Một số địa phương trong tỉnh triển khai xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ nhưng hiệu quả không cao, không thể triển khai trên diện rộng.
>>> Áp lực từ rác thải sinh hoạt. Bài 1: Bãi chôn lấp quá tải
Lò đốt rác thị trấn Kinh Môn phải dừng hoạt động do không hiệu quả
Thời gian qua, rác thải sinh hoạt (RTSH) chủ yếu được thu gom, xử lý bằng hình thức chôn lấp. Một số địa phương như TP Hải Dương, các thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), Kẻ Sặt (Bình Giang) và các xã Tráng Liệt (Bình Giang), Cổ Dũng, Cộng Hòa (Kim Thành) đưa rác vào xử lý tại các nhà máy xử lý rác tập trung nhưng số lượng không nhiều. Ngoài ra, một số lò đốt RTSH quy mô nhỏ đã được xây dựng nhưng hiệu quả không cao, không thể triển khai trên diện rộng.
Từ năm 2015, xã Cao An (Cẩm Giàng) đầu tư xây dựng 1 lò đốt rác SANKYO công nghệ Nhật Bản, công suất từ 5 - 7 tấn rác/ngày (khoảng 250 tấn/giờ). Tuy nhiên, lò đốt chỉ đốt được 50% lượng rác thu gom. Lượng còn lại không đốt được do rác có độ ẩm cao, phát sinh nhiều khói. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Cao An đã lắp đặt thêm 2 tháp dập nước để xử lý khí thải nhiều khói. Rác có độ ẩm cao được trộn thêm chất thải công nghiệp dễ cháy như vải vụn, bao bì nilon để bảo đảm nhiệt độ cháy của lò. Sau một thời gian hoạt động, lò đốt rác chưa được đánh giá hiệu quả xử lý, chưa được đơn vị lắp đặt chuyển giao quy trình vận hành. Người dân nhiều lần có ý kiến về khí thải của lò đốt gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao An cho biết: “Hơn 1 năm nay, lò đốt đã dừng hoạt động. Do không có lò xử lý rác nên lượng rác đổ về bãi rác tập trung của xã ngày càng nhiều. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng chở rác đến đổ khiến bãi rác luôn quá tải. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện nhưng chưa được xử lý”. Còn xã Cẩm Phúc (cùng huyện Cẩm Giàng) cũng đã đầu tư, đưa vào sử dụng 1 lò đốt RTSH từ năm 2010. Lò đốt sử dụng công nghệ Nhật Bản (lò tự cháy bằng khí tự nhiên), công suất thiết kế 4 tấn/mẻ đốt, công suất thực tế 2 - 3 tấn/mẻ, từ 3 - 5 ngày đốt 1 lần. Lò đốt được giao cho tổ thu gom của xã vận hành. Quá trình hoạt động, lò đốt chưa được đánh giá hiệu quả xử lý. Hiện lò cũng đã dừng hoạt động.
Tại huyện Kinh Môn, từ cuối năm 2013, lò đốt RTSH được xây dựng ở thị trấn Kinh Môn do HTX Môi trường và cây xanh đô thị Kinh Môn làm chủ đầu tư. Đây là lò đốt NFI-120 nhãn hiệu SANKYO, công nghệ Nhật Bản, công suất 120 - 500 kg/giờ. Rác được đốt bằng khí tự nhiên, không dùng nhiên liệu, hoạt động theo quy trình khép kín. Từ khi đưa vào hoạt động, lò đốt đã xử lý RTSH của thị trấn Kinh Môn, xã Hiệp An và nhiều doanh nghiệp lân cận. Do công suất nhỏ nên một lượng lớn RTSH của thị trấn vẫn chưa được xử lý đúng quy trình. Gần 3 năm nay, lò đốt đã ngừng hoạt động. Toàn bộ RTSH của thị trấn Kinh Môn được xả bừa bãi trên đường dẫn, trong bãi chứa. Khói đốt rác ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân khu vực lân cận.
Ngoài các địa phương trên, năm 2016, thị trấn Thanh Hà cũng xây dựng 1 lò đốt rác với kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng, công suất thiết kế từ 4-5 tấn rác/ngày. Để duy trì hoạt động của lò đốt, UBND thị trấn Thanh Hà đã thuê 2 người làm nhiệm vụ đưa rác vào lò với chi phí 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do rác thu gom về chưa được phân loại nên công nhân tốn rất nhiều thời gian để xử lý trước khi cho vào lò đốt dẫn đến hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, RTSH không được phân loại nên rất khó cháy do có độ ẩm cao, phát sinh nhiều khói khi đốt, ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà cho biết: "Khi mới hoạt động, lò đốt xử lý được gần 50% lượng rác thải phát sinh hằng ngày của thị trấn. Hơn 1 năm nay, do hoạt động không hiệu quả, lò đốt đã ngừng hoạt động khiến lượng rác tại bãi chôn lấp tập trung của thị trấn ngày càng nhiều".
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, công suất các lò đốt rác loại nhỏ chỉ phù hợp xử lý RTSH cho 1 khu dân cư với quy mô từ 6.000 - 8.000 người. Đối với các lò đốt loại này, do lượng RTSH phát sinh ngày càng nhiều, một lượng lớn rác thải bị ùn ứ, không kịp xử lý nên các địa phương phải có chỗ để tập kết rác chờ đốt dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, không khí nếu không được che chắn, thu gom cẩn thận. Hầu hết lò đốt rác loại nhỏ đều không có hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Lượng rác không đốt sau khi phân loại còn khá lớn, các địa phương lại phải bố trí nơi chôn lấp hợp vệ sinh, gây lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, kinh phí để duy trì hoạt động của các lò đốt cũng trở thành gánh nặng cho các địa phương. Khi còn hoạt động, mỗi năm lò đốt rác ở thị trấn Kinh Môn nhận hỗ trợ từ ngân sách khoảng 100 triệu đồng, UBND xã Cao An cũng phải chi khoảng 30 triệu đồng để trả lương cho các công nhân vận hành.
Do hoạt động không hiệu quả, các địa phương khác trong tỉnh không triển khai rộng các mô hình này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá các lò đốt RTSH công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ không hiệu quả, không khuyến khích sử dụng.
VỊ THỦY - ĐỖ QUYẾT