Nhờ tự làm mềm hóa nhiều cơ chế chính sách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã dần kéo được khách quay lại với các đoàn tàu tuyến Bắc - Nam.
Linh hoạt
Sau khá nhiều năm chìm trong đà sụt giảm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nhìn thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực đầu tiên trong tháng 4 và tháng 5.2017 - giai đoạn vốn luôn được coi là thấp điểm trong vận tải đường sắt.
Cụ thể, tổng lượng khách mà VNR chuyên chở trong tháng 5.2017 lên tới 873.000 lượt khách, sản lượng hàng hóa đạt 480.000 tấn (tăng lần lượt 5,4% và 6,3% so với cùng kỳ 2016). Khách đi đông hơn, hàng hóa chở nhiều hơn đã giúp VNR cải thiện doanh thu (303 tỷ đồng, tăng 7,7%), trong đó một lượng khá lớn doanh thu tăng từ hai tuyến ngắn chất lượng cao mới mở là Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang. Trước đó, trong tháng 4.2017, VNR cũng đã cán mốc doanh thu 271 tỷ đồng, tăng 9,1%; sản lượng hàng hóa tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Chưa cần những khoản đầu tư lớn cho các dự án hạ tầng và đoàn tàu, VNR đang nhận được những quả ngọt đầu tiên nhờ vào việc sử dụng rất hiệu quả những “chiêu thức”, trong đó có việc áp dụng cơ chế giá vé linh hoạt, bán vé 0 đồng của hàng không giá rẻ.
Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội, chính sách giá vé linh hoạt được coi là một trong những biện pháp quan trọng để kích cầu, thu hút khách đi tàu. Như lối mòn ăn sâu vào tiềm thức, trước đây, VNR chỉ áp dụng một giá vé cho cả tuyến và theo chiều dài hành trình, mà ít căn cứ vào nhu cầu thị trường.
Bà Hà lấy ví dụ: “Hiện trên tàu SE1/2, giá vé giường nằm suốt tuyến thấp nhất dịp cao điểm hè chỉ 803.000 đồng/vé, cao nhất 1.426.000 đồng/vé, nhưng cùng thời gian, cùng mác tàu, do nhu cầu khách đi Hà Nội - Đà Nẵng lớn, nên dù chỉ bằng 1/3 tuyến đường, nhưng giá vé giường nằm thấp nhất chặng này là 583.000 đồng/vé, cao nhất 1.036.000 đồng /vé...”.
Ở đầu phía Nam, chính sách giá vé còn linh hoạt hơn khi CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn áp dụng cơ chế bán vé tăng, giảm theo từng cung chặng, từng loại chỗ. Công ty mạnh dạn áp dụng cơ chế bán giá ưu đãi cho khách mua vé trước nhiều ngày, thậm chí giảm đến 50%, nhưng mua đi ngay thì giá cao hơn, giống các hãng hàng không đang áp dụng.
Bên cạnh đó, VNR đang nghiên cứu áp dụng thêm nhiều dịch vụ tiện ích như giao nhận hành lý, giao gửi tại nhà; tổ chức dịch vụ trung chuyển; tổ chức dịch vụ trung chuyển từ ga đến các điểm du lịch.
“Chúng tôi cố gắng cung cấp những dịch vụ xã hội cần, khách hàng cần, chứ không phải cung cấp dịch vụ mà đường sắt có. Vì thế, mọi công tác từ điều hành, tổ chức dịch vụ phải hướng về khách hàng, phải đặt mình vào khách hàng xem họ cần gì”, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR khẳng định.
Đẩy mạnh tái cơ cấuTheo ông Tùng, VNR đang gấp rút hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực khai thác trên toàn bộ mạng lưới đường sắt Việt Nam, trong đó trọng tâm là tuyến Hà Nội - Vinh theo ý kiến góp ý của các chuyên gia trong và ngoài ngành để trình Bộ GTVT phê duyệt.
Cùng tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, đề án được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh một trong những tuyến vận tải hành khách, hàng hóa truyền thống của ông lớn doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Được biết, ngoài việc dành 109 tỷ đồng để nâng cao tiện nghi tại các ga đầu mối lớn như Vinh, Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hóa, VNR sẽ dốc thêm khoảng 1.600 tỷ đồng cho việc cải tạo hệ thống hạ tầng, mua sắm đầu máy, toa xe hiện đại. Ngoài ra, VNR sẽ tập trung đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng mô hình mà các hãng hàng không đã làm là dải giá vé, lập biểu đồ chạy tàu mới. Ví dụ, thay vì chỉ bán vé Hà Nội - Vinh, sẽ bán vé Hà Nội - Cửa Lò và bố trí giờ tàu phù hợp để hành khách xuống Vinh sẽ có xe đưa đến Cửa Lò vào lúc có thể nhận được phòng khách sạn.
Liên quan tới công tác tái cơ cấu hoạt động vận tải, cuối tháng 5.2017, VNR đã trình Bộ GTVT, xin sáp nhập CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành CTCP Vận tải Đường sắt để tăng cường năng lực và sức cạnh tranh với vận tải hàng không và đường bộ.
Trong năm 2017, CTCP Vận tải Đường sắt, có chức năng tổ chức kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và các dịch vụ gia tăng trong nước và quốc tế; sở hữu tất cả toa xe khách, toa xe hàng, các phương tiện phục vụ hành khách, cứu viện và sữa chữa phương tiện vận tải…
Doanh nghiệp hợp nhất này sẽ làm nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách, đồng thời thành lập một Công ty TNHH MTV Kinh doanh vận tải hàng hóa (nắm giữ 100% vốn), để quản lý và khai thác toàn bộ toa xe hàng, trang thiết bị và phương tiện phục vụ vận tải hàng hóa; cứu viện đường sắt...
“Trong giai đoạn 2019 - 2020, sau khi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng hiệu quả, ngành đường sắt sẽ cổ phần hóa Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt theo hình thức công ty cổ phần Nhà nước không chi phối”, lãnh đạo VNR cho biết.
ANH MINH (Báo Đầu tư)