Bức thiết xây dựng hệ thống đường gom quốc lộ: Bài 2: Vì sao khó thực hiện?

01/04/2020 09:40

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và khó khăn về nguồn vốn đầu tư là những nguyên nhân chính khiến việc xây dựng đường gom dọc các quốc lộ qua Hải Dương luôn gặp trở ngại.

>> Bài 1: Ùn tắc, tai nạn


2 km đường gom quốc lộ 5 đoạn từ huyện Cẩm Giàng - TP Hải Dương thuận lợi về mặt bằng nhưng cũng phải mất khoảng 4 năm mới hoàn thành do thiếu vốn

Vướng từ mặt bằng...

Hiện nay, các quốc lộ qua Hải Dương có mật độ xe cộ ngày càng đông, vì vậy yêu cầu làm đường gom rất bức thiết. Theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cần thiết nhất hiện nay là đường gom quốc lộ 5. Đường gom này cần sớm tập trung xây dựng để giảm tải xe cộ và hạn chế tai nạn giao thông.

Đường gom quốc lộ 5 hướng Hà Nội - Hải Phòng đoạn từ khu công nghiệp Đại An - TP Hải Dương được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Nhưng phải đến 6 năm sau, toàn tuyến mới chính thức thông suốt mà nguyên nhân do chỉ còn 280 m vướng mắc nên không có mặt bằng thi công. Tương tự, đường gom phía nam quốc lộ 5 hướng Hải Phòng - Hà Nội đoạn qua phường Nhị Châu (TP Hải Dương) chỉ dài vài km nhưng phải thi công trong hơn 10 năm (từ năm 2006) do có 2 đoạn dài hơn 200 m vướng nhà ở và công trình.

Toàn bộ đường gom hai bên quốc lộ 5 đoạn qua TP Hải Dương có tổng chiều dài gần 19 km, vốn đầu tư 106,9 tỷ đồng. Hai đoạn đường này liên quan đến 220 hộ có cây cối, tài sản trên đất. Để làm được 2 tuyến, thành phố phải lập, trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tới 31 đợt. Đến nay, sau nhiều năm triển khai, đường gom quốc lộ 5 qua TP Hải Dương đã hoàn thiện, chia sẻ gánh nặng với đường chính, đồng thời xóa bỏ được tình trạng đi ngược chiều đường gây mất an toàn giao thông.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, chưa tính đến vốn đầu tư, xây dựng đường gom luôn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhất là đường gom ven các tuyến đường mà hai bên đã có các khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chỉ các đoạn bố trí được quỹ đất "sạch" thì việc xây dựng đường gom mới thuận lợi nhưng các trường hợp này rất ít.

Đó là đường gom quốc lộ 5 chiều Hà Nội - Hải Phòng đoạn từ huyện Cẩm Giàng - TPHải Dương. Đoạn đường này dài gần 2 km được UBND huyện Cẩm Giàng đầu tư xây dựng trong khoảng 4 năm, trải bê tông nhựa, tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Việc xây dựng kéo dài chủ yếu do phải cân đối vốn đầu tư.

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các địa phương ven quốc lộ 5 rà soát, tổng hợp và đề xuất làm đường gom. Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng cho biết nếu xây dựng thì đường gom quốc lộ 5 qua huyện dài khoảng 20 km (chưa kể những đoạn đã đưa vào sử dụng như đoạn qua xã Tân Trường, thị trấn Lai Cách).

Về vốn có thể sắp xếp được, còn giải phóng mặt bằng đã lường trước được rất nhiều khó khăn, nhất là đoạn qua thị trấn Lai Cách, các xã Tân Trường, Cẩm Điền... Những đoạn này hai bên đều hình thành khu dân cư từ trước, có tài sản, cây cối trên đất của người dân nên giá trị bồi thường rất lớn. Nếu được xây dựng, đường gom sẽ xóa bỏ tình trạng đi ngược chiều quốc lộ 5 vốn đang rất phổ biến trên địa bàn huyện này.

... đến vốn đầu tư

Ngày 5.12.2017, Sở Giao thông vận tải tổ chức họp với các đơn vị liên quan để đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường gom, rào chắn với đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng đoạn qua huyện Kim Thành. Hiện có 17 km quốc lộ 5 qua huyện Kim Thành và tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng chạy song song với quốc lộ 5. Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, tuyến đường gom này dài trên 4 km. Nếu được xây dựng, tuyến đường sẽ xóa bỏ 99 lối đi dân sinh và đường ngang đường sắt qua huyện Kim Thành.

Do đánh giá được tầm quan trọng của tuyến đường gom nên những lần làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGT quốc gia, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã nhiều lần kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ do Trung ương chưa bố trí được vốn.

Sau các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kim Thành thời gian qua, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải bố trí cho tỉnh 550 tỷ đồng để xây dựng 4,93 km đường gom (kinh phí 150 tỷ đồng) và làm cầu vượt tại nút giao km50+630 quốc lộ 5 (với số tiền 400 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương.

Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là đơn vị quản lý, khai thác quốc lộ 5 sửa chữa cấp bách các công trình an toàn giao thông trên quốc lộ nhưng đến nay, việc xây dựng đường gom chưa được thực hiện.

Theo đề xuất mới đây của Sở Giao thông vận tải với UBND tỉnh, từ nay đến năm 2030, các quốc lộ này cần được bố trí trên 1.900 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để làm đường gom. Riêng năm 2020 cần 314,36 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 675 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần 960 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, với nhu cầu vốn lớn như trên dự báo sẽ rất khó khăn để triển khai xây dựng các tuyến đường gom.

Ông Vũ Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng hai bên các tuyến quốc lộ qua tỉnh, đặc biệt là quốc lộ 5 hiện có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Vì vậy, chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có trách nhiệm cùng với chính quyền để giải bài toán khó khăn về vốn làm đường gom.

Doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư đường gom song song với làm dự án kinh doanh của họ. "Khi đó gánh nặng về nguồn vốn đầu tư xây dựng đường gom đối với các cấp chính quyền sẽ được giảm bớt. Đây cũng thể hiện trách nhiệm, đóng góp của nhà đầu tư đối với cộng đồng xã hội", ông Tùng nhấn mạnh.

TIẾN HUY


------------------------------
Kỳ sau: Tìm cách tạo đột phá

(0) Bình luận
Bức thiết xây dựng hệ thống đường gom quốc lộ: Bài 2: Vì sao khó thực hiện?