Dự án quản lý xe buýt thông minh: Vì sao doanh nghiệp không tham gia?

07/05/2020 17:07

Sau một thời gian thí điểm, 2 trong 3 đơn vị đã rút khỏi dự án, các doanh nghiệp khác cũng chưa có động thái tham gia vì tốn chi phí và sợ bị cơ quan nhà nước giám sát.


Dùng thiết bị giám sát, Công ty TNHH Huy Hoàng có thể quản lý chặt chẽ hoạt động của xe buýt


Dự án xây dựng hệ thống quản lý các tuyến xe buýt thông minh (dự án xe buýt thông minh) được triển khai với kỳ vọng mang lại các tiện ích cho hành khách, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) vận tải và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy vậy, sau một thời gian thí điểm, 2 trong 3 đơn vị đã rút khỏi dự án, các DN khác cũng chưa có động thái tham gia.


Xu hướng tất yếu

Dự án xe buýt thông minh do Sở Giao thông vận tải xây dựng và triển khai thí điểm đối với 3 DN xe buýt là các Công ty TNHH: Huy Hoàng, Triệu Phố và Xí nghiệp Thương mại, du lịch và xây dựng 27-7. Từ đầu năm 2019, 20 xe buýt đi các tuyến Hải Tân - Ninh Giang; khu đô thị phía tây TP Hải Dương - Ninh Giang được triển khai lắp đặt hoàn toàn miễn phí các thiết bị giám sát trên xe. Chi phí duy trì dịch vụ trên các xe cũng được miễn phí trong thời gian thí điểm. Tại các bến xe phía tây TP Hải Dương, Hải Tân, các biển điện tử thông báo lịch trình, giá vé... cũng được trang bị. Đơn vị cung cấp phần mềm là Viettel Hải Dương.

Theo Sở Giao thông vận tải, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, nhắc điểm lên xuống trên xe mang lại lợi ích rõ rệt, giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát được các xe có chạy đúng hành trình, lịch trình không, có thể phát hiện được xe dừng đón khách sai vị trí, tốc độ. Ngoài ra còn có thể giám sát được thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên... Còn hành khách sẽ được hệ thống thông báo địa điểm lên xuống, các địa điểm xe đi qua... DN có thể giám sát lượng khách và việc chấp hành của lái xe, nhân viên. Mô hình này là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ, xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động lộn xộn của xe buýt đã và đang diễn ra.

Hết thời gian thí điểm, đến nay chỉ còn Công ty TNHH Huy Hoàng dùng dịch vụ này. Ông Nguyễn Công Tới, Phó Giám đốc công ty cho biết hiện nay 10 trong tổng số 11 xe tuyến 09 (Hải Dương - Ninh Giang) lắp đặt và sử dụng dịch vụ này. Trên mỗi xe đều có giám sát hành trình, định vị, camera giám sát hành khách. "Không chỉ tiện lợi cho DN mà hệ thống còn mang lại nhiều tiện ích cho hành khách. Người đi xe được tôn trọng hơn khi được hệ thống tự động chào, giới thiệu lộ trình. Cách điểm xuống chừng 100 m, 50 m... hành khách đều được thông báo trước. Khi không may xảy ra va chạm trên đường, hình ảnh giám sát sẽ là cơ sở để xử lý", ông Tới nói.

Không muốn mất tiền

Trong thời gian thí điểm, cả 3 DN đều nhận xét quá trình vận hành phần mềm quản lý xe buýt thông minh cho thấy chất lượng tốt, đáp ứng việc giám sát, quản lý xe chạy đúng lộ trình, tốc độ, giám sát lái xe; thời gian lái xe, nâng cao chất lượng vận tải và được hành khách đánh giá cao. Đại diện Viettel Hải Dương cho biết trong quá trình thực hiện đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng các thiết bị, phần mềm. Đơn vị có bộ phận thường trực để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của DN để kịp thời khắc phục.  

Dù vậy, Công ty TNHH Triệu Phố, Xí nghiệp Thương mại, du lịch và xây dựng 27-7 đã rút khỏi dự án, không nộp phí dịch vụ. Bảng điện tử tại các bến xe cũng không còn hoạt động. Trước đó,  2 đơn vị này đã cam kết tiếp tục duy trì hoạt động và chịu trách nhiệm nộp cước cho Viettel. Cụ thể, gói cước duy trì wifi trên xe, gói cước truyền dữ liệu camera là 400.000 đồng, gói cước thuê bao giám sát hành trình là 80.000 đồng. Như vậy mỗi tháng, mỗi đầu xe phải bỏ ra 480.000 đồng. "Mỗi năm mỗi đầu xe phải đóng 5.760.000 đồng, trong khi hoạt động của xe buýt hiện rất khó khăn, thậm chí thu không đủ bù chi. Nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách sụt giảm mạnh. Nhiều đơn vị xe phải nằm ở bến không hoạt động. Mặc dù dùng phần mềm này mang lại lợi ích nhưng vì bài toán kinh tế nên DN chưa tính đến, còn trước đây phần mềm miễn phí nên dùng thử", đại diện một đơn vị từng dùng phần mềm cho biết.

Một nguyên nhân nữa khiến các DN không tham gia dự án do xe của các cổ đông riêng rẽ, lái xe là người nhà, thậm chí chồng lái, vợ thu vé nên xe của ai người ấy tự quản lý. Riêng Công ty TNHH Huy Hoàng dùng dịch vụ này là do toàn bộ xe của DN nên sử dụng phần mềm, thiết bị giám sát sẽ quản lý chặt chẽ hơn.

Ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng ngoài các nguyên nhân trên có một thực tế là không DN nào muốn bị cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động. Vì khi sử dụng các thiết bị này, xe đi thế nào, con người ra sao, thời gian, tốc độ cao hay thấp thì Sở Giao thông vận tải đều nắm được và sẽ xử lý nếu có vi phạm. Ông Tiệp khẳng định phần mềm, thiết bị thông minh trên xe buýt cần ứng dụng để loại hình này văn minh hơn. Thế nhưng do không có ràng buộc nên DN có bỏ tiền ra dùng hay không là quyền của họ. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tuyên truyền, khuyến khích DN vận động cổ đông tham gia dự án.


TIẾN HUY

(0) Bình luận
Dự án quản lý xe buýt thông minh: Vì sao doanh nghiệp không tham gia?