Anh Lự cấy lúa trên ruộng lớn

23/07/2012 08:49

Đổi, đấu thầu rồi gom lại thành thửa ruộng lớn giúp anh Nguyễn Đình Lự thuận lợi hơn trong việc làm đất, gieo cấy, thu hoạch và năng suất cũng khá hơn...


Vợ chồng anh Lự dặm, tỉa lúa mùa trên khu ruộng 5,6 mẫu


Dám nghĩ, dám làm


Về cánh đồng thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện), chúng tôi thấy bà con nông dân đang khẩn trương gieo cấy vụ mùa. Trong khi đó, có một khu ruộng lớn, lúa đã lên xanh và chủ nhân của khu ruộng đang tập trung vào chăm sóc lúa. Anh Nguyễn Năng Chương, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thanh Tùng đi cùng chúng tôi hồ hởi: "Nhà báo thấy đấy, trong khi nhiều hộ dân vẫn còn gieo cấy thì lúa của anh Lự đã lên xanh rồi. Anh ấy có khu ruộng lớn, chủ động trong khâu làm đất, lấy nước nên gieo cấy đúng lịch thời vụ".

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Lự, 48 tuổi, ở thôn Đông khi anh đang dặm, tỉa lúa. Anh cho biết: "Một vài năm trở lại đây, thanh niên bị hút vào các khu công nghiệp thì không ít gia đình ở quê tôi không còn mặn mà với ruộng đồng nữa. Nhiều khu ruộng của thôn đã được các hộ dân cho những người ở thôn khác cấy. Nhất là khu ruộng công điền của xã trước đây dùng để ưu tiên cho các hộ dân có con sinh sau năm 1993 cấy, thì nay hầu như mọi người đều muốn trả lại xã. Vì thế, khu đất công điền này ít được cải tạo. Khi xã có chủ trương dồn gọn khu công điền lại và cho các hộ dân thuê cấy với diện tích ít nhất cũng phải từ 2 mẫu trở lên, tôi đã làm đơn để xin đấu thầu 4,4 mẫu. Cùng với đó, tôi dồn, đổi diện tích đất nhận khoán của gia đình cho các hộ khác, tạo ra khu ruộng 5,6 mẫu".

Nếu như trước đây, 1 sào ruộng ở khu công điền xã chỉ thu 28 kg thóc thì nay anh Lự nhận đấu thầu với mức 81 kg thóc/sào/năm với thời hạn 5 năm. Sau khi được giao ruộng, anh Lự đã cùng với vợ thuê máy xúc đắp lại bờ, đắp mương máng và hệ thống cung cấp nước. Sau đó, anh mua một chiếc máy cày trị giá 20 triệu đồng để chủ động trong khâu làm đất, đồng thời anh san tản ruộng cho bằng phẳng. Chẳng mấy chốc, anh Lự đã có một cánh đồng với chiều dài trên 400 m, chiều ngang gần 40 m.

Hiệu quả bước đầu


Sau khi ruộng đã được san tản, vợ chồng anh Lự bắt tay vào sản xuất vụ chiêm xuân năm 2012. Vụ đầu tiên do đất mới được san tản, cải tạo nên anh Lự chủ yếu cấy giống lúa QR1. Do ruộng đất tập trung nên anh Lự chỉ mất có 5 ngày đã làm đất xong toàn bộ diện tích. Anh huy động 6 lao động trong vòng 3 ngày đã hoàn thành việc gieo cấy (chủ yếu là gieo vãi). Anh Lự tính toán cái lợi trong sản xuất khi ruộng đất được tích tụ: Với việc thuê máy cày 180 nghìn đồng/sào/vụ thì chỉ trong vòng 3 vụ là chiếc máy cày được hoàn vốn. Hơn nữa, do diện tích tập trung, sản xuất lớn nên mỗi lần phải phun thuốc trừ sâu dùng máy và chỉ bơm 2 ngày là xong. Mặc dù vụ đầu năng suất lúa chỉ đạt 1,8 tạ/sào nhưng trừ chi phí, ngày công lao động vẫn lãi 40 triệu đồng. Chị Phạm Thị Băng, vợ anh Lự chia sẻ: "Trước đây nhà tôi cấy chưa đầy 1 mẫu ruộng mà có tới 7 mảnh ruộng nên rất vất vả. Bây giờ làm cánh đồng lớn, chủ yếu dùng máy móc, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên dù diện tích lớn hơn gần 5 lần so với trước đây, nhưng ngày công lao động của gia đình cũng chỉ tăng gấp hơn 2 lần". Với hiệu quả bước đầu từ vụ chiêm xuân vừa qua, vụ mùa này anh Lự tiếp tục phân chia cánh đồng của mình thành các khu sản xuất các loại lúa, bao gồm: lúa chất lượng cao Bắc thơm và lúa có khả năng cho năng suất cao là Q5. Tôi hỏi tiếp: "Tại sao anh lại quy hoạch cấy các loại giống lúa như vậy?". Anh Lự lý giải: "Tôi cấy như vậy vì một loại lúa sẽ chủ yếu dành cho thương phẩm, một loại dành để chăn nuôi vì hiện nay ngoài khu ruộng này tôi còn có một khu đất chuyển đổi với diện tích 1 ha. Trong đó, tôi chủ yếu thả cá và nuôi lợn. Phần phân thu được từ nuôi lợn tôi sẽ dành để bón ruộng. Chắc chắn những năm tới năng suất lúa của tôi sẽ còn tăng cao hơn nữa".

Nếu như khu ruộng trước đây khi anh Lự chưa đấu thầu do đất trũng nên chỉ cấy được 2 vụ bấp bênh thì nay đã trở thành khu ruộng gieo cấy lúa ổn định 2 vụ. Bên cạnh đó, do quy hoạch được bờ, hệ thống mương máng nên anh Lự dự định sẽ trồng cây vụ đông trên phần diện tích này để nâng cao giá trị. Anh Nguyễn Năng Chương, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thanh Tùng cho biết thêm: "Xã rất khuyến khích các hộ dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như anh Lự. Hiện nay, toàn xã có 50 mẫu đất công điền, ngoài giao cho anh Lự, xã đã giao cho các hộ dân khác với diện tích tối thiểu từ 2 mẫu trở lên để họ tạo ra những cánh đồng lớn, chủ động sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất. Như vậy vừa làm lợi cho các hộ dân mà xã cũng có lợi. Sắp tới, chúng tôi sẽ họp bàn với nhân dân để thực hiện việc dồn ô, đổi thửa trong toàn xã ".

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh Lự cấy lúa trên ruộng lớn