Cơ sở chế biến hành của gia đình anh Nguyễn Đình Bộ ở xã Nam Trung (Nam Sách) mỗi năm xuất bán từ 300-500 tấn sảnphẩm sấy khô các loại, bán ra thị trường nước ngoài, thu lãi từ 200-400 triệu đồng.
Năm 2004, tròn 34 tuổi, anh Nguyễn Đình Bộ đã là chủ của một cơ sở chếbiến nông sản ở vùng quê xã Nam Trung (Nam Sách), nơi nổi tiếng với câyhành vụ đông thương phẩm. 4 năm trở lại đây, cơ sở chế biến của gia đình anh mỗi năm xuất bán từ 300 đến 500 tấn sản phẩm sấy khô các loại, bán ra cả Đông Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Hiện có 15 cơ sở chế biến trong xã đang nhận sấy gia công các sản phẩm cho cơ sở của gia đình anh. Cơ sở chế biến của gia đình anh Bộ thường xuyên giải quyết việc làm cho 20 công nhân, mỗi năm thu lãi 200 - 400 triệu đồng.
Cùng với giữ gìn và phát triển nghề truyền thống chế biến nông sản, hiện anh Bộ còn đang gây dựng thêm nghề mới là nghề ráp thiếc bạc. Từ năm 2007, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc trang thiết bị và thuê chuyên gia nước ngoài về chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho 20 công nhân. Đầu năm 2009, xưởng ráp thiếc bạc đi vào hoạt động. Trong năm đầu, việc kinh doanh tại xưởng ráp thiếc bạc tuy gặp khó khăn vì nghề mới còn thiếu kinh nghiệm, nguyên liệu thiếc chất lượng cao phải nhập từ những công ty luyện kim màu ở trong nước khá đắt, song ngay trong năm đầu này, với 2 sản phẩm chính gồm thiếc thực phẩm và thiếc ráp mỏng làm nguyên liệu sản xuất giấy tiền vàng, xưởng của anh Bộ đã xuất khẩu 10 tấn thành phẩm đi thị trường các nước Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, đạt doanh thu 4,5 tỷ đồng, trừ tất cả chi phí còn lãi 200 triệu đồng. Anh Bộ cho biết, năm 2010, xưởng ráp thiếc bạc của anh có thể xuất khẩu từ 15 đến 20 tấn thành phẩm, doanh thu sẽ đạt cao hơn năm trước.
Từ việc kết hợp giữa phát triển nghề truyền thống chế biến nông sản với mở nghề mới, hiện kinh tế gia đình anh Nguyễn Đình Bộ ngày càng phát triển vũng chắc. Gia đình anh là một trong những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Nam Sách.
MINH HẠNH