quốc thành lập năm ngoái, có 13 chi nhánh được đặt tại các quốc gia thành viên ASEAN, như Việt Nam, Indonesia và Singapore".
FSC, Cơ quan Quản lý tài chính của Hàn Quốc, đã quyết định tập trung vào thị trường ASEAN sau khuyến cáo vào tháng 12 năm ngoái của Viện Nghiên cứu thị trường vốn Hàn Quốc (KCMI), với mục tiêu ứng nhu cầu dịch vụ tài chính trong khu vực này, vốn nổi lên như một chuỗi cung ứng toàn cầu. KCMI cũng lưu ý việc các công ty tài chính toàn cầu xác định thị trường tài chính Hàn Quốc đã bão hòa, do đó, rất khó để theo đuổi một chiến lược hướng nội nhằm thu hút các công ty tài chính nước ngoài đến Hàn Quốc.
Theo FSC, bên cạnh việc hỗ trợ các công ty tài chính Hàn Quốc hoạt động ở nước ngoài, cơ quan này sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty tài chính nước ngoài và sẽ kiên trì theo đuổi kế hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế, dựa trên những lợi thế của 2 thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul và Busan.
Theo TTXVN