Bức thiết xây dựng hệ thống đường gom quốc lộ: Bài cuối: Tìm cách tạo đột phá

02/04/2020 09:26

Việc xây dựng đường gom ven các quốc lộ mặc dù đã được triển khai nhưng mức độ ưu tiên chưa cao, vì vậy cần có các giải pháp tổng thể để thực hiện.


Xây dựng đường mới cùng lúc với làm đường gom sẽ giảm được nhiều khó khăn về sau. Trong ảnh: Đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng đồng bộ cùng với đường chính, đã phát huy hiệu quả

Đồng bộ ngay từ đầu

Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương đang được giao quản lý 80,6 km đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở cả hai bên. Đây là tuyến đường có hệ thống đường gom hoàn thiện nhất ở tỉnh ta hiện nay.

Theo lãnh đạo công ty, chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) xây dựng đường ô tô cao tốc và đường gom rất đồng bộ. Khi các địa phương có đường ô tô cao tốc đi qua là Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà giải phóng mặt bằng cao tốc cũng đồng thời giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để làm đường gom. Khi đường ô tô cao tốc hoàn thành thì đường gom cũng được đưa vào sử dụng. Theo ông Trần Việt Khoa, Phó Giám đốc Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương, hiện đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra nên phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Trong đề xuất xây dựng hệ thống đường gom của các quốc lộ qua địa bàn tỉnh vừa qua, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi mở rộng các quốc lộ cần bố trí làm đường gom, cầu vượt đồng bộ; chỉ đạo các nhà đầu tư khai thác hợp đồng BOT trên các tuyến đường phải bố trí kinh phí cải tạo các nút giao, xây dựng đường gom. Chủ đầu tư dự án cạnh các quốc lộ phải có trách nhiệm quy hoạch thiết kế và bố trí làm đường gom, cải tạo các nút giao cùng lúc. Khi đó dự án mới được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Xây dựng, mở rộng quốc lộ đồng thời tính toán làm đường gom, cầu vượt đồng bộ là giải pháp tối ưu để chấm dứt tình trạng khó khăn hiện nay. Kể cả khi kinh phí đầu tư chưa cho phép xây dựng đường gom vào thời điểm đó thì vẫn có thể dành quỹ đất để làm sau này. 

Chính quyền cấp huyện linh hoạt tìm nguồn vốn

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho rằng chính quyền cấp xã, cấp huyện cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quá trình xây dựng đường gom qua địa bàn. Phải phối hợp hoặc chủ động xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại các tuyến đường đã có, kiên quyết không cho các hộ ven đường cơi nới, lấn chiếm. Việc này sẽ tạo thuận lợi về sau khi làm các đường gom.

Theo ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, nếu lơ là trong bảo vệ hành lang an toàn giao thông, để các hộ lấn chiếm, thậm chí làm công trình kiên cố sẽ rất khó khăn nếu có kế hoạch xây dựng đường gom về sau này. Ví dụ quốc lộ 38B qua địa bàn huyện Gia Lộc, do lịch sử để lại nên hiện nay ở nhiều đoạn có hộ làm nhà kiên cố sát đường. "Nếu có kế hoạch xây dựng đường gom thì sẽ rất khó giải quyết. Khi đó phải xác định nguồn gốc đất, vận động giải tỏa, lập phương án đền bù... rất mất thời gian, tốn kém", ông Thắng nhấn mạnh.

Tỉnh ta hiện có 7 quốc lộ đi qua gồm quốc lộ 5, 10, 17B, 18, 37, 38 và 38B với tổng chiều dài 169 km. Ngoài quốc lộ 5 được các cấp, các ngành đã và đang triển khai xây dựng đường gom thì các tuyến còn lại làm rất chậm hoặc chưa có kế hoạch. Nguyên nhân do thời gian qua tỉnh phải tập trung nguồn lực lớn để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm nên kinh phí làm đường gom chưa tương xứng với yêu cầu.

Trong bối cảnh ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đang khó khăn như hiện nay, tìm nguồn lực ở đâu để đầu tư xây dựng đường gom tại các quốc lộ đã hình thành khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình khác ở hai bên? Có nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần linh hoạt trong tạo nguồn lực để làm chứ không nhất thiết phải trông chờ vào ngân sách tỉnh, huyện hoặc chờ cấp trên hỗ trợ. Lấy ví dụ, để xây dựng đường gom đường sắt, đường gom quốc lộ 5 dài trên 4 km qua huyện Kim Thành cần khoảng 150 tỷ đồng thì địa phương có thể phối hợp với ngành chức năng, báo cáo tỉnh xin cơ chế lập quỹ đất để bán. Kể cả khi số tiền đấu giá đất không đủ xây dựng đường gom thì cũng sẽ giảm bớt được khoản đầu tư từ ngân sách. Thực tế cho thấy tại một số đoạn đường gom đã xây dựng tại huyện Cẩm Giàng đã tạo sự kết nối giao thông, tạo cảnh quan, phù hợp để kinh doanh dịch vụ. Từ đó, quỹ đất 2 bên đã tăng giá trị, mang lại nguồn thu lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, mật độ phương tiện trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đều tăng mạnh, tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, số vụ, số người chết, số người bị thương liên tục tăng thì việc xây dựng đường gom là rất cần thiết để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm áp lực về mật độ phương tiện cho các tuyến đường chính. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh cần cân nhắc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố có các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đi qua cần có đường gom phải sớm rà soát, đề xuất xây dựng, cân đối ngân sách cấp huyện, linh hoạt trong tạo nguồn lực để làm đường gom.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Bức thiết xây dựng hệ thống đường gom quốc lộ: Bài cuối: Tìm cách tạo đột phá