Thời còn khỏe, mỗi năm nghe gió heo may về, mẹ tôi lại nhẩm thầm câu hát trong bài “Áo mùa đông”: “Gió bấc heo may xào xạc rung cây lá lá bay/ Một mùa đông bao người đan áo....”.
Thời còn khỏe, mỗi năm nghe gió heo may về, mẹ tôi lại nhẩm thầm câu hát trong bài “Áo mùa đông”: “Gió bấc heo may xào xạc rung cây lá lá bay/ Một mùa đông bao người đan áo....”. Bởi không khí lạnh về khiến mẹ lại nhớ về phong trào “Mùa đông binh sĩ” hồi chín năm chống Pháp, động viên hậu phương tặng áo ấm cho bộ đội. Ngày ấy, mẹ là một trong số ít phụ nữ trong làng như chị Thảo, chị Loan… biết đan áo len, áo sợi. Nhờ thế, các chị tôi cũng tập, rồi biết đan. Những chiếc áo ấm do bàn tay khéo léo của mẹ và chị em trong làng đã được gửi ra tiền tuyến cho bộ đội.
Khi kháng chiến lan rộng đến Tứ Kỳ thì quê tôi đã xây dựng được “Làng chiến đấu” với những hàng rào tre kín lũy, hào giao thông liền nhà, liền xóm, xen với ụ súng, hầm phòng tránh bom đạn. Từ đó, nhiều đơn vị bộ đội cũng hành quân qua hoặc đóng lại ít ngày. Thế là phong trào gửi áo ấm cho binh sĩ càng khẩn trương. Nhiều mẹ, nhiều chị thức thâu đêm đan áo để kịp gửi các anh lên đường. Trong đó có một chiến sĩ hay hát bài “Áo mùa đông”, mãi sau này tôi mới biết đó là sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Thời gian anh ở lại không lâu nhưng đã dạy lũ trẻ chúng tôi thuộc bài hát ấy. Ca từ và giai điệu thiết tha của bài hát như nói đúng tâm trạng, tình cảm của những người đan áo nên được các mẹ, các chị nhập tâm: “Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều/ Người bạn tôi trong nắng quá chiều/ Chiều miền quê đan áo…”. Và rồi mũi đan càng mau, đường khâu thêm gấp...
Có một chuyện rất cảm động sau hòa bình lập lại năm 1954. Người chiến sĩ trẻ tên Hà, quê rất xa trở về vẫn nhớ đến thăm mẹ và các chị em. Anh mặc chiếc áo trấn thủ màu cỏ úa. Khi vào nhà, anh cởi trấn thủ ra vẫn còn áo len của mẹ và các chị gửi cho. Anh còn nhớ ngày ấy được lệnh hành quân vội nên mẹ và hai chị đã nhanh tay mỗi người đan một vạt để kịp khâu thành áo tặng anh. Nhiều đêm đứng gác hay những lần ra trận, anh đều nhớ về mẹ và các chị, đợi ngày chiến thắng cùng chiếc áo trở về. Mẹ tôi và các chị nghe xúc động, mắt đỏ hoe. Còn anh, anh lại hát bài đã dạy chúng tôi hồi thiếu nhi: “Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều/ Người mẹ mong con ngóng những chiều/ Chờ cầm áo đưa theo"...
Dừng một lát, nghe mẹ và các chị hỏi về anh Hùng, anh Mộng, anh Sơn… thì anh Hà lặng đi, mặt buồn, ngập ngừng, không nói được. Rồi anh xúc động nhè nhẹ hát: “Này người ơi tôi thấy phút nào/ Từng bạn tôi anh dũng máu trào/ Màu cờ loang trên áo”… Đến đây thì mẹ và các chị đã hiểu phần nào về những anh bộ đội vừa nhắc tên chưa hoặc không về nữa. Mẹ bước lại gần anh, tay vuốt lên tấm lưng còn mặc chiếc áo len...
Thế rồi anh Hà xin phép về đơn vị sau khi biếu mẹ một mảnh vải dù. Từ ấy sau nhiều năm, dù mẹ tôi đã đi xa, nhưng câu chuyện tặng áo ấm cho bộ đội và bài hát “Áo mùa đông” vẫn còn nhiều người dân quê tôi nhắc nhớ. Mối tình quân dân thật ấm áp vô cùng.
Tản văn của NGUYỄN THẾ TRƯỜNG