Vượt qua mọi khó khăn, có lúc tưởng chừng bế tắc, anh Nam đã hiện thực hóa những trăn trở bấy lâu thành một cơ ngơi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Anh Nguyễn Bá Nam tự tay thiết kế và xây dựng nhà màng
Từng quyết tâm ly nông, ly hương với hy vọng có một cuộc sống khấm khá hơn, nhưng anh Nguyễn Bá Nam (sinh năm 1977) ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) vẫn đau đáu nỗi niềm với nghề nông. Vượt qua mọi khó khăn, có lúc tưởng chừng như bế tắc, anh Nam đã hiện thực hóa những trăn trở bấy lâu thành một cơ ngơi sản xuất nông nghiệp khang trang theo hướng công nghệ cao.
Tâm huyết với nghề nôngHọc hết lớp 5, anh Nam đã phải bươn chải khắp trong Nam, ngoài Bắc để kiếm sống. Trong suy nghĩ non nớt của anh thời điểm ấy, chỉ có thoát ly khỏi làng quê thì cái đói, cái nghèo mới không còn đeo đẳng. Hơn 20 năm lăn lộn nay đây mai đó với nhiều công việc bán sức lao động khác nhau, từ theo xe hàng tới làm thuê tại các xưởng cơ khí khiến anh Nam chững chạc, trưởng thành hơn. Hình ảnh về cánh đồng rau màu tốt tươi của quê hương luôn ám ảnh tâm trí anh và tình cảnh được mùa - mất giá mãi ám ảnh, nông dân vứt su hào, cải bắp đầy bờ ruộng, lòng mương. Dự định làm một điều gì đó để thay đổi tình hình song điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn khiến anh do dự. Sau nhiều năm đắn đo, năm 2011, anh Nam trở về quê hương, làm lại từ đầu với 3 sào ruộng khoán.
Không giống các hộ khác chỉ chăm chỉ làm lụng còn thành quả lao động lại trông chờ, phụ thuộc vào thương lái, bằng vốn kinh nghiệm tích lũy nhiều năm làm ăn xa, anh Nam đã tự tìm thị trường tiêu thụ. Thế nhưng tự trồng đã vất vả, tự bán còn khó khăn và rủi ro hơn nhiều. Ngoài việc móc nối tìm khách hàng còn phải bảo đảm về nguồn hàng cũng như chất lượng. Hơn nữa, lúc đầu do chưa quen với việc tính toán nên hàng bị thất thoát nhiều, có khi anh phải bù lỗ. Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì theo đuổi việc buôn bán, quyết không chịu thua thiệt bởi khâu trung gian. Từ chỗ chỉ tiêu thụ nông sản của gia đình mình và các hộ xung quanh, anh còn thu mua ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Để tạo vùng nguyên liệu, anh Nam đã thuê 4 mẫu ruộng của các hộ trong thôn trồng rau, củ, quả theo thời vụ. Tuy nhiên, khi bài toán đầu ra cho nông sản đã có lời giải thì anh lại gặp trở ngại khác. Thời tiết bất thuận, nắng mưa thất thường khiến sản xuất gặp khó... Để khắc phục tình trạng này, anh đã dùng khum nilon bảo vệ rau màu trước những diễn biến bất lợi của thời tiết. Anh là người đầu tiên của xã mạnh dạn áp dụng biện pháp kỹ thuật này và đã thu được hiệu quả kinh tế cao.
Trải qua nhiều vất vả, đến năm 40 tuổi anh Nam mới có được cuộc sống tạm ổn định. Anh luôn mong muốn xây dựng một quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt nhất, còn người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra. Do đó, tháng 1.2017, sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu, bao nhiêu vốn liếng tích cóp được anh dồn hết vào đầu tư 1.100 m2 nhà màng, mở hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tư duy mớiHơn 2 tháng không quản mưa nắng, đêm ngày, anh miệt mài bên những khung sắt, tấm mái che. “Khi nhà màng hoàn thiện, những hạt giống đầu tiên được đặt xuống, tôi có một cảm xúc khó tả. Vui sướng, mãn nguyện xen lẫn bồn chồn, lo lắng bởi tôi nhận thức được rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Phía trước vẫn còn nhiều trở ngại, song tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thất bại để phá bỏ tư duy cũ, không để sản xuất cứ mãi theo lối mòn”, anh Nam nói.
Anh Nam đặt 1 nhiệt kế lớn và 7 nhiệt kế nhỏ xung quanh nhà màng theo dõi nhiệt độ, độ ẩm hằng ngày để có thể điều tiết nước bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hợp lý. Anh còn bố trí dàn quạt gió để làm mát khi cần thiết. Chính vì vậy, trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 50 độ C thì trong nhà màng của anh chỉ đạt khoảng 30 độ C, bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Không chỉ quan tâm tới việc đầu tư sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, anh Nam còn chú trọng làm nông nghiệp sạch. Anh bỏ ra 50 triệu đồng xây dựng kho ủ xơ dừa nhằm cải tạo lại đất. Trong quá trình chăm sóc rau màu, anh không sử dụng phân bón hóa học.
Những tưởng thành công sẽ đến với anh nhưng ngay lứa dưa lưới đầu tiên anh bị lỗ gần 100 triệu đồng vì sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, với anh đây là bài học chứ không phải thất bại. Cái được lớn nhất của anh đến thời điểm này không phải là lợi nhuận mà là các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nông sản tự tìm đến ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Thời gian tới, anh Nam dự định mua thêm đất, xây dựng thêm 5.000 m2 nhà màng để trồng những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, anh cũng nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống rau màu có lợi thế xuất khẩu. Nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, anh sẽ sản xuất rau hữu cơ, cung ứng cho các chuỗi cửa hàng rau sạch trong và ngoài tỉnh.
DŨNG CƯỜNG