Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, dân số Hải Dương đến ngày 1.4.2019 là 1.892.264 người, tăng 187.195 người so với 10 năm trước.
Cần xây dựng các chính sách phù hợp, tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, chăm sóc y tế... để nâng cao chất lượng cuộc sống
Hải Dương đứng thứ 9 cả nước và thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Hồng (sau TP Hà Nội, Hải Phòng) về số dân. Gia tăng dân số đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội.
Gia tăng ô nhiễm môi trường
Gia tăng dân số đồng nghĩa với việc gia tăng rác thải, nhất là tại các làng nghề. Hiện toàn tỉnh có 67 làng thuộc 10 nhóm nghề. Kết quả của "Điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường làng nghề và đề xuất các giải pháp xử lý, quản lý trên địa bàn tỉnh" do Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2017 cho thấy 7 nhóm làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm tiếng ồn, 3 nhóm làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm bụi, 1 làng nghề ô nhiễm dung môi. Ô nhiễm diễn ra phổ biến tại các điểm quan trắc nguồn nước mặt tại các làng nghề chế biến thực phẩm như rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương)...
Lượng rác thải sinh hoạt tăng thêm tạo gánh nặng cho môi trường. Phần lớn rác thải sinh hoạt đã được thu gom về các bãi rác theo quy định, nhưng vẫn còn hiện tượng đổ rác bừa bãi. Chất thải sinh hoạt gồm cả rác hữu cơ và vô cơ để lẫn lộn đổ ra môi trường gây nên tình trạng quá tải ở các bãi rác. Nước thải sinh hoạt cũng là thách thức lớn cho ngành quản lý tài nguyên nước và xử lý nước thải. Hệ số nước thải sinh hoạt được tính bằng 100% lượng nước cấp. Như vậy, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước khoảng 177.000 m3/ngày đêm. Gia tăng dân số đồng nghĩa với gia tăng lượng nước thải. Trong khi đó hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hiện chỉ có TP Hải Dương có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất thiết kế 13.000m3/ngày đêm, áp dụng biện pháp xử lý cơ học nên nước thải sau xử lý chưa bảo đảm quy chuẩn cấp phép. Trong khi đó các khu dân cư nông thôn đềuu chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế... cũng phát sinh nhiều chất thải làm tác động tiêu cực tới môi trường.
Giánh nặng an sinh xã hội
Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2009, toàn tỉnh có 152.258 người trên độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 8,9% số dân. Năm 2014, con số này đã là 238.353 người, chiếm 13,5% số dân. Năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 277.000 người trên độ tuổi lao động. Như vậy, theo xu hướng chung của cả nước, Hải Dương cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Nhiều người cao tuổi (NCT) không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, không được thăm khám thường xuyên và đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật. Theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2012, trung bình mỗi người già mang 2,6 loại bệnh tật, xu hướng bệnh tật chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và mạn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao. NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu như: Bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường... ngày càng tăng. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.
Theo báo cáo tổng kết năm 2018 của Hội NCT tỉnh, chỉ có 71.284 NCT đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 29.496 NCT hưởng trợ cấp người có công; hơn 53.000 NCT hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng, trong đó có 2.266 NCT cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo, 42.190 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, 8.945 NCT khuyết tật nặng, đặc biệt nặng... Như vậy, vẫn còn hơn nửa số người cao tuổi hiện nay sống bằng sức lao động của mình hoặc bằng nguồn hỗ trợ của con cháu. Trong khi đó ở nông thôn, ruộng đất ít, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm. Già hóa dân số sẽ gây áp lực lên nền kinh tế. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức cho sự phát triển của cả một quốc gia.
Già hoá dân số đang tác động đến mọi mặt của đời sống. Nếu không có chính sách kịp thời và phù hợp thì nó sẽ trở thành gánh nặng lớn cho cả xã hội. Do vậy, việc thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Nhà nước cần định hướng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, trong đó khuyến khích NCT còn có năng lực làm việc tiếp tục cống hiến. Mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, cải thiện các dịch vụ giáo dục, đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại cho NCT để họ nâng cao khả năng hội nhập, thích ứng với xã hội hiện đại.
TRẦN HIỀN